06/05/2019 10:46 GMT+7

Cung cấp thông tin dư luận quan tâm

MAI HOA - TIẾN LONG  thực hiện
MAI HOA - TIẾN LONG thực hiện

TTO - Ngày 5-5, Trung tâm báo chí TP.HCM khánh thành sau gần 2 năm chuẩn bị. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy môi trường báo chí cởi mở, với những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc sẽ tìm được câu trả lời chính thống và kịp thời nhất.

Cung cấp thông tin dư luận quan tâm - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM cắt băng khánh thành Trung tâm báo chí TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông TỪ LƯƠNG - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, giám đốc trung tâm - khẳng định Trung tâm báo chí đóng vai trò đầu mối và sẽ hỗ trợ cho việc tác nghiệp báo chí, thông qua đó giúp thông tin nhanh những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc.

* Thưa ông, trước nay dù có cơ chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn khó tiếp cận với nhiều cơ quan nhà nước. Trung tâm báo chí liệu có giúp giảm được tình trạng này?

- Với chức năng quyền hạn của mình, Trung tâm báo chí có quyền tổng hợp thông tin từ cơ quan báo chí, đề nghị lãnh đạo TP.HCM, cơ quan chức năng cung cấp thông tin, như bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND, HĐND, MTTQ, thường vụ Thành ủy phụ trách, chỉ đạo lĩnh vực...

Nhìn chung khi có thông tin, sự kiện thì người dân luôn mong chờ tiếng nói chính thống từ các cấp lãnh đạo, các cơ quan lãnh đạo này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay dù đã có quy chế phát ngôn nhưng chỉ một số ít sở ngành, quận huyện chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, mà phần lớn là e ngại, né tránh báo chí. Báo chí không gặp được cơ quan nhà nước, không được cung cấp đầy đủ thông tin có thể dẫn tới suy luận chủ quan, làm thông tin méo mó đi.

Với hoạt động của mình, chúng tôi sẽ tạo ra thói quen mới cho các sở ngành, quận huyện chia sẻ thông tin với báo chí.

Cung cấp thông tin dư luận quan tâm - Ảnh 2.

Ông Từ Lương - Ảnh: TỰ TRUNG

* Liệu có thể thay đổi sớm điều đó hay không?

- Theo quy định, Trung tâm báo chí có chức năng đầu mối đề nghị lãnh đạo TP.HCM và các cơ quan chức năng cung cấp, định hướng thông tin về các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, bức xúc cho các cơ quan báo chí một cách công khai minh bạch.

Tôi lấy ví dụ một vụ việc gần đây, khi một bác sĩ ở Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM vòi tiền của bệnh nhân bị người ta bức xúc rượt chém. Vụ việc gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận, báo chí trong đó có báo Tuổi Trẻ phản ánh. Khi đó, vấn đề đặt ra là lãnh đạo TP, lãnh đạo Sở Y tế có nắm vụ việc chưa, quan điểm xử lý như thế nào? Cụ thể hơn, người dân cũng muốn biết bác sĩ đó là ai, khi xảy ra sự việc thì bệnh viện đã xử lý bác sĩ đó ra sao...

Với vai trò đầu mối, Trung tâm báo chí có thể liên hệ ngay với giám đốc Sở Y tế để có thông tin nhanh nhất. Từ đó, chúng tôi có thể soạn ngay một thông cáo báo chí, đưa lên website, email cho cơ quan báo chí. Trong tình huống khẩn cấp thì xử lý như vậy, nhưng chúng tôi hướng đến việc mời cơ quan đó đến trung tâm tổ chức họp báo, trên tinh thần đối thoại, cởi mở thẳng thắn nhìn vào sự thật.

Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, các nhân sự đều là người có kinh nghiệm, quen thuộc trong lĩnh vực báo chí, sẽ chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với một văn phòng sở, văn phòng UBND quận huyện tự đứng ra tổ chức một cuộc họp báo. 

Không chỉ cơ quan báo chí có lợi, được cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời, chính thống mà các cơ quan chức năng cũng sẽ nhìn thấy lợi ích của việc tiếp cận báo chí thông qua trung tâm. Vì vậy, tôi tin rằng Trung tâm báo chí sẽ có thể làm tốt chức năng đầu mối thông tin của mình.

* Còn với các nhà báo, theo ông, trung tâm sẽ hoạt động thế nào để các nhà báo có thể gắn bó với hoạt động của trung tâm?

- Trung tâm báo chí là một thiết chế hoàn toàn mới chưa từng có ở Việt Nam. Quá trình tham gia chuẩn bị thành lập trung tâm, được Thành ủy hết sức ủng hộ, tiến độ rất nhanh, tôi cảm nhận rất rõ ràng thông điệp mà lãnh đạo TP muốn gửi gắm là TP.HCM luôn hỗ trợ và quan tâm toàn diện các nhà báo để họ có điều kiện tốt nhất để tìm hiểu, chia sẻ nắm bắt thông tin về TP.HCM. 

Chúng tôi cố gắng xây dựng trung tâm thành một mái nhà, thành "tòa soạn thứ 2" của nhà báo. Các nhà báo có thể đến bất cứ khi nào, từ 8h-20h, khi có sự kiện có thể kéo dài hơn.

Công khai, minh bạch, không giới hạn

Chiều 5-5, Trung tâm báo chí TP.HCM khánh thành, chính thức đi vào hoạt động. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đã tới dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Trung tâm báo chí thực hiện tốt chức năng cung cấp thông tin cho báo chí, trả lời nhanh nhất, chuẩn mực nhất câu hỏi của báo chí hằng ngày, không chờ đến người phát ngôn trả lời định kỳ hằng tháng.

"TP.HCM cam kết sẽ đồng hành với các cơ quan báo chí, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cơ quan báo chí, các nhà báo có thể tiếp cận thông tin chính xác, nhanh chóng, theo phương châm công khai, minh bạch, không giới hạn chủ đề, không có vùng cấm, các nhà báo có thể nêu bất kỳ vấn đề quan tâm với TP.HCM" - ông Phong nói.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian tới tiếp tục có các buổi làm việc để trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí đúng với tinh thần TP.HCM đã cam kết. Cùng với đó sẽ tổ chức công bố nhiều thông tin hơn nữa mà báo chí và dư luận quan tâm cũng như những kết luận thanh tra chính thức cũng được công khai tại Trung tâm báo chí.

Đủ sức phục vụ các sự kiện tầm cỡ quốc tế

Trung tâm báo chí TP.HCM đặt tại hai tầng 5 và 6 cao ốc 255 Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, quận 1). Mỗi tầng rộng hơn 700m2, được đầu tư hiện đại, khoa học với hệ thống nhận diện khuôn mặt, đường truyền Internet tốc độ cao.

Trước mắt, trong hai năm 2019-2020, Trung tâm báo chí gồm 2 phòng họp báo, một phòng 100 chỗ và một phòng 50 chỗ, một phòng họp cho khách VIP, một phòng tiếp phóng viên, một phòng làm việc của phóng viên, hai phòng chờ - giao lưu phóng viên, các phòng dịch vụ khác… Không chỉ tổ chức họp báo các sự kiện của TP.HCM mà ngay cả khi có các sự kiện quốc tế tầm cỡ, trung tâm cũng có thể đáp ứng được.

TPHCM đưa vào hoạt động trung tâm báo chí hiện đại TPHCM đưa vào hoạt động trung tâm báo chí hiện đại

TTO - Chiều 5-5, Trung tâm báo chí đầu tiên ở Việt Nam với thiết kế hiện đại, trang bị thiết bị tác nghiệp phục vụ cho người làm báo chính thức đi vào hoạt động. Tổng chi phí đầu tư trung tâm báo chí ban đầu ước tính khoảng 34,5 tỉ đồng.

MAI HOA - TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên