12/03/2016 11:14 GMT+7

Cưới theo... cổ tích

 CAO THÀNH LONG
CAO THÀNH LONG

TT - Nhiều đám cưới của người Khmer Nam bộ là sự tái hiện những nghi lễ theo một câu chuyện cổ tích.

Giã thuốc dấu trong cối, rồi trộn đều để chà răng - Ảnh: C.T.L.
Giã thuốc dấu trong cối, rồi trộn đều để chà răng - Ảnh: C.T.L.

Tìm thuốc chà răng

Trong tiệc cưới truyền thống của người Khmer Nam bộ, đâu đó người ta tiến hành những nghi lễ bí ẩn.

Một trong những nghi lễ đó là lễ chà răng (người Khmer gọi là lễ biem) - một nghi lễ bắt nguồn từ cổ tích Pras Thông - Neang Neack (hoàng tử Thông và công chúa Rồng). Một huyền thoại về tổ tiên của người Khmer.

Trong cổ tích, nghi lễ này diễn xướng lại việc dùng thuốc dấu chà bỏ răng nanh của công chúa Rồng, hòng ngăn ngừa việc phun nọc độc có thể làm hại con người.

Thuốc dấu cũng giúp chú rể vốn khác loài với công chúa Rồng không bị tổn hại bởi nọc độc. Nhưng ở góc độ văn hóa - đây là lễ thức giáo huấn cho đôi vợ chồng trẻ.

Thuốc được “đánh dấu” trên răng của chàng trai, nhắc nhở chàng rằng: từ giờ trở đi đã có vợ, lời ăn tiếng nói phải rõ ràng, đứng đắn, không lả lơi, đùa cợt.

Với cô gái: từ đây trở đi cần thực hiện tốt bổn phận của một người vợ, của một người con dâu.

Dấu thuốc cũng chính là “dấu chỉ” của một tình yêu chung thủy, bền chặt như tình yêu của Pras Thông và Neang Neack.

Một vị thuốc ít người biết đến được công phu bào chế cho riêng từng buổi lễ cưới. Tên của thứ thuốc này cũng chính là tên của nghi lễ: Bốck leack - thuốc dấu.

Một ngày vui vẻ, acha (bậc thầy) Danh Nang - một nghệ nhân đàn, hát và múa của dàn nhạc cổ truyền Tam Sóc, hiện là người đang nắm giữ bí quyết tìm thuốc dấu ở vùng này - “bật mí”:

- Thuốc dấu có tất cả sáu vị thuốc. Nhưng khó kiếm nhất là vị thuốc kiểu như một thứ kén sâu, đóng trên dây chùm gửi. Thứ tổ này lại do một loài kiến sống trên những dây chùm gửi đó mới tạo nên.

Thành ra mỗi khi có đám cưới nào trong sóc mà muốn thực hiện nghi lễ này thì mình phải bỏ công đi tìm thuốc. Có khi cả tháng trời mới có vị thuốc này.

Thông thường thì nghi lễ giã thuốc được thực hành trong khoảng từ 16 đến 17 giờ của ngày thứ nhất trong lễ cưới, trước giờ các vị sư đọc kinh chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Sau lễ đọc kinh chúc phúc là đến nghi lễ cắt hoa cau. Kết thúc nghi lễ cắt hoa cau thì dòng thời gian đã vào quãng nửa đêm.

Mọi người dự lễ cưới vẫn còn phải chờ hơn ba giờ nữa mới đến giờ thực hành nghi lễ chà răng và lạy mặt trời.

Trong quãng thời gian này, nếu vị acha không thực hành những nghi lễ khác thì các nghệ nhân đàn, nghệ nhân hát sẽ diễn xướng màn đi lấy thuốc dấu.

Sáu nghệ nhân hóa thân thành các vị tiều phu, nông dân, tiên ông, ông Tà..., đối đáp ngẫu hứng và cả lơn nhập đồng để diễn tả quá trình vượt sông, vượt núi, đối đầu với rắn rết, côn trùng và thú dữ để tìm cho được thuốc đem về.

Cũng trong lúc này, acha pờ-lịa (chủ lễ) và ông maha (chủ lễ đàng gái) cũng bắc bếp để nấu thuốc trong một cái siêu đất đã được niêm chặt bằng bẹ chuối, chuẩn bị cho lễ. Khi siêu thuốc sôi cũng là lúc thực hành nghi lễ.

Trong tiếng đàn, tiếng hát ngân nga, trước sự chứng kiến của ông maha, của ông bà, cha mẹ hai bên, vị acha pờ-lịa khui siêu thuốc bằng chiếc bay bạc, gạt lấy những tinh thuốc kết dính trong siêu thuốc rồi dùng cuộn lá trầu phết một vệt thuốc, vừa lầm rầm khấn thần chú vừa chấm một chấm lên răng nanh của cô dâu rồi chú rể. Với mỗi một chấm thuốc, luôn đi kèm một lời răn dạy.

Nghi lễ đón mặt trời - Ảnh: C.T.L.
Nghi lễ đón mặt trời - Ảnh: C.T.L.

Đón mặt trời lên

Ngày cưới thứ hai - ngày cuối cùng của lễ cưới - được bắt đầu với lễ đón giờ tốt, còn được gọi là lễ lạy mặt trời. Lễ được tổ chức trước sân nhà hướng về phía mặt trời mọc.

Người Khmer quan niệm rằng đây là giờ linh thiêng, là thời điểm xua tan bóng tối, bắt đầu một ngày mới tươi sáng, an lành.

Vị acha pờ-lịa và ông mêba (đại diện nhà gái) thắp nhang và khấn vái cùng cô dâu - chú rể, ước mong trời đất phù hộ cho đôi vợ chồng có được những điều tốt lành nhất trong cuộc sống lứa đôi sắp tới.

Sau lễ lạy mặt trời, chú rể và cô dâu vào nhà để thực hiện nghi lễ buộc chỉ tay. Lễ buộc chỉ tay chứng nhận đôi trai gái đã thành vợ thành chồng.

Sau lễ buộc chỉ tay là đến lễ “xoay đèn”, kết thúc nghi lễ này thì chú rể mới được chính thức bước chân vào phòng tân hôn cùng cô dâu.

Nghi thức cũng là một hình thức diễn xướng trên nền của tích truyện Pras Thông và Neang Neack.

Cô dâu - hóa thân của Neang Neack đi trước, chú rể - hóa thân của Pras Thông đi theo sau, tay nắm vạt áo của cô dâu. Nghi thức này được thực hành ở hầu hết những lễ cưới cổ truyền của người Khmer Sóc Trăng.

Danh Chanh Dra đã tốt nghiệp đại học, hiện anh đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam - cơ quan thường trú Sóc Trăng.

Trong gia đình và dòng họ thì anh được xếp vào dạng “tân thời” nên khi cưới vợ, cha mẹ hai bên đã tùy ý để anh và vợ chọn hình thức làm lễ cưới theo phong tục cổ truyền hay “tân thời”. Anh và vợ đã chọn “theo phong tục cổ truyền”, bởi với anh:

- Chỉ có qua những nghi lễ mà mình trải qua trong lễ cưới, với bản thân mình là người trong cuộc thì mình càng hiểu hơn tính thiêng liêng của những lễ nghi văn hóa xa xưa của ông bà mình.

Những lễ nghi ấy là lời nhắc nhở mình luôn phải có trách nhiệm hơn với gia đình, với người vợ của mình, với những người thân thiết của cả hai dòng họ và cộng đồng mà mình đang sinh sống ở đó...

Không gian cổ tích cũng luôn hiện trong những nghi lễ cưới qua sự hiện diện của thanh đao. Thanh đao luôn trên tay hoặc kề cận với chú rể.

Thanh đao là vật linh để mở cửa rào; thanh đao trên tay của chú rể khi thực hiện nghi lễ lạy mặt trời; ngay cả khi bước chân vào phòng tân hôn, thanh đao vẫn trên tay chú rể.

Trong những câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết của người Khmer, người con trai thường được thể hiện qua hình tượng của một hoàng tử có đủ tài trí và sức mạnh để bảo vệ những gì thuộc về mình. Thanh đao chính là biểu tượng của sức mạnh ấy.

Âm nhạc, lời ca, những hình thức diễn xướng luôn trải đều từ đầu đến cuối lễ cưới. Âm nhạc, lời hát cùng những hình thức diễn xướng không chỉ mang ý nghĩa giúp vui mà còn là một phương thức truyền đạt sinh động, thân thuộc về những câu chuyện cổ tích, những huyền thoại được truyền khẩu và ẩn tàng trong đó là những tư tưởng đạo đức.

Chia tay sau lễ cưới, acha Danh Ẹng ở Tam Sóc bắt tôi phải uống cạn một ly rượu đầy mới cho về bởi lẽ: “Chú hên đó! Những đám cưới làm theo nghi lễ cổ truyền với đủ lễ như xưa giờ càng ngày càng hiếm ở đây.

Bầy trẻ bây giờ theo tân thời nhiều rồi, cái gì cũng muốn rút ngắn thời gian nên lễ cưới cũng vậy, hiếm khi đủ lễ lắm.

Mặt khác là trai gái bây giờ quen nhau lắm khi ở xa xôi, gia đình hai bên muốn “làm đủ lễ” cũng khó. Chục ngoài năm nữa... cũng là cổ tích hổng chừng!”.

Chúng tôi hiểu những ưu tư của acha Danh Ẹng cùng những việc làm của ông khi cố gắng lưu giữ những nét văn hóa cổ truyền của phum, sóc yên bình sau rặng tre, bờ lúa.

Nhưng tôi cũng tin rằng những nghi lễ thật đẹp này sẽ không là cổ tích khi vẫn còn những bạn trẻ như Chanh Dra.

CAO THÀNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên