Kỳ 1: Cô bé chân gỗ Kỳ 2: Không thể thay đổi sự thật
Phóng to |
Tác giả Connie Schultz - Ảnh tư liệu |
Heather cầm trên tay tấm di ảnh của cha cô, rồi nhắm mắt lại khi đang lơ lửng bên trên bầu trời Hà Nội, cô nói thầm: “Cha cảm thấy thế nào khi lần đầu đến Việt Nam lúc ấy”. Những câu hỏi không có lời đáp. Heather tự trấn an mình: “Nếu cha từng đặt chân xuống mảnh đất này thời chiến thì bây giờ con có thể đối diện với bất cứ điều gì phía trước cũng trên mảnh đất này, thời bình!”.
Khác biệt và đồng cảm
Tác giả Connie Schultz thừa nhận: “Ngay từ ban đầu khi đến Việt Nam tìm hiểu về di chứng lâu dài của chất độc da cam, tôi đã phải cố gạt ra khỏi suy nghĩ một điều thật khó khăn để có thể nói ra, rằng phải chăng người Việt đã chiến thắng còn chúng tôi chỉ là những nạn nhân của một cuộc xung đột tồi tệ mà hậu quả của nó vẫn còn âm ỉ”. Với bà và nhiều người Mỹ khác, đã hơn 35 năm trôi qua đất nước Việt Nam vẫn cứ là một bí ẩn đang từng ngày day dứt hàng triệu người Mỹ. |
Những hình ảnh gợi lại quá khứ tuổi thơ của Heather. Trong những buổi họp mặt, diễu hành đòi bồi thường do hậu quả da cam, Heather vẫn thường mặc chiếc áo in hình gương mặt cau mày cùng dòng chữ “Da cam làm tôi tàn tật”. Đôi khi cô mặc váy hoặc quần shorts để lộ chân không lành lặn. Heather mỉm cười, nói: “Tôi được dạy không che giấu bản thân mình, tôi cũng được dạy phải bắt mọi người dối diện với sự thật tật nguyền của tôi”.
Trước khi ghé làng Hữu Nghị cách Hà Nội 25km, do George Mizo cũng là nạn nhân da cam sáng lập năm 1992 với sự hỗ trợ của cựu chiến binh các nước Pháp, Nhật, Anh và cả Việt Nam, Heather luôn tự nhủ các em ở đây là những người may mắn, các em không cô đơn sau mỗi tiếng thở dài, có người lớn bảo bọc, có bạn bè tâm sự. Quan trọng hơn hết là các em được động viên tin tưởng vào tương lai. Tại làng lúc nào cũng có vài chục trẻ em ở độ tuổi 6-20 với đủ loại khuyết tật trên cơ thể, và hơn 40 cựu chiến binh đang cần chăm sóc y tế do ảnh hưởng của chất độc da cam. Trong câu chuyện, các em luôn tỏ vẻ rụt rè nhưng thân thiện và thường nói nhiều về “gánh nặng”, nào là “em không muốn là gánh nặng của gia đình”, “em muốn tự lập để không là gánh nặng của mẹ”, “em không muốn là gánh nặng của đất nước”.
Lê Đức Quang, một thanh niên 20 tuổi với thân hình của một đứa trẻ, đang sống trong làng, nói về mơ ước với vẻ rụt rè: “Một ngày nào đó em sẽ mở một tiệm bán hoa, vì hoa đẹp và làm cho con người biết trân trọng và yêu quý cuộc sống hơn”. Đến Bệnh viện Từ Dũ trong Sài Gòn, Heather gặp một cậu bé 12 tuổi mà cô gọi là hình ảnh của cô trong gương vì cậu cũng đang chịu những khuyết tật tựa như cô: mất một chân và nhiều ngón tay.
Heather giải thích cho cậu bé biết vì sao da cam đã làm cho cô và cậu đặc biệt như thế, cậu bé khẽ gật đầu, cười, rồi giờ hai bàn tay cao về hướng Heather. Heather cũng giơ tay mình chạm vào lòng bàn tay cậu bé, cùng cười.
Heather tự nói với mình, chua chát: “Một cuộc chiến đã đưa hai con người tật nguyền giống nhau gặp nhau như thế này, ở đây”. Nhưng rồi cô chợt nghĩ: “Mình bị mất một chân, có được chân giả trị giá 25.000 đôla này để đi khắp nơi trên thế giới. Còn cậu bé? Ngồi trên chiếc xe lăn, đôi môi vẫn cười nhẹ, rụt rè với khách lạ”.
Những giọt nước mắt
Heather kể cô vẫn không thể nào nào quên những tháng ngày trẻ thơ ở trường mẫu giáo, nơi cô nhận rõ sự khác biệt của mình và là tâm điểm chú ý của những trẻ em khác. Cô bị bạn bè đặt biệt danh là “Chân gỗ”. Heather nhớ lại: “Một ngày nọ, mọi cặp mắt bạn bè đổ dồn về tôi khi tôi tự vẽ hai bàn tay của mình bằng cách in chúng lên giấy. Thời gian lúc đó như dừng lại và đọng trong ký ức của tôi mãi đến tận bây giờ”.
Vào hôm hẹn gặp một nhóm cựu chiến binh người Việt tại làng Hữu Nghị, Heather mặc một chiếc váy, với ý đồ cố tình để lộ cái chân giả của mình và xòe bàn tay không lành lặn khi trò chuyện với mọi người. Cô nói: “Bởi lúc đó tôi muốn được chia sẻ vì hơi hoang mang không biết sẽ được đối xử thế nào”. Heather bắt đầu buổi trò chuyện bằng câu chuyện cuộc đời cha cô, người lính Mỹ Morris Bowser sau khi giải ngũ năm 1971 đã phải đau đớn chống chọi với những lần phẫu thuật, căn bệnh tiểu đường, đột quỵ... do di chứng chất độc da cam và mất năm 50 tuổi.
Thậm chí cha cô còn bị chứng hoang tưởng hành hạ. Đã có thời gian, cứ mỗi khi trời bắt đầu chập choạng tối, cha cô lại ôm khẩu súng ra ngồi lặng lẽ sau vườn, lên đạn sẵn. Ông nói với mẹ Heather rằng ông cần phải bảo vệ gia đình. Heather vẫn còn nhớ như in lời mẹ dặn những ngày ấy: “Không được gây tiếng động lớn làm cha giật mình, không được đánh thức cha khi đang ngủ, không làm cha cáu gắt”. Nhiều cựu chiến binh Việt gật đầu khi lắng nghe, một số rơi nước mắt. Heather hiểu rằng mình nhận được một tình cảm vượt ra ngoài sự tưởng tượng của cô, bởi đó là nỗi đau chung rất con người.
Heather nói: “Vài người đến chia buồn khi biết cha tôi qua đời sớm. Rời buổi nói chuyện, nhiều cựu chiến binh còn đi theo tôi và người phiên dịch xuống cầu thang để nói chuyện. Khi đó, tự nhiên tôi khao khát giá như lúc này có cha đi bên cạnh, tôi muốn cha tôi tận mắt nhìn thấy họ và nói với họ rằng chúng ta đồng cảm với nhau, chúng ta hiểu nhau”.
Heather lấy tấm di ảnh của cha mà cô luôn mang bên mình khi sang Việt Nam. Đằng sau tấm ảnh gửi người bạn thân từ thời thơ ấu, ông viết: “Tôi hi vọng một ngày nào đó tôi được cởi bộ quân phục này ra để thấy dễ chịu hơn, tôi mong ngày đó mọi người nhận ra sai lầm, buông vũ khí và sống với nhau trong hòa bình”.
Heather còn nhớ cô đã nói với một cựu binh Việt Nam có hai con tật nguyền do di chứng chất độc da cam: “Con thấy được nỗi đau trong mắt chú khi chú nhìn hai con của mình, cũng như con thấy được nỗi đau của cha con khi con nhìn vào tấm di ảnh của ông”. Người cựu chiến binh ôm chặt lấy Heather, cả hai đã không kìm được nước mắt.
-------------------------------------------------------
Trong khi ở nước Mỹ sự day dứt chưa nguôi thì tại sân bay Đà Nẵng, người ta phải tiến hành một kế hoạch trị giá 43 triệu usd để tẩy rửa từng mẩu đất nhiễm dioxin mà 50 năm trước quân đội Mỹ đã mang đi rải khắp miền Trung...
Kỳ tới:Tẩy rửa sai lầm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận