Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper (khi còn tại chức) tham dự một buổi lễ tưởng niệm sự kiện ngày 11-9 tại bang Virginia, Mỹ ngày 11-9-2020 - Ảnh: REUTERS
"Tôi nghĩ chúng ta cần cố gắng ngăn chặn hành vi xấu của Nga" - ông Esper, hiện là thành viên Viện McCain về lãnh đạo quốc tế tại ĐH bang Arizona (Mỹ), cho biết ngày 13-4.
Washington nên tìm cách trấn an các đồng minh châu Âu và thúc đẩy liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai thêm quân tại Ba Lan, "vào vùng Baltic và những nơi như Romania và Bulgaria trên cơ sở luân phiên", theo ông Esper.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 13-4 để "nêu quan ngại" về việc triển khai các lực lượng quân sự của Nga xung quanh Ukraine. Đồng thời, ông Biden cũng đề xuất một hội nghị thượng đỉnh giữa ông với ông Putin ở một nước thứ 3 trong vài tháng tới để thảo luận nhiều vấn đề trong quan hệ giữa hai nước.
NATO cũng lên tiếng chỉ trích việc Nga củng cố lực lượng dọc biên giới với Ukraine. Trong những tuần qua, Nga đã đưa hàng ngàn quân sẵn sàng chiến đấu đến dọc biên giới Ukraine, theo Hãng tin Reuters.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã gọi Mỹ là "kẻ thù", cảnh báo tàu chiến Mỹ tránh xa bán đảo Crimea "vì lợi ích của họ". Đồng thời, phía Nga cho rằng hoạt động của NATO quanh khu vực bán đảo Crimea là hành vi khiêu khích Nga.
Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Giao tranh giữa lực lượng chính phủ Kiev với quân ly khai do Nga hậu thuẫn tại khu vực miền đông Ukraine đã gia tăng trong những tuần gần đây. Kiev nói cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua đã khiến 14.000 người thiệt mạng.
Mỹ ngày 13-4 tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng của nước này tại Đức trong bối cảnh căng thẳng mới nhất với Nga liên quan đến Ukraine, từ bỏ kế hoạch trước đó của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khoảng 12.000 trong số 36.000 lính Mỹ tại Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận