Nói rồi người đàn ông xoa đầu, bẹo má, rồi lại khen với vẻ mặt âu yếm khiến cô bé hơi sợ. Chị thì hơi ngại, chỉ kéo con sát vào mình.
Biểu hiện được xem là cưng nựng trẻ ấy không hiếm gặp ở ta. Với một số người (không ít) nghĩ rằng đó là biểu hiện của sự mến trẻ, hoặc cho rằng "làm vậy cũng đâu có gì quá lắm đâu".
Nhưng thực tế, có những trường hợp, kẻ xấu đã lợi dụng biểu hiện được cho là cưng trẻ đó để làm bậy.
Không ít người, kể cả phụ huynh vẫn chưa phân biệt được giữa yêu thương trẻ và lợi dụng việc yêu thương, thân thiện với trẻ để đụng chạm nhạy cảm, rồi dần dà dụ dỗ trẻ, xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ.
Và có khi, khi nghe trẻ kể về việc bị xâm hại, phụ huynh còn không tin, gạt đi, cho rằng trẻ nói bậy.
Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), giai đoạn 2020 - 2022 phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em, trong đó trẻ em là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỉ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021), 6,65% (năm 2022); hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân.
Đánh giá của cơ quan này, trong giai đoạn 2020 - 2021, số vụ việc xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2019 - 2020 tăng lên cả về số vụ, số đối tượng và số trẻ em bị xâm hại.
Điều đáng nói là, ở Việt Nam có tới 17 cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em nhưng những vụ việc xâm hại trẻ em vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Làm sao để bảo vệ trẻ và để trẻ tự bảo vệ? ThS tâm lý LÊ MINH HUÂN, sáng lập trung tâm ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên, chuyên trẻ đặc biệt, cũng là người có hàng chục cuộc nói chuyện chuyên đề về xâm hại tình dục trẻ em đã trao đổi với Tổ ấm về vấn đề thiết yếu này:
* Thế nào là lạm dụng tình dục, thưa anh?
- Lạm dụng tình dục là việc lợi dụng vị thế, quyền hạn hoặc sức mạnh nhằm dụ dỗ, bắt ép, lôi kéo người khác thực hiện hành vi tình dục mà không có sự đồng thuận của họ.
* Có ranh giới hay sự phân biệt nào giữa cưng nựng trẻ với lạm dụng?
- Khi hành vi cưng nựng vượt quá giới hạn của tình yêu thương, gây khó chịu, lo lắng, sợ hãi, thậm chí tổn thương đến người khác sẽ trở thành lạm dụng.
Chẳng hạn, việc ôm hôn, ghì sát, sờ soạng, nhìn lén các bộ phận riêng tư của người khác khi tiếp xúc hoặc lợi dụng lúc người khác thiếu cảnh giác hoặc thiếu khả năng chống trả để thỏa mãn nhu cầu bản thân, đặc biệt là khả năng phán đoán kém và sự nhẹ dạ, cả tin ở trẻ nhỏ.
* Phụ huynh và trẻ nên ứng xử ra sao khi có người cố ý đụng chạm trẻ?
- Phụ huynh cần có động thái can thiệp liền ngay lập tức như kéo trẻ về phía mình, ngăn cản trẻ tiếp xúc, phân tích, giải thích và ra sức bảo vệ sự an toàn của trẻ. Đồng thời, cảnh báo đối tượng về đụng chạm có nguy cơ thiếu an toàn này.
Thậm chí, trình báo cơ quan chức năng nếu hành động gây tổn thương, sợ hãi hoặc diễn tiến nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Trẻ tuyệt đối tránh xa và không đồng tình với hành vi đụng chạm, trêu chọc, chỉ trỏ của người khác đối với các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Bên cạnh đó, cần thông báo với người lớn để được trợ giúp.
* Trẻ tự bảo vệ mình ra sao khi gặp tình huống bị lạm dụng, xâm hại tình dục?
- Hét lớn nhằm thu hút chú ý của người lớn/người xung quanh và thông báo vấn đề đang gặp phải là gì. Bỏ chạy đến nơi an toàn như đám đông, nơi có người lớn, nhà ở hoặc trường học...
Trường hợp bất khả kháng có thể tấn công vào những điểm yếu, chỗ hiểm của kẻ xấu để phòng vệ, thoát thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận