Đã 36 năm trôi qua kể từ ngày cuộc chiến kết thúc, Việt Nam và Mỹ giờ đây đang đối diện với một kẻ thù chung, mang tên chất độc da cam. Theo ước tính, ít nhất 2,5 triệu quân nhân Mỹ đã trực tiếp tham chiến trên mảnh đất Việt Nam và cũng ngần ấy con người cùng với hàng triệu người Việt có khả năng đã bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Phóng to |
Đến nay, các nhà khoa học công nhận hơn 40 chứng bệnh có liên quan đến di chứng da cam, trong khi Hội Cựu chiến binh Mỹ chỉ thừa nhận 15 căn bệnh trong số đó là hậu quả của chất độc da cam. Ở Việt Nam, nỗi ám ảnh sinh con quái thai, dị dạng đã khiến hầu hết phụ nữ mang thai đều tự đến phòng khám phụ khoa làm xét nghiệm, siêu âm mà không cần giới thiệu của bác sĩ chuyên khoa.
Tiếng kêu của người mẹ
Cô gái tật nguyền Heather Bowser, người Mỹ, là một trong số hàng triệu triệu nạn nhân như vậy. Cha cô, Bill Bowser, bị bắt quân dịch vào năm 1967 và đưa sang Việt Nam chỉ chín ngày sau đám cưới của ông với Sharon.
Loạt bài “Da cam: Nỗi day dứt từ Mỹ” khởi đăng trên báo The Plain Dealer từ ngày 30-1-2011 kể lại những câu chuyện cảm động mà nữ phóng viên Connie Schultz và Heather Bowser, nạn nhân chất độc da cam người Mỹ, chứng kiến ở Việt Nam trong khoảng một năm tìm hiểu và phỏng vấn nhiều người. Nhiếp ảnh gia Nick Ut, nổi tiếng với bức ảnh Kim Phúc Em bé napalm chụp năm 1972 và đoạt giải Pulitzer, cũng tháp tùng trong chuyến đi đến Việt Nam. Loạt bài này vừa được công bố đoạt giải thưởng báo chí xuất sắc của Hiệp hội Biên tập báo chí (APME) ở Mỹ và Canada. Lễ trao giải sẽ được tổ chức từ ngày 14 đến 16-9 năm nay tại thành phố Denver thuộc tiểu bang Colorado (Mỹ). |
Thời đó ở ngôi làng của Heather người ta không thể đi hết ba khối nhà mà không đi qua nhà một gia đình có thân nhân đi lính ở Việt Nam. Cô kể: “Trở về làm trong một nhà máy thép, Bill ngày càng trở nên thu mình lại, cách biệt với mọi người và bắt đầu tìm đến với rượu nhiều hơn lúc nào hết”. Khi đó, cha mẹ cô bắt đầu muốn có con nhưng mọi chuyện cũng không hề suôn sẻ. Mẹ cô sẩy thai hai lần và chỉ đến mùa hè năm 1972 bà mới có dấu hiệu tốt đẹp hơn. Lần đầu tiên từ khi trở về sau cuộc chiến, cha mẹ cô được sống trong hạnh phúc ngất ngây mong chờ đứa con đầu lòng.
Thời ấy, năm 1972, người ta không đi siêu âm để săm soi từng ngón tay ngón chân hay kiểm tra đột biến gen như bây giờ. Cha mẹ cô cũng không màng đến việc sinh trai hay gái đầu lòng, họ chỉ biết họ sẽ thấy mặt đứa bé vào đầu tháng 12. Đó là chẩn đoán, còn thực tế thì Heather được sinh ra đầu tháng 10, thiếu đúng hai tháng, nặng 1,5kg. Bà Sharon nhớ lại giây phút bà nằm trên bàn sinh với tấm vải trắng phủ ngang eo. Một bác sĩ ẵm bé Heather trên tay, buột miệng: “Ôi, trời ơi”. “Ký ức như ngưng đọng rõ ràng lúc đó, rồi theo y lệnh, bà Sharon được gây mê ngay sau đó” - Heather nhớ lại những lời của mẹ cô.
Hai giờ sau, cha cô đến bên giường bệnh của vợ, giàn giụa nước mắt thông báo một tin quặn lòng, không còn gì đau buồn hơn với một người mẹ trẻ.“Con không được lành lặn, bị dị tật bẩm sinh” - ông nói. Sharon hóa đờ đẫn, lặng đi. Sau đó, ông dìu vợ đến phòng chăm sóc đặc biệt, đứng nhìn qua khung cửa kính đứa con gái đang nằm bên trong. Chân phải của Heather chỉ đến ngang gối, mất sáu ngón tay, ngón chân cái to bất thường. Người mẹ buột miệng kêu: “Trời ơi, tôi đâu có làm gì sai!”.
Phóng to |
Heather Bowser (phải) và bạn trai chụp ở Hà Nội trong thời gian cô đến VN tìm hiểu về di chứng chất độc da cam - Ảnh tư liệu |
“Đứa con đặc biệt”
Bà Sharon nhắc lại cảm xúc khi ấy: “Tôi thấy thương con bé ngay từ giây phút đầu tiên nhìn nó. Nhưng tôi hoang mang, rồi chỉ biết tự trách mình”. Suốt ba tuần đầu sau sinh, bé Heather nằm trong lồng kính, cha mẹ chỉ đứng xa nhìn. Các bác sĩ dặn họ chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. Họ nói khi bé có bất thường bên ngoài thì cũng có thể gặp bất thường cả bên trong, cơ quan nội tạng. “Nhưng trong niềm tin, tôi biết bé sẽ sống, tôi tin như vậy” - bà Sharon nói.
Heather dần cứng cáp hơn và được trả về cha mẹ đúng một tháng sau sinh. Cả hai vợ chồng nói như thề với con: “Ba mẹ hứa sẽ nuôi con lớn mà không để con chịu thêm bất cứ khuyết tật nào nữa. Ba mẹ hứa sẽ làm tất cả cho con mạnh mẽ hơn”.
Bà Sharon vẫn còn mang mặc cảm tội lỗi của người mẹ vì đã không cho đứa con của mình một hình hài như bao người khác, mãi đến hơn mười năm sau, thông qua báo chí, sách vở, đôi vợ chồng mới bắt đầu nghi thủ phạm chính là quãng thời gian ông tại ngũ ở Việt Nam và bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Cha mẹ cô một lần nữa rơi nước mắt khi nhìn con gái được gắn chân giả lúc bé 9 tháng tuổi, những giọt nước mắt hạnh phúc và mặc cảm. Bé Heather khéo léo, làm quen nhanh và dần biết đi một phần cũng nhờ niềm tin mạnh mẽ của cha mẹ rằng “con tôi làm được”.
Bất cứ khi nào Heather thích đồ chơi bé sẽ được toại nguyện nhưng món đồ chỉ nằm ở góc kia của căn phòng và bé phải tự đi lấy. 5 tuổi đầu, Heather được cha mẹ nhắn nhủ “con là người đặc biệt, con là duy nhất”, chứ không phải “con bị tật nguyền”. Năm học lớp 6, Heather vẫn còn bị chứng đái dầm và liên tục đi tiểu do rối loạn bẩm sinh ở bàng quang. Có lần cô giáo mất kiên nhẫn và trêu ghẹo Heather trước lớp. Về nhà kể lại với ba mẹ, ngay sáng hôm sau ba mẹ cô có mặt tại phòng hiệu trưởng của trường. Heather không còn bị chọc ghẹo từ đó, mặc dù vẫn mang biệt danh “chân gỗ” do bạn bè đặt.
Rõ ràng không ai có thể chối bỏ sự thật, nhưng nếu dám nhìn thẳng vào sự thật, mọi chuyện sẽ được cải thiện hơn.
____________
Từ Mỹ, Heather viết: “Liệu những ký ức về nỗi đau dai dẳng của tôi ở Việt Nam có thể giúp ích cho những nhà làm chính sách, nhà báo lên tiếng vì lương tri và sự sám hối? Rõ ràng không ai có thể thay đổi sự thật rằng sự liên can của Mỹ ở Việt Nam đã gây ra những số phận bị phơi nhiễm chất độc da cam...”.
Kỳ tới: Không thể thay đổi sự thật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận