10/08/2011 05:05 GMT+7

Tẩy rửa sai lầm

ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ
ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ

TT - Sau một thời gian dài nghiên cứu, đánh giá... cuối cùng dự án tẩy rửa dioxin ở sân bay Đà Nẵng cũng đã được chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ cho chính thức khởi động với số tiền lên đến 43 triệu USD.

Không lâu nữa, người dân TP Đà Nẵng sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh về dioxin từ một chiến dịch “sửa sai” của con người.

vQFpjL2h.jpgPhóng to
Lấy mẫu bùn tại kênh thoát nước nằm bên trong sân bay Đà Nẵng để đưa đi xét nghiệm (ảnh chụp tháng 1-2011) - Ảnh: Đ.Nam

Kỳ 1: Cô bé chân gỗ Kỳ 2: Không thể thay đổi sự thật Kỳ 3: Giữa hai thế giới

Đào, xúc hơn 67.000m3 bùn, đất

Thời chiến, sân bay Đà Nẵng là căn cứ quân sự của quân đội Mỹ, nơi dùng để nạp chất diệt cỏ có chứa dioxin cho máy bay để rải ở các cánh rừng miền Trung. Đây cũng là khu vực dùng để súc xả, rửa và hủy bỏ chất diệt cỏ còn dư thừa sau phi vụ.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở VN thuộc Bộ Tài Nguyên - môi trường (gọi tắt là Văn phòng 33), kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ dioxin trong một số mẫu đất tại vùng ô nhiễm phía bắc sân bay Đà Nẵng cao gấp 350 lần so với nồng độ cho phép.

Riêng mẫu bùn trong hồ sen cạnh sân bay Đà Nẵng có nồng độ dioxin cao gấp 20 lần so với nồng độ mức bình thường. Sau nhiều năm nghiên cứu, ngày 17-6-2011 chiến dịch tẩy rửa dioxin ở sân bay Đà Nẵng đã chính thức được khởi động.

Theo đó một kế hoạch tẩy rửa bao gồm rà phá bom, mìn; thiết kế và đào xúc vận chuyển khoảng 67.000m3 bùn, đất nhiễm dioxin về hố tập kết để xử lý bằng công nghệ mới nhất hiện nay sẽ được triển khai. Theo một chuyên gia môi trường của dự án tẩy rửa sân bay Đà Nẵng: “Kế hoạch đào xúc khu vực sân bay được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 bao gồm khu vực pha trộn và chuyển tải, khu vực lưu trữ và giai đoạn 2 sẽ tiến hành tẩy rửa các điểm “nóng” phía đông, phía bắc của mương thoát nước, hồ sen.

Và để tiến hành xử lý một lượng đất, bùn khổng lồ đang ngấm dioxin, người ta sẽ xây dựng tại đây một hệ thống bể chứa có đáy cách nhiệt để đổ đất bùn nhiễm dioxin vào tiến hành xử lý”. Ngày 16-7-2011, Bộ Quốc phòng VN và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã chính thức bắt tay vào việc tẩy độc dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi lễ, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, phó tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân, nói: “Việc thực hiện thành công dự án này sẽ giúp tẩy độc dioxin cho 29ha đất để có thể sử dụng cho các hoạt động kinh tế, thương mại, giảm nguy cơ con người bị phơi nhiễm với hóa chất độc hại cũng như các tác động tiềm tàng khác về mặt sức khỏe”.

MBZh9vlN.jpgPhóng to
Dự án tẩy rửa sân bay Đà Nẵng được khởi động bằng việc rà phá bom mìn bên trong khu vực tẩy rửa - Ảnh: Thế Vinh

Tẩy dioxin bằng xử lý nhiệt

Theo Bộ Quốc phòng VN và USAID, phương án tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng được dựa vào công nghệ xử lý nhiệt. Các chuyên gia cho biết khối lượng đất đào xới để xử lý môi trường ở sân bay Đà Nẵng ước tính khoảng 67.000m3, và để hoạt động xử lý nhiệt cho toàn bộ khối lượng trên phải cần đến 21 triệu kWh điện để đốt lò liên tục trong hai năm.

Tại cuộc hội thảo xử lý chất độc dioxin (do USAID phối hợp với Bộ Quốc phòng VN tổ chức) diễn ra tại TP Đà Nẵng vào trung tuần tháng 1-2011, đại tá PGS.TS Phạm Đình Chiến - trưởng phòng khoa học công nghệ môi trường, Quân chủng phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng VN) - cho biết: với phương pháp “hấp nhiệt” này, toàn bộ lớp đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng sẽ được đưa vào lò phân hủy, sau đó dùng điện kích nhiệt độ lên đến trên 300oC. Sau khi bùn và đất được xử lý sẽ được vận chuyển lại vị trí cũ và người dân có thể yên tâm trồng cây, rau an toàn trên đó để sử dụng cho cuộc sống.

Với năng lực xử lý 2,4 tấn/ngày, cần phải 2-3 năm mới hi vọng xử lý triệt để chất độc hóa học dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Cũng tại hội thảo, các chuyên gia môi trường của tổ chức USAID cho rằng: do mức độ tồn dư dioxin tại sân bay Đà Nẵng rất cao nên diện tích cũng như độ sâu lớp đất cần bóc là khá lớn, dự kiến toàn bộ 165.000m2 diện tích nghi nhiễm dioxin sẽ được đào bóc, trước khi cho vào hộc xử lý được xây dựng có kích thước cao 6-8m, rộng 10m, dài 70-90m. Đất đã xử lý sẽ được kiểm tra đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi trả lại vị trí.

Phát biểu tại hội thảo tổng kết dự án “Áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có và kinh nghiệm môi trường tốt nhất để trình diễn giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định từ ngành công nghiệp VN” diễn ra vào sáng 30-7 tại TP Đà Nẵng, PGS.TS Lê Kế Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kiêm chánh Văn phòng 33, xác nhận: “Đến thời điểm này chất da cam có dioxin ở sân bay Đà Nẵng đã được khu trú lại, không lan tỏa ra môi trường xung quanh, không ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh hay du khách đến và đi tại sân bay, còn bùn đất bị ô nhiễm sẽ được xử lý bằng phương pháp hấp giải nhiệt có thể phá hủy hầu hết dioxin trong đất. Với sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, Bộ Quốc phòng VN sẽ tiến hành dự án này từ nay đến năm 2013. Ngoài ra, phía VN sẽ tiến hành một số biện pháp khác nhằm kiểm soát và hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của dự án đối với môi trường xung quanh”.

Như vậy với việc khởi động dự án tẩy rửa dioxin ở sân bay Đà Nẵng đã tạo động lực cho việc tẩy rửa các điểm “nóng” về dioxin khác trên đất nước VN, trong đó có sân bay A So (A Lưới). Trước mắt theo Bộ Quốc phòng, quá trình khử độc ở sân bay Đà Nẵng sẽ được rút kinh nghiệm để áp dụng cho hai sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định). Đến cuối năm 2015, hai sân bay này sẽ được đảm bảo khử độc hoàn toàn.

_______________

Trong khi người dân Đà Nẵng vui vì dự án tẩy rửa dioxin khởi động thì cách đó vài trăm cây số, hàng ngàn người sống quanh sân bay A So (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) vẫn chìm trong nỗi lo dioxin.

Kỳ tới: Nỗi lo A So

ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên