Công nhân lót vỉa hè trên công trình ngầm hóa tại đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Q.Khải |
Nghe đọc báo tin bài này |
Tình trạng này khiến mặt đường nhiều nơi chằng chịt “sẹo”, còn người dân thì khốn khổ vì đi lại, buôn bán đều ách tắc.
Những ngày này, đi trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ thuộc quận Phú Nhuận, nhiều người phát hiện thêm những vết “sẹo” mới đen kịt nằm dọc hai bên đường.
Đi hướng từ ngã tư Phú Nhuận về tới mũi tàu Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ, những vết “sẹo” này nằm chỉ cách những phui đào cũ vài gang tay, có đoạn cách lằn phui cũ 1 - 2m.
Lồi lõm “sẹo”
Công trình đang được triển khai thi công trên đường Hoàng Văn Thụ là công trình ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế do Viễn thông TP.HCM (VNPT TP) làm chủ đầu tư.
Dự kiến công trình này hoàn tất tháng 12-2015. Do mặt đường Hoàng Văn Thụ có những đoạn hẹp, không thể thi công trên vỉa hè nên công trình phải triển khai dưới lòng đường.
Mặc dù việc thi công thực hiện vào ban đêm, ban ngày trả lại hiện trạng như cũ nhưng không khỏi gây bức xúc cho người dân tại đây và người đi đường vì mặt đường bị cắt nát bấy, lồi lõm những “sẹo” mới và cũ đan xen làm mất mỹ quan đường phố.
Đây là một trong những tuyến đường nối cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với khu vực trung tâm TP.
Cách đó không xa, đường Phan Đình Phùng (đoạn từ ngã tư Phú Nhuận về cầu Kiệu) đang được các công nhân tất bật khuân vác vật tư, lát gạch trên vỉa hè.
Theo người dân ở đây, đường Phan Đình Phùng đã được nâng cấp mở rộng khá lâu. Sau đó, vỉa hè được đào xới lên để lắp đặt cáp ngầm, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện lát gạch vỉa hè.
Đi dọc đoạn đường này, nhiều đoạn vỉa hè còn dang dở chưa thực hiện xong, độ chênh lệch giữa nhà dân dọc hai bên đường và mặt đường mới khoảng 30cm. Để có thể đi lại, chạy xe lên xuống, người dân phải lót những tấm ván lớn trước cửa nhà.
Đào đường dịp cuối năm trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9, TP.HCM) gây khó khăn cho việc đi lại và buôn bán của người dân - Ảnh: Đức Phú |
Bán buôn ế ẩm
“Đã gần tháng nay, thi công đào đường trước cửa hàng của tui còn bề bộn quá. Tui phải tốn tiền mua một tấm ván làm cầu nối từ nền nhà ra đường vì độ chênh quá cao, còn buôn bán khỏi phải nói, giảm gần nửa doanh thu so với trước”, chủ một cửa hàng sửa chữa, bán điện thoại di động trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, than thở.
Nhiều người dân ở đường Phan Đình Phùng đúc kết rằng cứ đến dịp cuối năm là đường, vỉa hè ở đây lại bị đào xới và họ lại khổ sở chịu đựng.
Một công trình đào đường khác trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 cũng đang gây rất nhiều trở ngại cho việc đi lại, buôn bán của người dân. Công trình này do Ban quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò (thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP) làm chủ đầu tư.
Trên đoạn đường dài khoảng 100m có đến hai “lô cốt”, có đoạn, các ống cống nằm chắn trước nhà dân. Nhiều hộ dân kinh doanh dọc đường Đỗ Xuân Hợp đoạn phường Phước Long A phải đóng cửa hoặc chỉ buôn bán cầm chừng vì “lô cốt”, ống cống chắn trước nhà.
Bà Xuân, chủ một cửa hàng bán gạo trên đường Đỗ Xuân Hợp, bức xúc kể: “Khi chưa thi công công trình, mỗi ngày cửa hàng tui bán được khoảng 1,5 triệu đồng. Còn hiện nay, mỗi ngày chỉ bán được vài trăm ngàn đồng”.
Tại một tiệm bánh mì nằm sát công trình, một nữ nhân viên cho biết từ khi công trình mọc trước nhà, việc buôn bán ế ẩm vì ít ai đủ kiên nhẫn... luồn lách qua ống cống để mua.
Kéo dài hơn 3 năm
Hơn 60 công trình đào đường Theo thông tin các đơn vị, trong giai đoạn năm 2015 có hơn 60 công trình đào đường lắp đặt cống thoát nước, ngầm hóa. Trong đó có 38 công trình lắp đặt cáp viễn thông, điện lực, các công trình còn lại chủ yếu phục vụ thoát nước, chống ngập như 19 công trình thuộc dự án Hàng Bàng, các dự án cải tạo hệ thống thoát nước, nâng cấp đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), An Dương Vương, Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). |
Đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết trong năm 2015, EVN HCMC phối hợp với các đơn vị như Viettel, VNPT TP, SCTV... triển khai 38 dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin, cáp viễn thông.
Hiện đã thi công hoàn tất 10/38 dự án như dự án ngầm hóa trên đường Phan Chu Trinh, Lê Tuấn Mậu, Trường Chinh, Phan Văn Trị. Nhiều dự án khác đang được triển khai thi công (hoàn tất trong tháng 11, 12, có dự án phải kéo dài qua quý 2-2016 mới hoàn tất).
Trong năm 2016, EVN HCMC còn tiếp tục phối hợp với các đơn vị trên triển khai thêm 32 dự án ngầm hóa khác.
Còn theo Ban quản lý đầu tư công trình giao thông đô thị TP.HCM, bắt đầu từ ngày 1-11 triển khai gói thầu K - cải tạo hệ thống thoát nước Hàng Bàng thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2.
Đây là dự án thi công đào đường có quy mô lớn nhất tại TP.HCM trong ba năm trở lại đây. Theo đó, sẽ thi công đào 19 tuyến đường trên địa bàn các quận 5, 6 và 11 để lắp đặt hơn 10km cống thoát nước và khôi phục hai đoạn kênh Hàng Bàng dài 1.830m (đã thi công) và lắp đặt ba trạm bơm chống ngập nước.
Dự án thi công trong ba năm ba tháng với tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng. Công trình thi công nhằm chống ngập nước cho các quận 5, 6 và 11.
Ông Đặng Ngọc Hồi - giám đốc Ban quản lý dự án môi trường nước giai đoạn 2 (chủ đầu tư) - cho biết để giảm ùn tắc giao thông, đơn vị sẽ tránh cho thi công hai mũi gần nhau trên các tuyến đường và thi công theo hình thức cuốn chiếu.
Cụ thể, sẽ thi công từng đoạn đường dài 70 - 80m, sau đó hoàn trả mặt đường mới thi công tiếp. Trong dịp Tết dương lịch 2016, đơn vị tạm dừng thi công một ngày, đến Tết Nguyên đán 2016 sẽ tháo dỡ hàng rào và hoàn trả mặt đường để người dân ăn tết.
Trong giai đoạn đầu sẽ rào chắn thi công đường Mai Xuân Thưởng và Hồng Bàng, sau đó sẽ thi công tiếp 17 tuyến đường còn lại.
Cần có sự điều phối
Đại diện một chủ đầu tư ngầm hóa lưới điện cáp viễn thông cho rằng đa số công trình ngầm hóa chỉ đào lằn phui nhỏ trên vỉa hè, vỉa hè nào quá chật hẹp vướng công trình khác mới đào dưới lòng đường. Và việc thi công chỉ diễn ra ban đêm, còn ban ngày tái lập hoàn trả hiện trạng từ 5g sáng.
Về trường hợp có nhiều công trình thi công trùng nhau dồn dập vào thời điểm giáp tết, thậm chí một tuyến đường bị đào xới nhiều lần, vị đại diện này thừa nhận có trở ngại là vừa qua nhiều công trình được thống nhất giao cho FPT làm chủ đầu tư.
Nhưng vì nhiều lý do, đơn vị này không thể tiếp tục triển khai công trình nên phải giao lại cho các đơn vị khác như Viettel, VNPT. Vì vậy, một số công trình dồn vào cuối năm.
Tuy nhiên theo vị này, kế hoạch triển khai các công trình ngầm hóa đều thông tin đầy đủ cho Sở Giao thông vận tải - đơn vị cấp phép đào đường. Vì vậy, việc cấp phép cho các đơn vị đào đường nhiều hay ít, như thế nào cho phù hợp là do Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm điều phối.
Mới đây, đến kiểm tra công trường xây dựng kênh Hàng Bàng (quận 5, quận 6) trên đường Phan Văn Khỏe (quận 6), Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu chủ đầu tư dự án thi công lắp đặt cống thoát nước trên 19 tuyến đường thuộc dự án kênh Hàng Bàng phải thi công cuốn chiếu.
Không để tái diễn cảnh rào chắn đường kéo dài như các dự án cách đây mấy năm đã thi công trì trệ rào chắn mặt tiền nhà dân trong thời gian quá dài.
* Ông Từ Minh Thiện (đại biểu HĐND TP.HCM): Thiếu vai trò “nhạc trưởng”
Việc cuối năm ùn ùn đào đường, cải tạo vỉa hè, đào xới đường sá nhiều lần gây bức xúc trong nhân dân đã nêu nhiều lần trong các buổi giám sát, họp của HĐND TP. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này quá chậm, chưa đạt hiệu quả. Lý do dẫn đến những việc này, theo tôi, là do mỗi ngành, mỗi cấp đều đưa ra những lý lẽ riêng, cho rằng các công trình của mình là cấp thiết. Trong tình hình đó, cần một đơn vị đứng ra làm “nhạc trưởng” - tổng chỉ huy điều phối để làm sao hài hòa, phù hợp thì lại chưa có đơn vị đảm đương được chuyện này. Ngoài ra, việc đào đường, cải tạo vỉa hè, triển khai công trình vào dịp cuối năm còn có thể do cơ chế tài chính hiện nay. Bởi các công trình muốn thực hiện phải lên kế hoạch, thiết kế, phê duyệt, ghi vốn theo quy định. Thời gian khoảng tháng 9, tháng 10 trở đi thường các công trình được duyệt vốn, giải ngân để thực hiện nên các đơn vị tranh thủ thực hiện. Vì vậy, để hạn chế việc các công trình dồn vào cuối năm cần phải thay đổi cơ chế tài chính. Mặt khác, TP phải có một “tổng chỉ huy” đủ sức kết nối phối hợp với các đơn vị, đồng thời cũng phải xử lý mạnh tay đối với những nhà thầu thi công bê bối, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận