13/06/2018 07:23 GMT+7

Cụm Y tế Tân Kiên: 'Đón đầu nhu cầu người bệnh'

HOÀNG LỘC thực hiện
HOÀNG LỘC thực hiện

TTO - Để giảm tải ngành Y tế TP.HCM đang đồng loạt đầu tư xây dựng mới, mở rộng nhiều tuyến bệnh viện. Đặc biệt, Cụm Y tế Tân Kiên (Bình Chánh) đang triển khai được kỳ vọng giúp TP “cất cánh” trở thành Trung tâm Y tế lớn nhất nước và cả khu vực.

Cụm Y tế Tân Kiên: Đón đầu nhu cầu người bệnh - Ảnh 1.

GS.TS.BS NGUYỄN TẤN BỈNH – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân được thụ hưởng gì từ các bệnh viện trị giá triệu đô? Tính hiệu quả và tiến độ triển khai các dự án này đến đâu? Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, GS.TS.BS NGUYỄN TẤN BỈNH – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói:

Thực trạng quá tải ở các bệnh viện, đặc biệt ở TP.HCM và Hà Nội đang là một vấn đề quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. 

Quá tải kéo theo chất lượng điều trị, thái độ phục vụ giảm sút gây phiền hà cho người bệnh. Vì vậy, việc "truy tìm" nguyên nhân quá tải càng trở nên cấp thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tránh "khởi công mà không hoàn thành"

* Từ năm 2015, UBND TP phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Cụm Y tế Tân Kiên (Bình Chánh). Ông có thể nói rõ hơn về kỳ vọng của Cụm Y tế này?

Thực ra, từ năm 2008 Cụm Y tế Tân Kiên được manh nha quy hoạch thành Trung tâm Y tế kỹ thuật cao (còn gọi là Trung tâm Y tế Viện - Trường). 

Lúc đầu quy hoạch chỉ 54 ha nhưng sau đó mở rộng lên 74ha. Cụm này được quy hoạch xây dựng theo mô hình y tế xanh khi dành hẳn 19ha cho khu công viên, vệ sinh, bãi xe công cộng, sân thể dục thể thao và nhà lưu trú cho thân nhân bệnh nhân...

Tại sao lại quy hoạch lớn như vậy? Lãnh đạo các cấp và ngành y tế kỳ vọng cụm này trở thành một trung tâm y tế hiện đại và đồng bộ từ khâu đào tạo, nghiên cứu, thực hành đến hỗ trợ khám, điều trị bệnh…nhằm đón đầu người bệnh từ 19 tỉnh Nam bộ với khoảng 30 triệu dân. 

Người bệnh thường muốn hỏi những cái họ lo ngại cho sức khỏe, nếu bác sĩ đáp ứng tốt cho nhu cầu này sẽ giảm được 30% bệnh tật của họ. Do đó, chúng tôi đang hướng tới việc bác sĩ dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe tâm tư của người bệnh thay vì lạnh lùng kê đơn bốc thuốc

GS.TS.BS NGUYỄN TẤN BỈNH – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

* Hiện nay mới chỉ có dự án Bệnh viện Nhi Đồng TP chính thức hoạt động vào ngày 1-6, còn các bệnh viện khác đang dậm chân tại chỗ?

Thực tế việc triển khai xây dựng các bệnh viện này còn chậm do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. 

Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng bởi ngân sách nhà nước đã giải ngân.

Cụ thể, khu đất rộng trên 12ha xây trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hiện còn vướng khoảng 10 hộ nằm ở khu vực mặt tiền đường Nguyễn Cửu Phú. 

Riêng dự án xây dựng Bệnh viện Truyền máu huyết học và Trung tâm Pháp y đến thời điểm này coi như giải tỏa xong, đang trong quá trình san lấp mặt bằng, trình Sở Xây Dựng phê duyệt bản thiết kế, dự toán. Nếu không có gì thay đổi khoảng tháng 8 - 2018 các dự án này sẽ đấu thầu xây dựng.

Bệnh viện Nhi Đồng TP quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỉ là một trong năm bệnh viện được Chính phủ đầu tư theo đề án 125. Có thể nói bệnh viện này đúng nghĩa là một bệnh viện công viên dành cho trẻ em vô cùng tuyệt đẹp được nhiều người dân mong đợi.  

GS.TS.BS NGUYỄN TẤN BỈNH - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lời về thực trạng và giải pháp phát triển của ngành y tế TP.HCM - Video: QUANG ĐỊNH

* Thưa ông, thực tế có nhiều bệnh viện khởi công nhưng không bao giờ hoàn thành. Liệu các dự án "triệu đô" trong Cụm Y tế Tân Kiên có đi theo "vết xe đổ" như dự án Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai ở Phủ Lý, Hà Nam?

Phải khẳng định Cụm Y tế Tân Kiên là dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng rất hiện đại mang tầm cỡ khu vực và Thế Giới. Điều này được xác nhận bởi các đối tác Châu Âu, chính họ đánh giá rất cao sự đầu tư chuẩn mực của nước ta. 

Như vậy, vấn đề quan tâm bây giờ là làm sao đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào hoạt động hiệu quả.

Tôi khẳng định khi giải quyết xong khâu giải phóng mặt bằng việc triển khai xây dựng các dự án bệnh viện này sẽ rất nhanh, kịp đưa vào hoạt động sớm nhất chứ không thể có chuyện công trình khởi công nhưng không bao giờ hoàn thành. 

Dự kiến đến năm 2020 các dự án trong cụm này cơ bản hoàn thành để đi vào hoạt động.

Cụm Y tế Tân Kiên hình thành là bước phát triển của ngành y tế TP nói chung và là cơ hội, bước phát triển cao hơn của Bệnh viện Bình Dân. Con đường quy hoạch phát triển ngành y tế như vậy theo tôi rất đúng hướng bởi đáp ứng được nhu cầu thực tế, cho phép ngành y tế từng bước hoàn thiện được các tiêu chuẩn của nền y học quốc tế.

TS.BS Trần Vĩnh Hưng – Giám đốc Bệnh viện Bình Dân

Tập trung đầu tư cho y tế cơ sở

* Ông có đề cập về mục tiêu của Cụm Y tế Tân Kiên là đón đầu người bệnh ở các tỉnh Nam bộ nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung tâm. Liệu rằng, khi các các dự án này đi vào hoạt động ông có dám chắc hết quá tải?

Theo tôi muốn giảm tải hiệu quả phải có chiến lược đồng bộ từ Bộ Y tế đến các tỉnh, thành cùng nhau giải được bài toán về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho y tế cơ sở.

Một thực tế là so với khu vực phía Bắc nguồn nhân lực ở khu vực phía Nam rất thấp, thiếu bởi có rất ít trường đào tạo Y khoa. 

Do vậy, muốn giảm tải thực sự Cụm Y tế Tân Kiên không chỉ là nơi điều trị, còn mang "sứ mệnh" đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho các bệnh viện ở TP.HCM và cả khu vực phía Nam.

Nguồn nhân lực ở đây phải được đào tạo chuẩn mực tùy theo phân tuyến, theo đúng vai trò chức năng của các bác sĩ để đáp ứng được nhu cầu thực tế. 

Hiện nay chúng ta rất cần nguồn bác sĩ đa khoa thực hành (bác sĩ gia đình) bởi lực lượng này đảm đương rất nhiều nhiệm vụ. Nếu thực hiện tốt sẽ có khoảng 80% lượng người bệnh được phục vụ ngay ở tuyến cơ sở khi đó tình trạng quá tải sẽ được giải quyết.

Theo Sở Y tế TP.HCM chỉ tiêu quy hoạch đất dành cho ngành y tế TP đến năm 2020 là 665 ha. Từ năm 2016 – 2020, đơn vị thực hiện tất cả 91 dự án (tổng 335.18ha) bằng các nguồn vốn ngân sách từ Trung ương, TP và theo hình thức đối tác công tư.

* Thực tế không phải cứ bệnh viện to là hết quá tải. Khi xây dựng mới, mở rộng các bệnh viện tuyến quận, huyện đơn vị có giải pháp gì căn cơ để thu hút nguồn nhân lực cũng như níu kéo người bệnh?

Phải nói rằng hiện nay TP đang đầu tư rất lớn cho mảng y tế cơ sở. Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho bệnh viện 24 quận, huyện và 322 trạm y tế phường xã, các vấn đề đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực được ngành quan tâm đặc biệt.

Một thực tế đang xảy ra là người bệnh mất niềm tin vào tuyến y tế cơ sở. Do đó, muốn níu kéo họ điều trị ắt hẳn phải có bác sĩ giỏi gieo lại niềm tin. Vậy muốn níu chân bác sĩ giỏi ở lại tuyến quận, huyện công tác thì phải làm sao? 

Ngành y tế TP ý thức được điều này để nắm bắt tâm lý, đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các bác sĩ nâng cao tay nghề. Ngoài ra, tạo môi trường làm việc thân thiện và có nguồn thu nhập đảm bảo.

Nhiều năm qua, trụ sở của bệnh viện nằm trên đường Phạm Viết Chánh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) chỉ là khu hoạt động tạm thời chứ đơn vị chưa có bệnh viện mới đúng nghĩa. Việc được quy hoạch xây dựng trụ sở trong cụm y tế có ý nghĩa rất lớn bởi bệnh nhân là người hưởng lợi đầu tiên khi không còn phải chen chúc, đơn vị có cơ hội đào tạo, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu phục vụ nghiên cứu, điều trị tốt hơn.

BS.CKII Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học

* Như vậy ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, con người - ngành Y tế TP làm gì để giảm bớt phiền hà, tăng độ hài lòng của người bệnh trong bối cảnh quá tải hiện nay?

Qúa tải ắt sẽ gây phiền hà cho người bệnh trong việc chờ đợi, đồng thời ảnh hưởng đến thái độ phục vụ, ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân. Đây là vấn đề quan tâm của ngành y tế cả nước. 

Để giải quyết vấn nạn này vừa qua Bộ Y tế ban hành bộ quy tắc ứng xử của nhân viên y tế, phối hợp với BHXH Việt Nam từng bước tinh giảm đơn giản hóa thủ tục, quy trình khám chữa bệnh.

Sở Y tế TP là đơn vị đầu tiên cả nước sáng tạo ra ki ốt khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh. Có thể nói đây là phong trào thiết thực, chấm điểm công khai thông qua công cụ khảo sát "đo" mức độ không hài lòng của người bệnh. 

Từ đó, kịp thời khắc phục, từng bước điều chỉnh tạo sự hài lòng thực sự bằng chất lượng khám chữa bệnh.

Ưu tiên xã hội hóa y tế

*Về xã hội hóa trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Thời gian qua đơn vị đã thực hiện và mang lại hiệu quả ra sao?

TP.HCM là địa phương có ngành y tế tư nhân lớn mạnh nhất cả nước với hơn 40 bệnh viện tư, gần 200 phòng khám đa khoa, bên cạnh các hình thức liên kết, hợp tác công và tư.

Để bớt quá tải, ngành y tế tạo TP luôn tạo điều kiện cho y tế tư nhân mở rộng cơ sở vật chất, cấp giấy phép và bổ sung nguồn nhân lực cho họ hoạt động tốt. Các cơ sở này đều được kiểm soát bằng quy chuẩn phân loại, công khai trên mạng để người dân có sự lựa chọn phù hợp.

HOÀNG LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên