Người dân sắc tộc thiểu số Yazidi chờ lấy nước ở trại tị nạn Bajed Kadal - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, Mỹ đã bắt đầu các cuộc không kích các vị trí đóng quân của IS ở miền bắc Iraq từ đầu tháng nhưng chiến dịch tấn công các phiến quân ở gần thủ đô cho thấy sự leo thang trong quy mô của sứ mệnh chống lại IS. Điểm tấn công chỉ cách Baghdad 25km.
Tuyên bố của Washington nói: “Việc không kích ở tây nam Baghdad là cuộc tấn công đầu tiên được thực hiện trong một phần nỗ lực mở rộng chiến dịch của chúng tôi nhằm bảo vệ dân thường trong khi các lực lượng của Iraq phản công”. Các cuộc không kích đã phá hủy 6 xe của IS gần Sinjar và một vị trí chiến đấu của IS ở tây nam Baghdad, nơi lực lượng này đang bắn vào quân chính phủ Iraq.
Phía Iraq hôm qua tuyên bố hoan nghênh cuộc không kích của Mỹ gần Baghdad, gọi đây là một cuộc tấn công quan trọng nhằm vào kẻ thù.
Trong khi đó, theo phân tích của tạp chí Nikkei Asian Review, sự gia tăng hiện diện tại Trung Đông có thể khiến Mỹ “phân tâm” khỏi một chính sách quan trọng khác là “xoay trục châu Á”.
Trong tình thế phải đổ tài lực cho cuộc chiến mới cộng với yêu cầu phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, Mỹ càng dính sâu vào Trung Đông. Trung Quốc và Nga càng có không gian thoải mái để tăng cường ảnh hưởng của mình tại hai vùng nóng là Ukraine và Đông Á.
Bên cạnh đó, nhiều người tự hỏi liệu Washington đã có một chiến lược nào để an toàn rút ra khỏi Trung Đông chưa. Quân đội Iraq có thể hợp tác với người Mỹ, nhưng mọi chuyện hoàn toàn khác trên lãnh thổ Syria. Nếu tiêu diệt IS lại dẫn đến củng cố chế độ của Tổng thống Bashar al Assad, quyết định của ông Obama có thể gây ra tâm lý bài Mỹ tại Trung Đông.
Cây bút Kori Schake của tạp chí Foreign Policy, chuyên gia thuộc Học viện Hoover (ĐH Stanford), có bài phân tích nhan đề “Tất cả trục xoay của các anh đều thuộc về chúng tôi” - hàm ý chỉ Trung Quốc đang tận hưởng sự bận rộn của Mỹ để rảnh tay trong chính sách khu vực.
Ông Schake nhận xét Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh hơn bất cứ lúc nào, trong khi đó chính sách thể hiện thực quyền toàn cầu của Mỹ lâu nay tạo cho Bắc Kinh những cơ hội chưa từng có.
Cho dù ông Obama có nói gì về “tái cân bằng”, Mỹ vẫn tiếp tục bị cầm chân tại Trung Đông, đó là chưa kể đến mối bận tâm mơ hồ về “an ninh châu Âu”.
Sức mạnh vốn đã yếu đi của Mỹ tiếp tục bị phân tán bởi nhiều yêu cầu cấp thiết khác nhau khiến việc hiện thực hóa chính sách “xoay trục” càng thêm khó khăn. Tạp chí Nikkei nhận xét chính vì điều này trật tự thế giới đang trở nên dần mất ổn định theo từng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận