03/02/2021 13:40 GMT+7

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 4: Giao lưỡi cưa hay giao đất rừng cho cộng đồng?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Rừng Indonesia chiếm khoảng 2% độ che phủ rừng thế giới (gần 92 triệu ha). Trước đây "xứ sở vạn đảo" thường được nhắc đến với nạn phá rừng để sản xuất dầu cọ và khai thác gỗ xuất khẩu.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 4: Giao lưỡi cưa hay giao đất rừng cho cộng đồng? - Ảnh 1.

Nông dân trồng cà phê ở làng Tri Budi Syukur (tỉnh Lampung) - Ảnh: CIFOR

Tác động lớn quan trọng mà chúng tôi nhận thấy là độ che phủ rừng đã tăng lên.

TS TUTI HERAWATI

Hiện nay, nạn phá rừng ở Indonesia đã được kìm hãm. Cuối tháng 5-2020, Bộ trưởng Môi trường và lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar tuyên bố: 

"Nạn phá rừng trên thế giới đã giảm gần 40% và Indonesia có đóng góp đáng kể vào mức giảm này. Tỉ lệ phá rừng hằng năm ở Indonesia đạt hơn 3,5 triệu ha trong giai đoạn 1996-2000 nay đã giảm còn 0,44 triệu ha và sẽ tiếp tục giảm trong tương lai".

90% dân làng không còn lo đói

Một trong những giải pháp giảm tốc độ phá rừng của Indonesia đã được quốc tế công nhận là giải pháp lâm nghiệp cộng đồng (hay lâm nghiệp xã hội). 

Giải pháp này được thực hiện thành công tại tỉnh Lampung cực nam đảo Sumatra. Nếu Lampung là tỉnh đi tiên phong về lâm nghiệp cộng đồng ở Indonesia thì làng Tri Budi Syukur là lá cờ đầu của tỉnh về mô hình này.

Làng Tri Budi Syukur tọa lạc trong thung lũng với những cánh đồng lúa xanh tươi và vườn cà phê chín đỏ. Đất trồng cây thuộc sở hữu nhà nước nhưng làng đã được giao quyền quản lý. 

Làng được thành lập vào năm 1951 sau khi nhà nước cấp 727ha đất cho một số cựu binh di dân từ tỉnh Tây Java đến đây sinh sống. Cư dân ngày càng đông, tình trạng lấn chiếm rừng làm nông nghiệp bắt đầu xảy ra. 

Năm 1995, chính quyền địa phương gây sốc khi ra quân giải tỏa hàng loạt đất lấn chiếm ở hai huyện và phá hủy 1.000ha cây cà phê trồng trái phép để bảo vệ rừng.

Đến năm 2000, theo chính sách mới về lâm nghiệp cộng đồng với chương trình Hutan Kamasyarakatan, nhóm cộng đồng Bina Wana của làng Tri Budi Syukur đã được cấp giấy phép quản lý 645ha rừng phòng hộ. 

Từ đó, làng này nổi lên như tấm gương điển hình về bảo vệ rừng. Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) đã chọn làng Tri Budi Syukur làm một trong những địa điểm nghiên cứu tại Indonesia về quyền đất đai cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng trong khuôn khổ nghiên cứu so sánh toàn cầu về cải cách đất lâm nghiệp (GCS-Tenure).

Từ năm 2014-2017, nhóm nghiên cứu đã đo lường tác động của giải pháp lâm nghiệp cộng đồng đối với sinh kế người dân địa phương thông qua ba chỉ số gồm thu nhập từ hạt cà phê, an ninh lương thực gia đình và đầu tư phục hồi đất. 

TS Tuti Herawati thuộc CIFOR giải thích: "Trong 70 người được khảo sát, chỉ có 10% gặp khó khăn về lương thực trong ba tháng mỗi năm. Trong đầu tư phục hồi đất, 98% thành viên chương trình lâm nghiệp cộng đồng đã trồng lại cây và làm nhiều việc khác để bảo tồn đất và nước. 

Tác động lớn quan trọng mà chúng tôi nhận thấy là độ che phủ rừng đã tăng lên. Các thành viên bắt buộc phải trồng lại rừng đã được giao với mật độ tối thiểu 400 cây/ha".

Với chương trình Hutan Kamasyarakatan tại tỉnh Lampung, người dân đã tích cực trồng các loại cây lấy gỗ và nhiều loài cây đa dụng khác, đồng thời sẵn sàng đầu tư vào quản lý đất đai và tăng độ phì nhiêu của đất. 

Viên chức Eni Puspasari làm việc tại phòng lâm nghiệp tỉnh Lampung nhận xét: "Tôi tin rằng chương trình lâm nghiệp cộng đồng là giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp đất rừng ở tỉnh Lampung".

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ với đầu đề "Những tác động của chương trình lâm nghiệp xã hội Hutan Kamasyarakatan tại rừng đầu nguồn Sumber Jaya, huyện West Lampung (Indonesia)" nhận thấy qua hình ảnh vệ tinh, tình trạng mất rừng trong khu vực nghiên cứu đã được kìm hãm chậm lại và diện tích khai thác nông lâm kết hợp đã tăng thêm.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 4: Giao lưỡi cưa hay giao đất rừng cho cộng đồng? - Ảnh 3.

Mô hình rừng cộng đồng ở Indonesia - Ảnh: RIMBAKITA-COM

Nuôi cua, làm than gáo dừa...

Năm 1998, sau khi tổng thống Suharto từ chức, chính phủ mới đã phát động chương trình Lâm nghiệp cộng đồng Indonesia (Hutan Kamasyarakatan) nhằm hướng tới chuyển giao việc quản lý rừng phòng hộ có thể canh tác của nhà nước cho các cộng đồng địa phương với điều kiện các cộng đồng phải khai thác vườn cà phê nhiều tầng để bảo đảm vai trò của rừng phòng hộ đầu nguồn.

Năm 1999, Indonesia sửa đổi Luật lâm nghiệp cơ bản cho phép các địa phương có rừng có quyền sử dụng và quản lý rừng nhà nước. 

Nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu đối với đất lâm nghiệp nhưng luật sửa đổi đã tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện nhiều mô hình quản lý lâm nghiệp cộng đồng. Tại Sumber Jaya (tỉnh Lampung), các hợp đồng đầu tiên được ký kết với cộng đồng vào năm 2000 với thời gian thử thách ban đầu 5 năm, sau đó gia hạn đến 25 năm.

Đến nay nhiều mô hình lâm nghiệp cộng đồng tiếp tục tồn tại ở Indonesia, trong đó có hai mô hình phổ biến và gần đây nhất là rừng cộng đồng và rừng thôn bản:

● Rừng cộng đồng (Hutan Kemasyarakatan): các tổ nhóm nông dân được cấp giấy phép 35 năm để quản lý rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ và có thể khai thác lâm sản.

● Rừng thôn bản (Hutan Desa): các tổ chức trong thôn bản được cấp giấy phép 35 năm để quản lý và bảo vệ đất rừng chưa cấp cho ai.

Tính đến tháng 6-2020, Indonesia đã giao khoảng 4,2 triệu ha trong chỉ tiêu 12,7 triệu ha. Có rất nhiều câu chuyện thành công về mô hình lâm nghiệp cộng đồng mà tỉnh Lampung là một điển hình. Tỉnh này đã có 83.000 hộ tham gia quản lý khoảng 198.000ha. 

Tại một số làng, thu nhập hằng năm của mỗi hộ đã tăng từ 170 USD/năm lên 2.730 USD/năm. Các gia đình đã đa dạng hóa nguồn thu nhập như nuôi cua, chế biến mật ong, làm than gáo dừa, làm hàng mây tre lá.

Chương trình lâm nghiệp cộng đồng tạo cơ hội cho người dân xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy sử dụng đất bền vững với môi trường. Cộng đồng địa phương có phần lợi ích trong đất rừng nên có động cơ để canh tác đa dạng sinh học và ngăn chặn phá rừng. Chương trình này còn góp phần giải quyết tranh chấp đất đai vì ranh giới đất rừng phân chia cho các cộng đồng mang tính pháp lý rạch ròi.

Báo cáo "Năm 2020 - Tình trạng rừng trên thế giới. Rừng, đa dạng sinh học và hoạt động con người" (SOFO 2020) của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) công bố vào cuối tháng 5-2020 đánh giá có thể ngăn chặn phá rừng bằng cách giao đất cho nông dân khai thác. 

Nếu đất eo hẹp cũng có thể cho thuê đất dài hạn kèm điều kiện người thuê phải thực hiện mô hình nông lâm kết hợp hoặc các phương pháp sử dụng đất khác phù hợp với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Báo cáo đánh giá tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, nơi nào quyền quản lý rừng cộng đồng được áp dụng thực chất, tỉ lệ phá rừng giảm. Nghiên cứu của TS kinh tế Allen Blackman (Mỹ) đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) tháng 7-2017 đánh giá tại Peru, ngay sau khi các cộng đồng bản địa được giao đất rừng, nạn phá rừng và tình hình xáo trộn rừng đã giảm.

Trong 10 năm qua, nhằm hạn chế khai thác gỗ trái phép, các nước tiêu thụ đã yêu cầu các nhà nhập khẩu phải chứng minh gỗ được khai thác hợp pháp.

Về phía các nước tiêu thụ, trong các đạo luật quan trọng yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ có Luật Lacey sửa đổi của Mỹ (năm 2008), Quy chế gỗ của Liên minh châu Âu (năm 2013), Luật gỗ sạch của Nhật (năm 2016) và Luật sửa đổi về sử dụng gỗ bền vững của Hàn Quốc (năm 2017).

Trong các nước sản xuất gỗ nhiệt đới, nhiều nước đã tăng cường chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Indonesia đã thiết lập hệ thống bảo đảm tính hợp pháp gỗ quốc gia (Sistem Verificasi Legalitas Kayu) và năm 2016 bắt đầu cấp giấy phép xuất khẩu gỗ theo chương trình Thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (FLEGT) của EU.

Rừng và thảo nguyên Brazil được phủ xanh nhờ những người làm công việc rất thầm lặng. Có những phụ nữ ngày ngày dẫn con vào rừng nhặt hạt cây. Lại có nhiều người khác chỉ lo trồng cỏ bản địa.

_________________________________________

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 3: Chén cơm gắn với rừng Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 3: Chén cơm gắn với rừng

TTO - Các ví dụ điển hình ở Guatemala, Bolivia và Jordan cho thấy một trong những giải pháp bảo vệ rừng bền vững là cho phép người dân địa phương thực hiện một số hoạt động trong các khu bảo tồn, để có đồng ra đồng vào.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên