08/12/2018 11:36 GMT+7

Cứu sống thai nhi: Mẹ sẻ đôi bầu sữa nuôi em bé bị bỏ rơi

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Bầu ngực phải, chị Hạnh dành cho bé Chum, thằng bé giống bố mẹ như đúc. Nơi bầu ngực trái, chị áp đôi môi nhỏ xíu của bé Cháo vào và ngắm: 'Lạ quá, con chẳng giống bố mẹ chút nào'.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đón bé Bình An về cho bú mớm. Dù phải sẻ chia dòng sữa mẹ, nhưng hai đứa trẻ Duy An - Bình An đều khỏe mạnh - Clip: ĐỨC HIẾU - NGUYỄN HIỀN

Chum là con trai thứ hai của vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (26 tuổi) và anh Nguyễn Xuân Trường (27 tuổi), tên thật là Duy An. Thằng bé bụ bẫm, dù phải sẻ chia dòng sữa mẹ với đứa em gái.

Còn bé Cháo (tên là Lê Bình An) là đứa bé được cứu sống từ ca phá thai 35 tuần tuổi, khi mẹ con đã uống thuốc kích đẻ. Sau khi sinh, mẹ Cháo trốn mất. Tháng 10-2018, chị Hạnh đón Cháo về nhà, nuôi con bằng bầu ngực ấm nóng của mình.

'Nghĩ đến Chum, càng thương Cháo nhiều hơn'

Cứu sống thai nhi: Mẹ sẻ đôi bầu sữa nuôi em bé bị bỏ rơi - Ảnh 2.

Chị Hạnh muốn bé Bình An (tên thường gọi là Cháo) cảm nhận được hơi ấm, tình thương của mẹ - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Chiều đầu đông Hà Nội, chị Hạnh cùng chồng bế các con từ bệnh viện về. Bé Cháo vừa tròn 51 ngày tuổi, đến hẹn kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Người mẹ trẻ xin phép được gọi các con bằng cái tên thân thương: con gái lớn là Chu, con trai chị là cu Chum, và bé Cháo là đứa trẻ được các tình nguyện viên của CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội cứu sống từ ca phá thai.

"Sau vụ người mẹ bỏ con từ tầng 31 chung cư Linh Đàm xuống, đau xót quá nên tôi tìm đọc các bài chia sẻ về em bé. Vô tình biết đến CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội chuyên đi nhặt xác thai nhi để an táng cho các con, mọi người còn đi khuyên giải các mẹ bầu và cứu các thai nhi lớn.

Đến một ngày, có một bạn trẻ trong CLB nhắn tin hỏi: "Chị ơi, chị có thể chăm bé Bình An tạm một tháng được không, giờ bé đang bơ vơ. Không suy nghĩ gì, tôi đồng ý đón bé về", chị Hạnh rưng rưng nhớ lại và nói đó là mối duyên ông trời đưa con đến với gia đình chị.

Lúc nhận con gái về, vợ chồng trẻ biết sẽ có những vất vả, nhưng cả hai tự bảo nhau san sẻ công việc nhà thì đâu rồi sẽ vào đấy. Thời gian chị Hạnh chăm sóc hai con, anh Trường làm hết việc nhà, từ nấu cơm, giặt giũ quần áo đến dọn dẹp nhà cửa. Những khi vợ mệt quá, anh đảm nhận luôn việc vỗ về hai đứa nhỏ.

Người mẹ trẻ cũng lên mạng tìm kiếm cách luyện trẻ con ăn ngủ có giờ giấc, nay cả hai đứa nhỏ như một cặp sinh đôi có thời gian biểu ăn, ngủ giống nhau, nhờ thế vợ chồng chị có thời gian dành cho bản thân.

Vợ bế bé Cháo, anh Trường bế con trai Chum vào lòng. Ông bố 9X cười hiền lành: "Ai cũng hỏi vợ tôi: "Chồng có nói gì không?", nhưng tôi thấy bình thường mà. Hai vợ chồng cũng nói sau này muốn có nhiều con cho vui cửa vui nhà, có điều kiện thì nhận con nuôi. Tình cờ em Cháo đến, coi như vợ chồng thử sức trước. Tôi làm ôsin, có thể giặt quần áo, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa rồi đi làm kiếm tiền nuôi vợ con, không sao hết".

Được mẹ ôm vào lòng, bé Cháo ngủ ngon lành, bàn tay nhỏ xíu nắm chặt lấy áo mẹ. Thỉnh thoảng con giật mình, chị Hạnh vỗ nhẹ bàn chân con rồi áp vào bầu ngực ấm nóng.

"Cho bé Cháo ti mẹ như thế, chị có thấy thiệt thòi cho cu Chum không vì con phải san sẻ dòng sữa mẹ?", tôi hỏi người mẹ trẻ.

"Đêm trước ngày đón con về, hai vợ chồng hồi hộp không ngủ được. Cứ nghĩ đón con rồi, làm sao để chăm hai đứa, cho con ti ra sao và nếu cả hai đứa muốn ti cùng lúc thì phải làm sao? Đón em về rồi, cho em ti lần đầu tiên thì cảm xúc rất lạ, xen lẫn tình cảm của một người mẹ. Nhưng nghĩ đến cu Chum, tôi càng thương Cháo nhiều hơn", chị Hạnh cười hiền, ngắm nghía cậu con trai đang ngủ ngoan trong vòng tay bố.

Cứu sống thai nhi: Mẹ sẻ đôi bầu sữa nuôi em bé bị bỏ rơi - Ảnh 3.

Đón em Cháo về nhà, bé gái Chu là con đầu của chị Hạnh luôn đòi bế em. Mẹ nói: "Nặng lắm", là Chu biết mình không bế được em nên chỉ ngắm nghía và vuốt ve em - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Mỗi lần cho con bú sữa, chị Hạnh có thói quen ngắm con, Chum giống bố mẹ như đúc. Đến khi đón bé Cháo về, nhìn Cháo ti mẹ mà gương mặt con không giống bố, cũng không giống mẹ.

"Cháo không phải con của bố mẹ, con có gương mặt rất khác nên lạ lẫm. Nhưng càng lạ lẫm bao nhiêu, tôi càng thương con bấy nhiêu", chị Hạnh ứa nước mắt ôm chặt đứa bé.

Thương bé Cháo, chị cho con được bú sữa mẹ hoàn toàn. Chị nói có như vậy con mới cảm nhận được hơi ấm của mẹ, để con có thời gian tiếp xúc với mẹ và cũng để chị có thời gian làm quen với con nhiều hơn.

"Nay thì con có mùi của mẹ rồi. Hai đứa Chum và Cháo có mùi giống hệt nhau, giờ chúng như anh em luôn", chị Hạnh hạnh phúc nựng bé con trong lòng.

Có mẹ đây rồi!

Cứu sống thai nhi: Mẹ sẻ đôi bầu sữa nuôi em bé bị bỏ rơi - Ảnh 4.

Bàn tay Cháo nhỏ xíu ôm chặt lấy mẹ Hạnh - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Chị Hạnh có thói quen ghi chép vào cuốn sổ nhỏ về lượng sữa con ăn bao nhiêu, con ngủ giờ giấc thế nào. Nghĩ đến lúc phải trao con cho gia đình khác, chị chỉ mong gia đình đó yêu thương bé con, biết đến những đặc điểm đó của con mà vỗ về, an ủi để bé cảm thấy ấm áp hơn.

Người mẹ trẻ ngắm nghía cả hai đứa con. Với bé Chum, chị nói hai mẹ con còn cả chặng đường dài phía trước, nhưng với Cháo thì chẳng biết đến bao giờ. Gia đình chị sẽ chăm sóc Cháo đến khi nào CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội tìm được gia đình phù hợp nhất cho sự phát triển của con hoặc may mắn hơn, mẹ của con sẽ nghĩ lại và quay về đón con.

"Trăn trở lớn nhất của tôi là mỗi ngày có biết bao em bé bị bỏ rơi, những em bé không được cứu sống khiến tôi rất đau lòng. Tôi chỉ mong làm sao để mọi người dừng, hoặc hạn chế nhất có thể việc phá bỏ thai nhi để các con được làm người", chị Hạnh bày tỏ mong muốn.

Cứu sống thai nhi: Mẹ sẻ đôi bầu sữa nuôi em bé bị bỏ rơi - Ảnh 5.

Hai vợ chồng trẻ một tay chăm sóc ba đứa con còn nhỏ. Dù vất vả, hai vợ chồng nói đồng lòng, san sẻ khó khăn với nhau thì sẽ vượt qua được - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Còn tiếp kỳ 3...

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên