04/12/2022 10:07 GMT+7

Cuộc Thiên di của 'người Huế' Lê Minh Phong

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Chiều 2-12, triển lãm mỹ thuật Thiên di của người họa sĩ Huế Lê Minh Phong đã khai mạc tại Hakio Let’s Art, số 38 Trần Cao Vân, quận 3, TP.HCM với hơn 50 tác phẩm tranh sơn dầu.

Cuộc Thiên di của người Huế Lê Minh Phong - Ảnh 1.

Họa sĩ Lê Minh Phong và các tác phẩm tại triển lãm Thiên di - Ảnh: TH.LỘC

Nhiều người tham dự đã rất bất ngờ khi bước vào không gian hết sức đặc biệt của cuộc triển lãm, của nghệ thuật Lê Minh Phong thể hiện trên từng bức tranh, từng mảng màu, thậm chí cả từng chi tiết.

Xem tranh Lê Minh Phong, người xem cứ có cảm giác những ẩn ức nội tại chất chứa trong anh lâu lắm rồi nay được dịp bung thoát đường nét, màu sắc lên tranh. Cái chất liêu trai, ma mị cứ cuốn người xem "soi" từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, rồi quay trở lại, "soi" tiếp.

Có rất nhiều tác phẩm gợi cho người xem đến những cuộc hiến tế, phảng phất một thứ ma thuật hay thực hành tín ngưỡng, tôn giáo nào đó (mà chính tác giả cũng chẳng biết đó là tôn giáo gì)...

Nhà sưu tầm Chí Đức Minh nhận xét ba điều mà ông gọi là lối đi riêng về nghệ thuật của Lê Minh Phong. Thứ nhất là phong cách không giống hay na ná bất cứ ai. Thứ hai là màu sắc tươi mới, rực rỡ mà không chói lóa, thoát ra hẳn "gam màu trầm mặc" của Huế.

Và thứ ba là chiều sâu của thông điệp trong các tác phẩm, mỗi một tác phẩm đều như có lời thầm thì; nếu xem đến bức thứ tư, thứ năm thì cảm nhận được sự dẫn dắt người xem bởi câu chuyện Phong đang kể...

"Thiên di chính là những cuộc chuyển dời của chính tôi trong ngôn ngữ nghệ thuật, trong cách tôi nhìn và phản ánh số phận con người thông qua mỗi tác phẩm. Con người trong thế giới nghệ thuật của tôi không tĩnh tại. Họ luôn dời đi trong sự vẫy gọi của những miền đất hứa.

Trong suốt cuộc lữ hành của mình, họ là những kẻ bi nhưng không lụy. Sự kiêu mạn, bất khuất trong ánh mắt của họ đã cho họ sức mạnh để tồn tại trước những tai ương. "Thiên di" cũng đồng thời là cách chuyển dời, hỗn dung giữa các ngôn ngữ tạo hình như siêu thực, biểu hiện, tượng trưng, dã thú...

Là sự chuyển dời từ nghệ thuật tiền hiện đại đến hậu hiện đại. Là tiếng lòng khát khao tự chủ của tổ tiên tôi và cả tôi nữa" - Lê Minh Phong chia sẻ về chủ đề Thiên di.

Hơn 10 năm cầm cọ, Lê Minh Phong có ba cuộc triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm chung; điều quan trọng là tác phẩm của anh nhất quán ngay từ đầu với một phong cách rất riêng, "rất Lê Minh Phong" khó có thể nhầm lẫn với tác phẩm của bất kỳ họa sĩ nào.

Lê Minh Phong sinh năm 1985, người Hà Tĩnh sống ở Huế; anh vốn là nhà văn, tác giả của nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết, từng làm trưởng ban thư ký tòa soạn tạp chí Sông Hương.

Hơn 10 năm trước anh "bất ngờ" chuyển sang hội họa, và cuộc "thiên di" ấy được xem tìm được phương tiện mới, có khi "ưu việt hơn" để tung tẩy trong thế giới nghệ thuật của mình.

Triển lãm Thiên di mở cửa đến chiều 18-12.

Ngắm những tác phẩm Ikebana Việt Nam lần đầu dự triển lãm tại Nhật Bản Ngắm những tác phẩm Ikebana Việt Nam lần đầu dự triển lãm tại Nhật Bản

TTO - Dù nghệ thuật cắm hoa Ikebana Nhật Bản đã vào Việt Nam khá lâu nhưng lần đầu tiên có Hội sở Ikenobo Việt Nam dự triển lãm Ikebana đang diễn ra tại Trường Ikenobo (Kyoto, Nhật Bản) - nơi phát tích Ikebana.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên