Báo Guardian ngày 4-6 đặt câu hỏi: “Barack Obama thật sự là ai?”.
Vén bức màn bí mật về siêu sâu Stuxnet
Phóng to |
Ông Obama thể hiện sự cứng rắn hơn vẻ bên ngoài - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, hôm 4-6 Nhà Trắng thông báo máy bay không người lái của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã bắn tên lửa tiêu diệt phó thủ lĩnh Al Qaeda Abu Yahya al-Libi ở phía bắc Pakistan. Đó là một cái tên nổi bật trong “danh sách phải giết” mà ông Obama vẫn thảo luận với các quan chức an ninh mỗi thứ ba hằng tuần tại Phòng tình huống ở Nhà Trắng.
Tuần trước, báo New York Times tiết lộ ông Obama là người chỉ đạo chiến dịch dùng virút Stuxnet tấn công Nhà máy hạt nhân Natanz ở Iran. Cuộc chiến bí mật trên mạng này đã khiến chương trình hạt nhân Iran bị trì hoãn nhiều năm. Giới quan sát nhận định đây là lần đầu tiên Mỹ dùng vũ khí không gian mạng để phá hủy hạ tầng của một quốc gia khác, thay vì dùng bom đạn.
Virút “Trò chơi Olympic”
Virút Stuxnet, do Mỹ và Israel cùng phát triển dưới tên gọi “Trò chơi Olympic”, nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Iran. Trong một cuốn sách vừa phát hành tại Mỹ, Nhà Trắng đã công khai nêu rõ sự can dự của Tổng thống Mỹ Obama.
Một vài ngày trước khi chính thức nhậm chức tổng thống, vào tháng 1-2009 ông Obama đã bí mật cho mời vị tổng thống tiền nhiệm George W. Bush đến Nhà Trắng để nói chuyện riêng. Người tiền nhiệm này đã huỵch toẹt: có hai việc sống còn cho Mỹ, ông Bush dằn từng tiếng, là phải sử dụng máy bay không người lái ở Pakistan trong cuộc chiến chống Al Qaeda và tiến hành cuộc chiến không gian mạng chống Iran.
Theo những gì được kể lại trong cuốn sách vừa được phát hành tại Mỹ ngày 5-6 của tác giả David Sanger - biên tập viên báo New York Times, ông Obama đã phát hiện “một cuộc chiến tranh bẩn thỉu” cực kỳ bí mật được tiến hành chống Tehran từ năm 2006. Cuộc chiến này được tiến hành không phải với những đội quân trên bộ mà là với các máy tính, các virút. Một cuộc chiến không đẫm máu bên ngoài nhưng lại cực kỳ khốc liệt và kết thúc của nó, như vị tổng thống hết nhiệm kỳ Bush nói không chút do dự, có thể “quyết định chiến tranh hay hòa bình”.
Vũ khí “át chủ bài” của cuộc chiến này là một virút có khả năng tàn phá không gì sánh bằng mang tên “Trò chơi Olympic”, mà từ hai năm qua đã gieo rắc sự hỗn loạn ngay bên trong chương trình hạt nhân của Iran.
Là tổng chỉ huy của cuộc chiến này, hằng tuần ông Obama đã yêu cầu báo cáo về tiến độ và đưa ra những chỉ đạo mới.
Thừa nhận các cuộc tấn công quy ước sẽ chẳng có tác dụng đối với chương trình hạt nhân ngầm và bí mật nằm dưới lòng đất trong sa mạc mênh mông của Iran, Nhà Trắng đã quyết định tấn công vào ngay trái tim của chương trình này. Đó là nhà máy ngầm ở Natanz, nằm cách thủ đô Tehran 250km về phía nam. Virút “Trò chơi Olympic” có nhiệm vụ phá hủy các nhà máy ly tâm làm giàu uranium ở Natanz bằng cách làm giảm tốc độ quay của các động cơ.
Trong chiến dịch Mỹ - Israel này, các chuyên gia lập trình của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) ở Fort Meade (bang Maryland), gần Washington, cùng hợp tác với đội đặc nhiệm về chiến tranh mạng của Israel được biết đến dưới tên gọi Đơn vị 8200.
Sau đó, do lo ngại vũ khí virút này sẽ bị phát hiện và sợ các đối thủ của Mỹ có thể sử dụng để tấn công lại Mỹ, ông Obama đã ra lệnh tiến hành hai cuộc tấn công mới với một phiên bản mới được hoàn thiện từ “Trò chơi Olympic”, được đặt tên là “Flame”. Flame có khả năng phá hủy các nhà máy ly tâm cực kỳ hiện đại type Ir-2 của Iran.
Rắn hơn cả Bush
Bí mật của các cuộc chiến tranh này mới đây đã bị rò rỉ. Theo truyền thông Mỹ, các thông tin này khiến giới chính trị gia tại Washington và ngay cả những người cực hữu, từng nhiệt thành ủng hộ cựu tổng thống George Bush, cũng bị sốc. Năm 2008, khi ra tranh cử ông Obama đã mạnh mẽ lên án chính sách xây nhà tù bí mật, tra tấn tù nhân, lén theo dõi công dân Mỹ... của ông Bush. Khi đó ông Obama cam kết xây dựng một chính phủ minh bạch và nhiều người đánh giá ông Obama là “bồ câu” hoặc ít ra không phải là “diều hâu”.
Báo Guardian dẫn lời chuyên gia James Badford nhận định ông Obama không hề đảo ngược các chính sách của ông Bush như đã hứa, thậm chí còn đi xa hơn người tiền nhiệm. “Đơn giản là ông Obama gói các chính sách đó lại trong một bao bì ưa nhìn hơn. Trông ông ấy có vẻ tả hơn và không giống như một gã cao bồi” - chuyên gia Badford mô tả.
Vì sao các thông tin liên quan “danh sách phải giết” và cuộc chiến bí mật chống Iran lại bị rò rỉ, vì như các nghị sĩ Mỹ lo ngại, “mỗi rò rỉ đều đe dọa tính mạng người Mỹ, gây khó khăn cho hoạt động tình báo, làm các đối tác mất lòng tin và đe dọa an ninh quốc gia”.
Thế nhưng, theo thượng nghị sĩ John McCain, Nhà Trắng đã âm thầm tung tin cho báo chí nhằm bồi đắp hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cứng rắn của ông Obama để chuẩn bị kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Tuy nhiên, như báo Guardian nhận định, ông Obama đang tự phá hỏng hình ảnh của mình, một nhà lãnh đạo từng cam kết thay đổi mạnh mẽ, một người từng đoạt giải Nobel hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận