Bác sĩ ở trung tâm thực hiện một ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh: BV 175 cung cấp
Và để tiếp quản "cơ ngơi" thấm đẫm tình quân - dân ấy có những con người không tiếc tuổi thanh xuân tình nguyện ngày đêm bám đảo, chạy đua với "tử thần" để giành giật sự sống cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên đảo.
Blouse trắng bám đảo
Ra đảo đúng vào tháng 5-2017, chỉ ít ngày sau đó là khánh thành Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa.
"Khang trang, hiện đại" là cảm nhận đầu tiên của đại úy, bác sĩ Nguyễn Đức Linh (quê Lâm Đồng) khi đặt chân lên đảo - điều khác xa trong tưởng tượng của chàng trai 33 tuổi này.
Bác sĩ Linh bảo được ra đảo công tác là niềm mong mỏi bấy lâu nay. Khi được ban giám đốc Bệnh viện Quân y 175 "chọn mặt gửi vàng", những ngày sau đó anh "chạy đua" với thời gian tiếp cận nhiều chuyên khoa điều trị để trở thành "bác sĩ đa năng" có thể chủ động xử lý nhiều công việc, loại bệnh trên đảo - điều khác xa so với một bác sĩ chuyên khoa ở đất liền.
Chỉ ít ngày đặt chân lên đảo, bác sĩ Linh cùng đồng nghiệp bị đặt vào thử thách đầu tiên với một ca bệnh khá phức tạp.
Đó là trường hợp ngư dân bị xuất huyết tiêu hóa nặng do loét dạ dày tá tràng. "Lúc bệnh nhân được đưa đến thì sức khỏe gần như suy kiệt, da dẻ tái nhợt xanh xao bởi lượng máu mất khá nhiều. Với ca bệnh này buộc bác sĩ phải cho truyền máu gấp, nếu không rất nguy hiểm đến tính mạng" - bác sĩ Linh kể lại.
Tôi thay mặt ban giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và người bệnh bày tỏ lòng cảm ơn to lớn tới bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Mong rằng thời gian tới các nhà hảo tâm có tình yêu biển đảo thông qua báo tiếp tục đồng hành cùng bệnh viện để làm tốt hơn công tác bảo đảm sức khỏe nơi biển đảo
Thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn (giám đốc Bệnh viện Quân y 175)
Khẩn cấp là vậy, nhưng tìm đâu ra 1,5 lít máu ở đảo? Ngay trong đầu bác sĩ Linh lóe ra chỉ còn một cách tìm gặp từng người dân trên đảo, động viên ai có cùng nhóm máu thì hiến máu cứu người.
"Mọi người sống trên đảo rất tình cảm, khi nghe tôi nói có một trường hợp cần truyền máu gấp thì ai nấy đều rất nhiệt tình thử máu, cuối cùng may mắn tìm được năm người hiến có cùng nhóm máu, lúc đó mới thở phào" - bác sĩ Linh kể.
Ở Trung tâm Y tế Trường Sa, đại úy, bác sĩ Thái Ngọc Bình được nhiều cán bộ chiến sĩ, ngư dân biết đến với nhiều vai trò khác nhau.
Vừa là trạm trưởng, anh cũng là "bà đỡ" mát tay khi mổ đẻ thành công cho một thai phụ trên đảo bị thai đa ối - điều hiếm xảy ra trên đảo lúc bấy giờ.
Và sau ca mổ sinh tử ấy, tên của bác sĩ Bình được gia đình đặt làm tên đệm cho bé Thái Bình Hải Thùy, với ước vọng "thái bình" trên vùng đảo.
Nhắc lại chuyện cũ, bác sĩ Bình bảo vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc. Đó là năm 2015 khi anh nhận nhiệm vụ ra đảo công tác, thai phụ có thai khoảng 3 tháng. Từ đó, anh thường xuyên theo dõi đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi đến lúc em bé chào đời.
"Đến tháng thứ 5, khi siêu âm phát hiện sản phụ bị đa ối. Đây là tình trạng tương đối nguy hiểm cho mẹ và con, bởi khi bị đa ối thì nguy cơ ngạt cho thai nhi rất cao nếu đẻ thường" - bác sĩ Bình đánh giá.
Trước tình huống "trớ trêu" này, bác sĩ Bình là người đề xuất ban giám đốc bệnh viện chuyển từ sinh tự nhiên sang mổ lấy thai, đề xuất này cũng được gia đình thai phụ đặt niềm tin tuyệt đối.
Và không phụ niềm tin ấy, đúng ngày 1-12-2016 ca mổ lấy thai thành công, cháu bé chào đời trong niềm vui tột cùng của những con người có mặt trên đảo.
"Tôi cảm thấy rất xúc động và giờ đây dù đã rời đảo về đất liền công tác, nhưng thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm gia đình và bé" - bác sĩ Bình chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Linh - phụ trách Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa: sau một năm, đến nay trung tâm đã khám, điều trị khoảng 2.700 trường hợp bệnh nhân là quân, dân trên khắp các đảo Trường Sa, trong đó có 300 ngư dân. Đơn vị cũng đã thực hiện phẫu thuật 129 trường hợp, trong đó có 14 trường hợp trung và đại phẫu.
Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa - công trình do hàng triệu tấm lòng bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp xây dựng nên - Ảnh: HỮU KHOA
Những ca sinh tử
Bảy tháng trước (tháng11-2017), khi đang đánh cá tại khu vực đảo Đá Đông (thuộc quần đảo Trường Sa), ngư dân Lê Văn Tín (quê Bình Định) bất ngờ bị tai nạn lao động nặng. Một tấm kính trên tàu bị vỡ đã cắt đứt gân gấp của 3 ngón tay và bó mạch thần kinh.
"Lúc gặp nạn, giữa bao la biển nước, tôi nghĩ số mình chấm hết" - Tín bồi hồi nhớ lại. Giữa đêm khuya mịt mù trên biển, người nhà tìm cách đưa Tín vào đảo Đá Đông.
Tại đây, các chiến sĩ chỉ thực hiện được cầm máu tạm thời, rồi liên lạc "cấp báo" cho các bác sĩ ở Trung tâm Y tế Trường Sa. 2h sáng, Tín vào đến trung tâm y tế, ở đây các bác sĩ chờ sẵn.
Cả đêm đó, khi nghe tin Tín bị thương nặng, các bác sĩ của trung tâm chong đèn đợi bệnh nhân để kịp thời cấp cứu.
Năm giờ phẫu thuật nối gân, mạch máu là khoảng thời gian các bác sĩ làm hết khả năng của mình để cứu Tín trước nguy cơ bị liệt. Và ca phẫu thuật thành công, đến nay vết thương của Tín đã phục hồi 80%.
"Phẫu thuật xong, các bác sĩ lại thay nhau ngồi canh bởi lo sợ em bị sốt. Lúc em về, các bác sĩ còn cho sữa để em uống nhanh phục hồi sức khỏe. Nếu lúc đó không có các bác sĩ điều trị kịp, chắc em không qua khỏi" - Tín tâm sự và nói mong được thêm một lần ra đảo thăm và gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ đang ngày đêm bám đảo.
Không chỉ cấp cứu tại chỗ, Trung tâm Y tế Trường Sa còn được xem là nơi xử lý ban đầu đối với các ca bệnh nặng để kịp chuyển vào đất liền điều trị. Những ca bệnh nặng thập tử nhất sinh được cứu sống cứ nối dài...
Như ngày 23-5, trung tâm tiếp nhận và phối hợp với bệnh viện ở đất liền tranh thủ "thời gian vàng" cứu sống nhân viên trực hải đăng ở đảo bị nhồi máu cơ tim giai đoạn cấp sau khi hội chẩn từ xa.
Hiện trung tâm có 30 giường bệnh, 9 phòng chức năng và 9 y bác sĩ, cán bộ. Hệ thống máy móc hiện đại được Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ chuyên môn, tương đương bệnh viện tuyến huyện.
Ngoài ra, tại trung tâm còn có nhiều phòng mổ, hệ thống truyền hình trực tuyến, có vườn thuốc nam để phục vụ công tác cứu chữa người bệnh.
Công trình thấm đẫm tình quân - dân
Sau 2 năm xây dựng, nâng cấp từ Bệnh xá Trường Sa, ngày 25-5-2017, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được đưa vào khai thác.
Công trình có vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng, trong đó bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp 22 tỉ đồng thông qua hai chương trình "Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông" và "Góp đá xây Trường Sa".
Ngoài số tiền trên, báo Tuổi Trẻ cùng Bệnh viện Quân y 175 đã vận động hơn 7 tỉ đồng để lắp đặt các trang thiết bị y tế và Bệnh viện 175 là đơn vị đảm nhận về chuyên môn.
Biểu tượng và điểm tựa
Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa trong ngày khánh thành - Ảnh: L.Đ.DỤC
"Kiến trúc Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa là cụ thể hóa ý tưởng tạo nên biểu tượng khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Tôi tạo ra hình tượng như một đôi thuyền của người Việt ngày xưa từng định cư tại đảo.
Công trình này cũng giống như một đôi bàn tay che chắn bệnh nhân là quân dân trong một vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Phía trên, lõi cầu thang và hồ nước mái tôi tạo nên hình tượng trống đồng của Việt Nam.
Nhìn chung, đây không chỉ là một bệnh xá, mà còn là một pháo đài bằng đá chở che con người!" - kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng mở đầu câu chuyện về công trình kiến trúc của mình cho Trường Sa như thế.
Cũng theo kiến trúc sư Dũng: "Đây dù là công trình không lớn, song tôi suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều.
Ý tưởng ban đầu là tạo ra một công trình xanh, vĩnh cửu với công năng không chỉ đáp ứng việc khám chữa bệnh cho quân dân địa phương ở đảo, mà còn mang tính quốc tế, có thể phục vụ cả tàu bè quốc tế qua lại trên vùng biển này". (LÊ ĐỨC DỤC ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận