Bệnh nhi đang được theo dõi tại khoa hồi sức tích cực - Ảnh: T.LŨY
Một bệnh nhi 15 tuổi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở đã được cấp cứu kịp nhờ quy trình báo động đỏ liên viện giữa 2 Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.
Đó là trường hợp bệnh nhi T.Đ.V. (15 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được. Bác sĩ chẩn đoán ban đầu bệnh nhi ngưng tim do rối loạn nhịp tim, trên nền có bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot (đã phẫu thuật 10 năm).
Các bác sĩ xử trí hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, sử dụng thuốc vận mạch… đồng thời nhận thấy bệnh nhi có chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu, nên đã nhờ hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ để phối hợp.
Nhận được thông tin, êkip Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đặt sẵn máy tạo nhịp và kích hoạt. Ngay khi bệnh nhi được chuyển đến, sau khi nhận định đúng như chẩn đoán ban đầu đã được êkip chuyển sang phòng can thiệp tim. Tại đây, em được đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu, ngay sau đó các dấu hiệu sinh tồn được cải thiện, nhịp máy 80 lần/phút, huyết áp ổn định và ngưng thuốc vận mạch.
Sau gần một ngày cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, đã thực hiện được các y lệnh, nhịp của máy là 80 lần/phút. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tiếp tại khoa hồi sức tích cực - chống độc.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Phong - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, quy trình báo động đỏ liên viện giúp cứu sống nhiều bệnh nhân, bỏ qua nhiều thủ tục hành chính... Báo động đỏ liên viện thường được áp dụng ở những ca đa chấn thương nguy hiểm, tai biến sản khoa nghiêm trọng, các trường hợp cần sự tham gia khẩn cấp của nhiều chuyên khoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận