"Tôi là Vương Đăng Hùng, là một trong những người có mặt tại Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Tôi tham gia chiến dịch từ 1953 tại Quảng Trị. Đánh mãi, đi miết rồi đến 29-4 được lệnh xuống phà Cát Lái ra Côn Đảo. Tới 5-5 thì được trở về lại.
Dù không có mặt tôi trong các tấm hình được trưng bày, nhưng cũng như những người lính khác, tôi thấy một phần tuổi trẻ của mình trong đó" - ông Vương Đăng Hùng, quê Thanh Hóa, hiện sống tại huyện Nam Giang (Quảng Nam), bùi ngùi khi xem triển lãm chuyên đề Huyền thoại Trường Sơn, được Bảo tàng Quảng Nam tổ chức tại huyện Nam Giang.
Theo lịch sắp đặt, chiều 17-5 không gian trưng bày sẽ đón tiếp các cựu chiến binh.
Rất nhiều người từng tham gia chiến dịch Trường Sơn đã mặc quân phục cựu chiến binh, vùng ngực áo đeo kín huân, huy chương.
Giây phút nhìn những kỷ vật, gặp lại đồng đội cũ, không ai kìm nén được nỗi xúc động.
Nam Giang là một trong những địa điểm ác liệt nhất trên cung đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Với vai trò lịch sử đặc biệt, từ 16-5 Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã đưa các hiện vật lịch sử trưng bày chuyên đề Huyền thoại Trường Sơn.
Đây là hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường mòn Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2024).
Triển lãm trưng bày hơn 150 hiện vật, chia thành 4 giai đoạn chính, gồm: Trường Sơn thuở ban đầu (giai đoạn 1959 - 1963); Đánh địch mà đi - mở đường mà tiến (giai đoạn 1964 - 1968); Trường Sơn (giai đoạn 1969 - 1972); Tất cả cho tổng tấn công (giai đoạn 1973 - 1975).
Đây là những hiện vật, hình ảnh điển hình của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại được Bảo tàng Quảng Nam sưu tầm.
Trong lịch sử, đường Trường Sơn dài 150km đi qua Quảng Nam là một huyết mạch quan trọng. Nhiều điểm nóng được máy bay Mỹ tập trung giội bom uống.
Để góp phần tới ngày chiến thắng, quân dân và đồng bào chiến sĩ các dân tộc vùng cao đã không tiếc máu xương, tất cả hy sinh cho tiền tuyến đến ngày chiến thắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận