01/12/2021 11:14 GMT+7

Cuộc đoàn viên cuối cùng

HUYỀN NGA
HUYỀN NGA

TTO - Tôi nhắn tin hỏi chị "Tết nay thế nào, chị có về quê không?". Tin nhắn từ sáng nhưng đến chiều tối mới được chị "reply": "Có chứ em, chị đưa anh về với má".

Cuộc đoàn viên cuối cùng - Ảnh 1.

Một gia đình về quê ăn Tết trên chuyến phà qua sông Hậu ở tỉnh An Giang - Ảnh: GIA TIẾN

Đọc tin nhắn, mắt tôi rưng rưng. Thương chị, cái Tết này, chị sẽ không có cuộc đoàn viên nào trọn vẹn. Anh T. chồng chị đã mất vì COVID-19, để lại cho chị 2 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Anh T. mất rồi em

Chị là người giúp dọn vệ sinh và nấu ăn cho một chỗ làm cũ của tôi. Chị siêng năng, anh hiền lành, 2 đứa con hiền ngoan, dễ thương hết mực. 

Để có tiền nuôi con và trang trải cuộc sống, chồng chị, lúc còn sống cũng làm đủ nghề từ ba gác đến taxi. Còn chị, một phụ nữ độ tuổi 40, nhiều bệnh trong người nhưng chị có thể làm 2 - 3 việc. 

Chị dọn nhà theo giờ cho những gia đình giàu có, chị nhận chăm mèo cho cô bé tiểu thư kia, chị cũng nhận nấu ăn cho một cụ già gia cảnh ít người, buổi tối, chị còn tranh thủ bán quần áo may sẵn ngoài chợ. Trong mắt tôi, chị là người giỏi giang, tháo vát và rất chịu thương, chịu khó.

Đôi lần, trong một vài dịp tiệc tùng, họp mặt thời chưa COVID-19, tôi gặp chồng chị - anh T., một người đàn ông hiền lành chân chất. 

Rồi, bẵng một thời gian, chị im lặng trên Zalo, Facebook. Trước đây, thỉnh thoảng chị hay chat kể cho tôi nỗi ấm ức bị một người chủ tìm cách "xù" tiền lương làm việc của chị. Chị bảo "mình thân cô thế cô, không học thức, làm việc không hợp đồng giấy tờ, giao kèo bằng miệng nên họ không trả lương cho mình thì cũng đành chịu".

Nhưng một hôm, chị nhắn tin cho tôi một dòng vỏn vẹn: "Anh T. mất rồi em". Tôi bàng hoàng không tin đó là sự thật. Chỉ mới đây thôi, hôm nào đó gặp anh, anh còn cười, còn khen tôi hát hay. Vậy mà, giờ đây, anh đã ra đi, bỏ lại người vợ tào khang và 2 đứa con thơ dại. Tôi cũng khóc theo chị, không nói nên lời.

Khi còn làm việc chung, chị hay kể cho tôi những dự định khi Tết đến. Năm nào nhà chị cũng về quê (quê chị ở miền Tây), 4 người trong gia đình chị chở nhau trên chiếc xe Honda cũ kỹ của anh để về nhà má chị ăn Tết. 

Chị còn lo xa, năm nay 2 đứa nhỏ đã lớn trộng, không biết đi xe chất 4 có bị mấy chú cảnh sát giao thông thổi phạt không. Chị với anh đang tính đi 2 chiếc về cho tiện. Rồi chị tính năm nay sẽ làm lạp xưởng bán Tết, làm dưa món, làm cái này cái kia bán để có đồng ra đồng vào về quê.

An yên cùng má

Chị kể, mỗi lần nhìn chồng trên bức ảnh, chị đau lòng, chị tức giận, chị muốn đấm anh cho thỏa giận. Sao nỡ bỏ chị đi? Sao nỡ bỏ con thơ mà đi, mà ngồi đó cười trong khi chị khóc. 49 ngày anh đi, chị không dám xuống làm đồ cúng. Chị sợ thấy anh trên bàn thờ. 

Chị sợ thấy anh cười trong khi chắc là anh cũng đang lo lắng lắm. Chị không dám xuống gặp anh. Chị nhờ đứa cháu gái (cũng có cha mất vì COVID-19 - anh trai của chồng chị, mất trước chồng chị một tuần) lo cơm cúng cho anh, còn chị, nằm dài suốt một tháng trời, không ăn uống gì nổi, tinh thần bấn loạn.

Chúng tôi không dám gọi điện cho chị, thực sự không biết chia sẻ với chị thế nào. Dịch bệnh đã làm tiêu tan bao dự định đoàn viên của biết bao nhiêu gia đình. Tôi không làm gì được để giúp chị. Tôi cứ nghĩ, dịch bệnh kia ở đâu đó xa lắm, cho đến ngày tôi nghe tin từ chị. 

Vậy là những ngày Tết gia đình chị rong ruổi về quê trên chiếc xe máy, đi qua phà, đi qua cầu, đi qua những con đường thân thuộc đã trở thành là dĩ vãng. Chị dù có khóc hết nước mắt cũng không mang anh quay lại được, và chị vĩnh viễn không bao giờ có cuộc đoàn viên nào với chồng vào mỗi năm hết Tết đến. 

Anh mất, chị không dám cho ai biết, chị giấu cả má ruột của chị, bà đang tu ở một ngôi chùa miền Tây. Dù chị bảo: "Hình như má chị có linh tính có chuyện không hay vì lâu rồi chị không liên lạc, bả cứ gọi điện hỏi chị hoài".

Một bữa, tôi thấy Zalo chị hiện lên hình các món ăn chị đăng bán. Tôi biết, chắc chị đã bình tĩnh lại nên gọi điện cho chị. Tôi động viên chị, anh mất rồi nhưng chị phải sống, sống để lo cho các con. Hãy giấu nỗi buồn đau vào trong, nén đau thương mà lo cho con trẻ. 

"Tết nay chị đem anh về chùa ở với má. Má chị sẽ hằng ngày nhang khói cho anh". Má ruột anh đã mất từ lâu. Ừ thì thôi, coi như đó là cuộc đoàn viên cuối cùng của anh, anh về đó sẽ bình yên cùng má.

Cuộc đoàn viên cuối cùng - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đoàn viên sau đại dịch: Phía xa kia là khói quê nhà Đoàn viên sau đại dịch: Phía xa kia là khói quê nhà

TTO - Bước qua tháng 10 âm lịch, trời bắt đầu mưa như trút. Mỗi bận gọi về, ba chỉ quẩn quanh "Nước ngập đến đồng Găng chưa con? Ruộng Sũng mùa này chắc lở hết rồi. Năm nay hạn nhiều nên mưa cũng dữ...".

HUYỀN NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên