Lãnh đạo thế giới, cựu binh tề tựu
Hôm 5-6, nước Pháp chính thức bước vào kỳ nghỉ lễ đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày D-Day (6-6-1944 - 6-6-2024). Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức cùng ngày do đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, cùng sự có mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo từ các quốc gia trên khắp thế giới.
Đặc biệt, lễ kỷ niệm còn có sự góp mặt của các cựu chiến binh - những nhân chứng sống từng trải qua chiến dịch D-Day lịch sử ngày 6-6-1944.
Trong buổi lễ kỷ niệm, ông Achille Muller, một cựu chiến binh 99 tuổi, đã kể lại diễn biến quá trình di chuyển từ eo biển Manche đến vùng Brittany (Pháp) thuộc phạm vi kiểm soát của Đức quốc xã.
Ông Muller lúc đó 19 tuổi, đồng thời là thành viên cuối cùng còn sống sót của Các Trung đoàn tác chiến đường không đặc biệt (SAS) - đơn vị biệt kích của Lục quân Anh có mặt trong cuộc đổ bộ, theo Hãng tin AFP.
“Với một chiếc dù lượn, tôi đã tiếp đất gần Locoal-Mendon. Mục đích duy nhất của chúng tôi là giải phóng nước Pháp”, ông Muller kể lại quá trình thực hiện nhiệm vụ với báo giới hôm 5-6.
Cựu lính nhảy dù cho biết ông đã trốn khỏi vùng Lorraine, phía đông bắc nước Pháp, sau đó gia nhập SAS và băng qua eo biển Manche. Người Đức muốn chiêu mộ ông, tuy nhiên ông quyết định trở thành một người lính Pháp.
Nhân sự kiện này, ông Muller hy vọng câu chuyện của ông sẽ truyền cảm hứng cho giới trẻ Pháp - thế hệ sẽ phải làm điều tương tự như ông đã từng nếu một mai tổ quốc bị tấn công.
Trong số những cựu chiến binh tham gia còn có cụ Bob Gibson, 101 tuổi, từng tham gia vào đợt đổ bộ thứ hai lên bãi biển Utah của Normandy. “Nó giống như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Bạn sẽ không tin vào những gì tôi đã chứng kiến. Thật kinh khủng”, ông Gibson chia sẻ với Hãng tin Reuters.
Ông Muller, ông Gibson và những cựu chiến binh khác xuất hiện nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày D-Day dường như muốn gửi gắm tới thế hệ sau một thông điệp, rằng đừng bao giờ lãng quên quá khứ và những con người đã “hóa thân vào dáng hình xứ sở” để “làm nên đất nước muôn đời”.
Nỗi buồn chiến tranh mà nước Pháp từng lãng quên
Ngày 6-6-1944, quân Đồng minh (Mỹ, Anh và Canada) mở màn chiến dịch đổ bộ lớn nhất trong lịch sử nhằm đánh chiếm bãi biển Normandy của Pháp từ tay phát xít Đức.
Một địa điểm ít được biết đến tại Brittany, cách khu vực đổ bộ của quân Đồng minh hơn 200km về phía tây nam, từng là nơi hoạt động của Saint-Marcel Maquis - lực lượng hậu phương được thành lập để phối hợp với quân Đồng minh nhằm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ.
Trong số đó, một nhóm lính biệt kích của quân đội Pháp có nhiệm vụ nhảy dù xuống nhằm ngăn chặn quân Đức quốc xã gửi quân tiếp viện đến các bãi biển.
Thế nhưng trước khi chiến dịch kịp bắt đầu, nhóm hậu phương này đã bị Đức quốc xã phát hiện và giết chết. Hàng chục tay súng sau đó cũng bị truy lùng và tiêu diệt.
Để trả thù, Đức quốc xã đã đốt cháy hàng loạt các tòa nhà ở khu vực xung quanh và hành quyết hàng trăm người dân địa phương.
Sự kiện ít người biết đến này là một nỗi đau khắc khoải mà người Pháp thậm chí còn ít biết chứ đừng nói đến tưởng nhớ.
Ông Marcel Bergamasco (99 tuổi) - chiến binh Saint-Marcel cuối cùng còn sống - đã xót xa kể lại những ký ức đen tối về sự kiện cách đây 80 năm.
Ông nhớ lại tiếng rên rỉ đau đớn của những người đồng đội khi bị hành quyết và bất lực vì không thể giúp gì cho họ.
Tuy nhiên, ông Bergamasco khẳng định vô cùng hạnh phúc với những điều ông từng làm và không hối tiếc về bất cứ quyết định nào vì nước Pháp.
Nước Pháp từng cố gắng lãng quên sự kiện này cho đến khi Tổng thống Emmanuel Macron quyết định thay đổi, tổ chức một buổi lễ tưởng nhớ vào ngày 5-6 vừa qua tại Plumelec - ngôi làng gần nơi lính dù Pháp thực hiện nhiệm vụ, cùng thời điểm quân Đồng minh đổ bộ vào Tây Âu.
“Sự dũng cảm và ý chí quyết tâm của những chiến binh này đóng vai trò quan trọng trong việc giải phóng đất nước. Hành động anh hùng của họ để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử nước Pháp”, Tổng thống Macron phát biểu trước đám đông nhân kỷ niệm 80 năm ngày D-Day.
Normandy - cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới - có sự tham gia của khoảng 160.000 quân Đồng minh (chỉ tính riêng ngày 6-6-1944). Trong đó có 23.000 lính nhảy dù.
Ngoài ra, quân Đồng minh đã gửi tổng cộng 11.600 máy bay và 7.000 tàu chiến đến khu vực này, theo dữ liệu tổng hợp từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận