15/06/2020 09:29 GMT+7

Cuộc tìm kiếm thân nhân cho bệnh nhân đi lạc 12 năm

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Cụ Hoàng Thế Tuấn (80 tuổi), một cựu chiến binh, bị lạc gia đình ở Nghệ An suốt 12 năm, vừa được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cứu chữa trong tình cảnh không tiền bạc, giấy tờ... và sau đó tìm ra luôn người thân cho cụ.

Cuộc tìm kiếm thân nhân cho bệnh nhân đi lạc 12 năm - Ảnh 1.

Cụ Hoàng Thế Tuấn (80 tuổi; thứ 2 từ phải qua) - bệnh nhân, cựu chiến binh Trường Sơn, lạc gia đình, quê hương 12 năm - được gặp lại người thân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cung cấp

Sau nhiều ngày được chăm sóc, chữa trị khỏi bệnh và được các thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa tận tâm giúp đỡ tìm kiếm cụ Tuấn đã được đoàn tụ với con cháu tại quê nhà ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) sau 12 năm cụ biền biệt, bị lạc.

Bệnh nhân "không gia đình" ở bệnh viện

Chị Đoàn Thị Thùy Loan - trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa - cho biết, cụ Tuấn vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện vào ngày 6-6-2020. "Lúc ở khoa Cấp cứu cũng như khi được chuyển lên khoa Nội - tim mạch, lão học ông cụ chẳng biết, chẳng nhớ mình ở đâu, cũng chẳng có giấy tờ để xác định gia đình, thân nhân. Cụ nói ở nhiều nơi, nhưng lần tìm theo nơi nào cũng đều không trúng", chị Loan kể.

Vì vậy, khoa Nội - tim mạch - lão học đã báo cho phòng Công tác xã hội cụ Tuấn là thuộc diện vô gia cư, sống lang thang để phòng này hỗ trợ, tìm cách giúp đỡ cho bệnh nhân 80 tuổi.

Thương tình cảnh "tui không có người thân" của cụ, các chị Võ Huỳnh Huyền và Trịnh Phương Thùy - nhân viên phòng Công tác xã hội - lại lên mạng lần mò, tìm kiếm địa chỉ, liên hệ với các nơi mà cụ khai báo đã ở trước khi nhập viện. 

"Chúng tôi gọi vào một phường ở TP.HCM để nhờ tìm kiếm, nhưng các chú, các anh ở đó kiểm tra, xác minh cuối cùng trả lời không có ai ở phường như cụ Tuấn khai báo. Gọi các nơi khác cũng vậy", chị Huyền nói.

Dần dà, các chị chăm sóc, gợi chuyện với cụ trong quá trình điều trị, cụ Tuấn mới cho xem các giấy chứng nhận khen thưởng khi cụ đi bộ đội và ra quân cách đây đã 50 năm. Nhờ có giấy tờ cụ cung cấp lúc đó, nhân viên phòng Công tác xã hội bệnh viên mới liên lạc đúng quê nhà của cụ. Ngày 12-6, cụ Tuấn đã được con cháu cụ vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa để đón cụ về quê nhà.

Cuộc tìm kiếm thân nhân cho bệnh nhân đi lạc 12 năm - Ảnh 2.

Nhờ giấy chứng nhận tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Ba mà tìm ra được người thân cho cụ Tuấn - Ảnh: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cung cấp.

May mắn cuối đời cho cựu chiến binh Trường Sơn

Ông Phạm Văn Hòa - người thân và ở gần nhà gia đình cụ Tuấn ở xã Nghĩa Hưng (Nghệ An) - hồ hởi khi nghe phóng Tuổi Trẻ Online gọi ra hỏi thăm: "Ông cụ về đến nhà rồi. Cụ vui lắm. Cả họ hàng, làng xóm đến thăm cũng thấy rất vui, rất mừng".

Ông Hòa cho biết, cụ Tuấn đã được về đến quê nhà, gặp lại họ hàng, con cháu vào lúc 10h trưa 13-6. Ông Hòa là người cùng con trai và cháu của cụ Tuấn vào nhận và đón cụ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Theo ông Hòa, cụ Tuấn đã có hơn 10 năm trong quân ngũ với hai lần nhập ngũ và tái ngũ. Lần nhập ngũ đầu tiên là vào tháng 2-1960 và xuất ngũ lần cuối tháng 9-1970.Cụ từng là bộ đội pháo cao xạ chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn; rồi tái ngũ trở thành bộ đội thuộc Công an Vũ trang Nhân dân (sau này là Bộ đội Biên phòng) ở quân khu Việt Bắc. 

Cụ đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chiến Hạng III trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau khi xuất ngũ, cụ Tuấn đã về làm xã viên hợp tác xã cắt tóc ở thị trấn Thái Hòa (nay là thị xã) thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và lập gia đình, có một người con trai. Từ khi cuộc hôn nhân của vợ chồng ông Tuấn trục trặc, cụ sống cùng người con.

Một thời gian sau, vì bị nhiều ảnh hưởng, tác động đến sức khỏe và tinh thần nên cụ rời quê hương đi biền biệt. "Trong suốt hai năm đầu cụ Tuấn đi, gia đình con trai ông cụ đã tìm kiếm rất nhiều nhưng không được. Sau đó, vì kinh tế gia đình cũng có khó khăn, bởi người con trai chỉ làm nông và khi hết việc nông thì đi làm thợ xây, nên con cháu cũng không thể tiếp tục đi tìm kiếm được nữa", ông Hòa kể.

Khi cụ Tuấn về được với con cháu và quê nhà ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, ông Hòa cho biết: "Ông cụ vẫn còn lúc nhớ, lúc quên. Thế nhưng, trên đường từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa ở TP Nha Trang về quê, những lúc ngồi trên xe khách và tỉnh táo, ông cụ tỏ vẻ mừng vui lắm. Ông bảo với chúng tôi, vậy là cuối đời ông vẫn còn may, được tìm giúp về với con cháu, với quê hương".

"Tôi vẫn không biết nói sao cho hết được lòng biết ơn vô cùng của gia đình, của họ hàng, của bản thân tôi với nghĩa cử cao đẹp của các thầy thuốc, các cháu nhân viên của Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa", ông Hòa bày tỏ.

"Không gia đình", không có người thân, khi ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cụ Tuấn đã được các nhân viên giúp đỡ, chăm sóc chu đáo.

Một nam điều dưỡng Khoa Nội - tim mạch - lão học kể: "Ông cụ ấy cũng như các bệnh nhân không có người nhà khác, đều được điều dưỡng và nhân viên trong khoa sẽ lo hết mọi việc. Hàng ngày, khoa đăng ký với Bếp ăn từ thiện của bệnh viện để cấp suất ăn miễn phí. Khi bệnh nhân không tự chăm sóc, không tự ăn được thì điều dưỡng sẽ giúp cho các bệnh nhân ăn từng bữa. Thuốc men được cấp miễn phí. Trường hợp bệnh nhân cần thêm vật dụng, tã lót… thì chúng tôi báo cho Phòng Công tác xã hội của bệnh viện để cấp".

Chị Đoàn Thị Thùy Loan - trưởng phòng Công tác xã hội bệnh viện - cho biết, thường với những bệnh nhân không thân nhân, không nơi nương tựa, sau khi khỏi bệnh, Bệnh viện sẽ làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa để đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh tiếp tục chăm sóc. Chi phí điều trị nếu không có nguồn chi trả thì bệnh viện phải "gánh" luôn.

Tuy nhiên, cụ Tuấn thuộc diện chính sách nên sau khi tìm được người thân, gia đình đã cung cấp các giấy tờ để giải quyết theo quy định.

Người bệnh vô danh - kỳ 2: Tìm kiếm thân nhân Người bệnh vô danh - kỳ 2: Tìm kiếm thân nhân

TTO - Người bệnh vô danh nhập viện, đồng nghĩa với mọi gánh nặng về chi phí điều trị, chăm sóc, tìm thân nhân, mai táng... được đẩy cho bệnh viện. Việc tìm kiếm thân nhân của họ là một hành trình tìm kiếm gian nan...

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên