30/03/2016 13:45 GMT+7

Cùng con đi học mẫu giáo

PHAN QUỐC VINH (Texas, Hoa Kỳ)
PHAN QUỐC VINH (Texas, Hoa Kỳ)

TTO - Sau nhiều lần đọc thông tin trên mạng về hệ thống giữ trẻ, tôi đã gọi điện thoại hỏi hết các trung tâm trong thành phố Lubbock (Texas, Hoa Kỳ) nhưng đều hết chỗ.

Cô cho các cháu đi dạo - Ảnh: Q.Vinh
Cô cho các cháu đi dạo - Ảnh: Q.Vinh

Trước đây đã có người bạn khuyên vợ tôi rằng từ khi có thai đã phải bắt đầu đăng ký nơi giữ trẻ nên giờ đây chúng tôi mới biết lời khuyên này giá trị chừng nào!

May mắn thay, cuối cùng có nơi gần nhà gọi điện lại chấp thuận nhận trông khiến vợ chồng tôi vui mừng chẳng kém gì việc mình trúng số lô tô khổng lồ của bang Texas nên gia đình phải chạy ngay đến nộp hồ sơ kẻo chỉ cần trễ chân là bị mất chỗ...

Tôi thường nhớ đến câu hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với tôi cứ mỗi lần đón con và nhìn con hòa nhập dần với môi trường mới cùng bè bạn trang lứa lại cảm thấy hạnh phúc với niềm vui mình đã chọn

Gian nan ngày nhập học

Ở thành phố Lubbock, các nhà trẻ được phân chia thành nhiều loại: nhà trẻ được sự kiểm định quốc gia (nationally accreditable), nhà trẻ xuất sắc (rising star) của thành phố, nhà trẻ đạt chuẩn, dịch vụ giữ trẻ tại gia có chứng nhận và dịch vụ giữ trẻ bình thường, không có kiểm định chất lượng.

Đối với nhà trẻ có kiểm định cũng chia ra các hạng sao: dịch vụ đạt chuẩn (hai sao), tốt (ba sao) và xuất sắc (bốn sao). Cứ càng nhiều sao, nhiều giấy chứng nhận thì mức thu học phí cũng tỉ lệ thuận.

Tùy vào quy định của mỗi nơi giữ trẻ như: mang tã theo cho bé hay không, sữa bột được cấp miễn phí hay phụ huynh mang đến, khăn ướt sẽ được cung cấp... mà các cơ sở quy định mức thu học phí.

Tuy vậy, mức thu trung bình chung được công bố rộng rãi trên website là 50 - 100 USD/đơn đăng ký vào học và khởi tạo hồ sơ theo dõi. Học phí thu hằng tháng dao động 500 - 600 USD mỗi bé, nếu gửi trên một bé sẽ có khoản giảm học phí.

Sau khi nộp đầy đủ học phí tháng đầu tiên, giấy chích ngừa, giấy chứng nhận đầy đủ sức khỏe để đi nhà trẻ của bác sĩ nhi, đọc hết một xấp kim chỉ nam hoạt động của trường để xác nhận việc mình đã hiểu chính sách của họ, được cung cấp rất nhiều hồ sơ “đọc - đoán - ký” như giấy miễn trừ trách nhiệm, giấy thông báo chủng loại sữa và thức ăn cung cấp ở trường, phiếu cung cấp thuốc cho trẻ từ gia đình.

Đồng thời được phát cuốn nội quy chung của trường, nhấn mạnh mức phạt đính kèm nếu đến đón bé trễ cùng nhiều quy định khác như cho bé uống thuốc phải có đơn của bác sĩ, giờ giấc đưa đón, cách sử dụng thẻ từ để đi vào cổng an ninh..., tôi mừng rỡ vì con đã được nhập học và sẵn sàng cho việc đi học lớp mẫu giáo nhí dành cho các bé từ 12 - 24 tháng cùng con.

Các bé đang tập ăn bốc - Ảnh: Q.Vinh
Các bé đang tập ăn bốc - Ảnh: Q.Vinh

Để bé khóc mệt thì lăn ra ngủ

Mỗi sáng đưa con đi học, không giống như các phụ huynh khác giao con cho giáo viên liền đi ngay để kịp giờ làm, tôi luôn dành thêm cho con gái 30 phút để gần gũi con cũng như mình đi học lại mẫu giáo theo kiểu Mỹ mà không phải mất thêm tiền bởi cách chăm sóc và dạy trẻ ở đây khác biệt rất nhiều so với ở Việt Nam.

Từ quan điểm “Đi một ngày... mẫu giáo, học được mấy gáo khôn”, tôi tự rút ra được nhiều điều hay để tạo sự giao thoa tốt nhất trong việc chăm con cái giữa hai nền văn hóa Việt - Mỹ.

Cho dù trường mẫu giáo công luôn được đầu tư bài bản, quy củ hơn trường mẫu giáo tư vì có sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng dù vậy ở trường nào cũng được chính phủ hỗ trợ về thức ăn, sữa miễn phí cho trẻ và các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật chăm trẻ... rất khắt khe.

Do vậy, ở Trường mẫu giáo YWCA nơi tôi gửi con gái cũng không nằm ngoại lệ. Chỉ một cô giáo chăm bốn cháu, nếu xuất hiện cháu thứ năm thì giáo viên thứ hai sẽ có mặt ngay lập tức và mỗi phòng không quá 10 cháu.

Bên cạnh đó để không làm ảnh hưởng các trẻ khác, phụ huynh tuyệt đối không được đón trẻ vào thời gian ngủ và phải tuân thủ nội quy gửi trẻ đến lớp trước 10g sáng, nếu có việc phải điện thoại báo trước để trường sắp xếp giáo viên.

Vậy nên có trường hợp phụ huynh không tuân thủ, giáo viên kiên quyết không nhận cháu cho dù học phí đã thu đủ và điều đó khiến phụ huynh phật lòng. Hay quy định giáo viên không được ép trẻ ăn dù trẻ rất biếng ăn được áp dụng rất triệt để cho dù phụ huynh có yêu cầu như vậy.

Cơ chế để các cháu tự lập từ nhỏ được áp dụng rất thường xuyên cũng là điều khiến tôi bất ngờ có phần... e ngại, như ngày đầu tiên đến lớp trẻ khóc vì lạ thì giáo viên vẫn để các bé khóc thoải mái đến khi tự thích ứng với môi trường mới, khóc mệt lăn ra ngủ hoặc tự đi tìm đồ chơi, tự bốc thức ăn tập đưa vào miệng, ngã nếu không quá nguy hiểm thì tự đứng dậy...

Trong giờ chơi, các cháu nhỏ được giáo viên hướng dẫn việc học ngôn ngữ ký hiệu (sign language) để ra hiệu các thông điệp bé muốn truyền đạt: cảm ơn - bé muốn ăn thêm - bé ăn đã xong - bé đang đói/khát - bé muốn thay tã - xin vui lòng... để rồi sau đó các bé được tập làm quen với mặt chữ mỗi tuần một chữ cái.

Bên cạnh đó, các hoạt động tập múa theo nhạc, nhúng tay chân vào màu nước để thiết kế thiệp tặng bạn nhân dịp lễ, tặng gia đình, người thân cũng được thực hiện khá thường xuyên cùng việc tập vẽ nguệch ngoạc trên giấy trắng.

Trong phòng học dù nhỏ nhưng vẫn được trang bị cầu trượt, lâu đài bằng chất liệu mềm giúp các bé vận động liên tục để ăn ngon hơn, ngủ sâu hơn.

Buổi chiều, các giáo viên sẽ dành nhiều thời gian cho việc đọc truyện các cháu nghe, hướng dẫn các cháu lật sách và chỉ vào các nhân vật của truyện để tạo cho trẻ môi trường yêu thích đọc sách từ nhỏ.

Cuối giờ chiều, các cháu được giáo viên đưa lên các xe đẩy đặc biệt dành cho trẻ để tiếp xúc với thiên nhiên khi thời tiết cho phép sau thời gian khá dài hít thở không khí máy điều hòa hay máy sưởi trong phòng.

Để rồi khi giao con lại cho phụ huynh, các cháu đều đã thấm mệt cho một ngày hoạt động, vui chơi liên tục để sẵn sàng cho một buổi tối ngon miệng với gia đình cùng một giấc ngủ say đang chờ đón.

“Nuốt trọn giáo án”

Mỗi bữa ăn với khẩu phần đều có tinh bột, protein và rau củ, trái cây, tôi quan sát có bé dù răng chỉ mới nhú vài cái nên chủ yếu nhai bằng lợi vẫn hì hục “nuốt trọn giáo án” trệu trạo vừa kích thích răng mọc nhanh, vừa học cách nếm các loại thức ăn.

Bé lớn hơn thì dùng thìa chọc ngoáy thức ăn rồi trét vào miệng tèm lem như những bức tranh biếm họa. Tất cả đều được thực hiện đa dạng, rất tự nhiên cho các bé học theo quy luật sinh tồn.

An toàn vệ sinh ở đây được thực hiện nghiêm ngặt tối đa: phòng học có kính khử trùng, giáo viên luôn đeo găng tay khi phục vụ các cháu ăn, khi thay tã luôn sử dụng dung dịch xịt tẩy trùng cho bàn ghế và các vật dụng, đồ chơi, bố mẹ khi vào đưa đón con phải tháo giày hoặc mang túi trùm giày, tuyệt đối không để người thân khác vào đón cùng bố mẹ để tránh mang virút bên ngoài vào...

Thế nên việc giáo viên đặt thức ăn trên bàn để các cháu tự bốc ăn hay trẻ luôn bỏ đồ chơi vào miệng ngậm cũng không làm cho phụ huynh quá e ngại.

PHAN QUỐC VINH (Texas, Hoa Kỳ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên