Phóng to |
Cử tri đi bỏ phiếu ở một điểm bầu cử tại Misrata ngày 20-2 - Ảnh: Reuters |
Hãng tin AP bình luận cuộc bầu cử này sẽ là “thử nghiệm đầu tiên về một nền dân chủ đích thực” ở Libya, nhưng việc thành phố lớn thứ ba đất nước với 300.000 dân tự ý tổ chức bầu cử cũng cho thấy những dấu hiệu về tình trạng tự trị và chia rẽ của các lãnh địa, đô thị lớn với các lực lượng quân sự địa phương và những chính quyền cục bộ có quan hệ rất lỏng lẻo với chính quyền trung ương ở Tripoli.
Misrata coi như đã đi trước một bước so với chính quyền toàn quốc. Hội đồng chuyển đổi quốc gia (NTC), tổ chức đang lãnh đạo Libya, nói các cuộc bầu cử để chọn ra một quốc hội 200 thành viên sẽ được tổ chức vào tháng 6 nhưng chưa có ngày cụ thể. Quốc hội này dự kiến sẽ quyết định chính phủ mới và lựa chọn ủy ban soạn thảo hiến pháp.
Nhưng nhiều người dân Libya bày tỏ thất vọng với quá trình chuyển đổi diễn ra quá chậm chạp. Thành phố ven biển Benghazi, căn cứ địa của lực lượng nổi dậy chống Gaddafi, cũng đã chấm dứt sự lãnh đạo của hội đồng tạm quyền và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử ngay trong tháng tới.
Misrata, cách Tripoli 200 km về phía tây bắc, từng là vùng chiến sự khốc liệt diễn ra những trận đánh lớn khiến hàng nghìn người thiệt mạng và nhiều người từng cầm súng lẫn những nạn nhân của cuộc chiến đã đến các hòm phiếu ngày 20-2 để bỏ phiếu bầu ra hội đồng thành phố gồm 28 thành viên.
Sau khi nội chiến kết thúc, nhiều cư dân trong thành phố phẫn nộ vì các thành viên hội đồng mới còn tham nhũng dữ dội hơn. Tarek bin Hameda, một ứng viên ra tranh cử, nói hội đồng sắp ra đi làm việc không minh bạch, ngay cả trong việc chia sẻ các gói cứu trợ của phương Tây.
“Người đứng đầu hội đồng là người của chế độ cũ. Ông ta làm việc với tư duy của Gaddafi. Cơ chế giống như thế và khiến đường phố trở nên hỗn loạn, những người trẻ lại đòi tắm máu”, AP dẫn lời Bin Hameda.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận