30/03/2014 07:13 GMT+7

Cuộc chiến dai dẳng với sốt rét

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Bệnh sốt rét đang đặt nhân loại trước thử thách mới khi các loại thuốc thông dụng bắt đầu có dấu hiệu bị kháng lại. Hai giáo sư François Nosten và Nick White đã dành cả đời cho việc tìm phương thuốc mới.

Cown2wc6.jpgPhóng to
Bác sĩ François Nosten (phải) nhận giải thưởng tại Pháp hồi năm 2008 nhờ công trình nghiên cứu chống bệnh sốt rét - Ảnh: AFP

François Nosten - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh sốt rét - hiện đang nghiên cứu tại làng Hka Naw Tah giáp ranh biên giới Myanmar - Thái Lan để ngăn chặn một thảm họa đang lờ mờ hiện ra: sự lây lan sốt rét kháng thuốc trên toàn cầu.

Hka Naw Tah là ngôi làng nhỏ của hơn 400 người dân sống trong những căn nhà vách ván mái lợp lá hoặc tôn, và là nơi thí nghiệm cho kế hoạch táo bạo của Nosten cùng đội ngũ nghiên cứu của ông: dập tắt hoàn toàn bệnh sốt rét khỏi góc quan trọng này của thế giới.

Cuộc chiến không mệt mỏi...

"Đây là sự tĩnh lặng trước cơn bão"

Giáo sư Arien Dondorp(phó giám đốc và trưởng phòng Đơn vị nghiên cứu y học nhiệt đới Mahidol - Oxford tại Bangkok, Thái Lan) nhìn nhận về tình hình hiện nay vì theo ông, nếu không kịp tìm ra thuốc thì sẽ có đợt lây lan mới gây nhiều chết chóc

François Nosten luôn mơ ước đi đó đây. Cha ông, một thủy thủ tàu hàng, từng gieo vào lòng con giấc mơ về những nơi xa xôi. Thoạt đầu François Nosten cũng tính đi làm cho các dự án phát triển ở nước ngoài, nhưng rồi một thầy giáo đã đưa ông theo con đường khác. Ông kể: “Thầy nói với tôi rằng cách tốt nhất để đi xa là làm bác sĩ. Thế là tôi theo học trường y”. Có trong tay tấm bằng, ông tham gia Tổ chức Thầy thuốc không biên giới và quảy balô lên đường từ đó.

Ông đã đi qua nhiều quốc gia châu Phi, châu Á trước khi dừng chân tại Thái Lan năm 1983 và bắt đầu chữa trị trong các khu trại tị nạn dọc biên giới Myanmar - Thái Lan. Đến năm 1985, ông Nosten đã gặp bác sĩ lâm sàng người Anh Nick White - người sau này trở thành “cặp bài trùng” với ông.

Lần đầu tiên bác sĩ người Pháp Nosten đến Đông Nam Á cách đây 30 năm, khi ấy bệnh sốt rét đã là căn bệnh giết chết người nhiều nhất trong khu vực. Và rồi thuốc Artemisinin đến vào năm 1994 đẩy lùi căn bệnh sốt rét nhanh chóng. Thay vì hàng chục ngàn trường hợp trước đó thì kể từ khi có Artemisinin, mỗi năm chỉ còn lại vài trăm trường hợp mắc bệnh sốt rét trong khu vực. Tuy nhiên, loại thuốc Artemisinin từ mức điều trị một ngày bắt đầu kéo dài sang nhiều ngày sau khi các ký sinh trùng sốt rét bắt đầu kháng thuốc.

Trở lại văn phòng làm việc, ông Nosten khoanh vùng khu vực xuất hiện ký sinh trùng kháng thuốc và nhận thấy ba khu vực nổi trội chính là biên giới Campuchia - Việt Nam, Campuchia - Thái Lan và Thái Lan - Myanmar. Ông nhận ra rằng khu vực biên giới với những con sông không phải là rào cản cho sự lây lan của các ký sinh trùng sốt rét. Sau đó, lịch sử đã chứng minh nhận định của Nosten khi chỉ vài năm sau đã có hàng triệu người chết vì sốt rét sau khi ký sinh trùng lây lan từ tây Campuchia qua tận miền tây châu Phi.

Năm 1989, Nosten đến Shoklo - trại tị nạn lớn nhất dọc biên giới Thái Lan - Myanmar và là nơi cư ngụ của 9.000 người. Ông làm việc trong một bệnh viện được biết đến như Đơn vị nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết Shoklo đầu tiên.

Hàng trăm nhà khoa học ngày nay đang phát triển các phương pháp mới từ các văcxin tiềm năng đến các loại thuốc mới nhằm điều trị bệnh sốt rét. Tuy nhiên, ông Nosten nhận thấy các loại thuốc mới sẽ không có sẵn đúng thời điểm và cách duy nhất để ngăn chặn sự kháng thuốc Artemisinin là phải hoàn toàn loại bỏ bệnh sốt rét khỏi nơi bắt nguồn cho sự kháng thuốc này: khu vực tây Campuchia và biên giới các quốc gia Đông Nam Á.

Chạy đua với thời gian

Mặc cho các hi vọng trước đó của các nhà nghiên cứu về ACT (thuốc kết hợp giữa Quinhaosu của Trung Quốc với Mafloquine), ký sinh trùng sốt rét vẫn tiếp tục kháng thuốc và như để chà xát thêm vào nỗi đau của nhóm nghiên cứu, kháng thuốc lại xuất phát từ tây Campuchia.

Nhiều nhóm nghiên cứu đang chạy đua trong công cuộc tìm kiếm các đột biến chịu trách nhiệm cho việc kháng thuốc của ký sinh trùng sốt rét với một vài phát hiện mới trong tháng 12-2013. Chris Plowe thuộc Trường Y Maryland (Mỹ) cho biết họ có thể theo dõi sự kháng thuốc bằng cách sử dụng máu thấm trên giấy lọc và quan sát tế bào máu dưới kính hiển vi.

Tuy nhiên, thời gian dường như đang cạn dần. Từ Campuchia, sự kháng thuốc đã lan đến biên giới Thái Lan - Myanmar. Nosten cho biết tỉ lệ số người vẫn nhiễm bệnh sau ba ngày dùng ACT đã tăng từ 0% năm 2000 lên 28% trong năm 2011. Hầu hết những người này vẫn đang phải chạy chữa nhưng Artemisinin bắt đầu có ít hiệu quả hơn trước đây.

Cuộc chiến với ký sinh trùng sốt rét bước sang chương mới khi nhóm nghiên cứu tại Hka Naw Tah nhận thấy nhiễm trùng ẩn bắt đầu hình thành. Nhiều người trong ngôi làng mang trong mình ký sinh trùng sốt rét nhưng không phát bệnh, dẫn đến việc điều trị cho bệnh nhân không còn hiệu quả khi họ có khả năng tái bệnh trước các ký sinh trùng ẩn trong cơ thể.

Làm việc dưới họng súng

Làm ở Shoklo khi đó cực trăm bề. Lũ lụt thường xuyên đe dọa ngôi nhà tre mà họ làm việc. Các chỉ huy quân sự địa phương của cả Thái Lan lẫn Myanmar vẫn thỉnh thoảng ghé qua đòi đuổi Nosten. Không có điện, ông thường dùng một tấm gương soi hứng nắng mặt trời để soi sáng khi nghiên cứu. Rồi ông bắt đầu đào tạo cho những người Karen địa phương để hỗ trợ mình.

Trạm nghiên cứu ở Shoklo đóng cửa năm 1995 khi một nhóm ly khai người Karen thường xuyên tấn công vào làng để đưa người dân quay lại Myanmar. Bác sĩ Nosten kể: “Chúng cứ đến là nổ súng. Chúng tôi phải nhảy xuống hố núp mà đạn bay vèo vèo xung quanh”. Đến khi quân đội Thái can thiệp, đưa họ sang một nơi mới an toàn hơn ở Mae La thì mọi việc mới ổn.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên