01/08/2013 05:08 GMT+7

Cuộc "rèn luyện trưởng thành"

THẢO NGUYÊN (Bình Dương)
THẢO NGUYÊN (Bình Dương)

TT - Mùa hè xanh đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời sinh viên đã mang đến cho tôi nhiều thay đổi.

YgFGRcvu.jpgPhóng to
Đội hình Mùa hè xanh 2007 xã Vĩnh An (Ba Tri, Bến Tre) - Ảnh: T.Nguyên

Kết thúc năm 1 đại học - năm 2007, thay vì đi học quân sự tôi quyết định đăng ký đi Mùa hè xanh. Thật ra lúc đó tôi vẫn chưa có chút ý niệm gì rõ ràng về chặng đường mình sắp trải qua. Chỉ là con bé nhà quê nghe bảo đi xứ dừa Bến Tre thì thích quá nên đi. Tôi nhỏ nhất trong 15 thành viên của đội Mùa hè xanh xã Vĩnh An.

Vĩnh An (Ba Tri, Bến Tre) đón chúng tôi trong một chiều mưa lất phất. Xã toàn đường đất và những ngôi nhà tranh, vách lá dừa nước. Người dân còn nghèo lắm nhưng thật giàu tình thương. Lần đầu tiên được gọi “anh, chị, bé Mùa hè xanh” thấy lạ mà ấm áp vô cùng. Đội được ở trong nhà dì Tư. Ngoài 60 tuổi, tóc dì đã bạc nhiều nhưng nụ cười hãy còn tươi lắm. Gia cảnh dì Tư nghèo nhưng sẵn sàng nhận nuôi quân. Sinh viên đi làm đường, dì vác cuốc ra làm cùng. Trưa dì phụ nấu cơm, pha nước uống cho tụi nhỏ Mùa hè xanh. Tối, dì lại chong đèn lột vỏ hạt điều kiếm sống. Suốt mùa chiến dịch ai cũng gọi dì Tư chứ không biết tên thật của dì.

Tôi gặp chuyện không may khi hộp pin chiếc máy trợ thính của tôi rơi đâu mất vào mấy ngày cuối chiến dịch. Tôi không nghe được gì cả. Để trò chuyện với tôi, mọi người phải ghi ra giấy. Các anh chị sợ tôi tủi thân nên lúc nào cũng tìm cách bắt chuyện. Lần đầu tiên kể từ khi sống cuộc sống của một người khiếm thính, tôi thèm chuyện trò đến nao lòng.

Cả đội quyết định hát tốp ca bài Mùa hè xanh đêm chia tay. Tôi xin không tham gia vì sợ không nghe được, lên sân khấu tôi sẽ lạc nhịp. Nhưng thật lòng tôi thèm được hát: “Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre. Mùa hè xanh xôn xao nâng bước chân ta về...”. Các anh chị nắm tay, vỗ vai và viết lên giấy cho tôi: “Chúng ta là một gia đình, sẽ không ai gạt em ra trong bất cứ hoạt động nào”. Vậy là tôi lên sân khấu, đứng nghiêng nghiêng để nhìn môi mọi người và hát theo. Lần đầu tiên tôi không thấy sự khiếm thính của mình như một gánh nặng.

Chúng tôi hội quân tại đền thờ Nguyễn Đình Chiểu rồi chia tay. Nhiều đứa em đạp xe từ xã lên thị trấn để tiễn, có đứa còn nguyên chiếc áo dài trắng tan trường chạy thẳng đến giữa trưa nắng. Đứa nào cũng khóc. Cô bé chủ nhà tôi ở tất tả chạy đến dúi vào tay tôi gói quà nhỏ kèm dòng chữ: “Em thương chị!”. Đó là chiếc móc khóa điện thoại mà em đã nhịn ăn sáng cả tuần mới mua được, giờ tôi vẫn còn giữ. Nụ cười, nước mắt và những cái ôm siết chặt ngày chia tay là món quà vô giá. Với tôi, một tháng chiến dịch là cuộc “rèn luyện trưởng thành” cho con bé cố chấp nhưng hay mặc cảm, tự ti...

THẢO NGUYÊN (Bình Dương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên