Khi nhiễm cúm, người bệnh có thể cảm thấy ho khan, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và chảy nước mũi
Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền mãn tính (như tim mạch…), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Ngoài ra, theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), trong những mùa cúm gần đây, 9/10 người trưởng thành nhập viện do nhiễm cúm đều có ít nhất trong người 1 bệnh lý nền. Và trong số đó, có đến phân nửa là những người mắc các bệnh lý về tim mạch.
Ảnh hưởng của cúm mùa với người mắc bệnh tim mạch
Khi nhiễm cúm, các triệu chứng thường thấy là sốt, ho khan, nhức đầu, đau cơ và khớp, khó chịu trong người, đau họng và chảy nước mũi. Các cơn ho có thể trở nặng và kéo dài từ 2 tuần trở lên.
Hầu hết mọi người hồi phục sau cơn sốt và các triệu chứng khác trong vòng 1 tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, bệnh cúm mùa có thể gây bệnh nặng hoặc thậm chí có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như người có bệnh lý nền về tim mạch.
Theo CDC Hoa Kỳ, một báo cáo được thực hiện vào năm 2018 cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim đối với người bị nhiễm cúm tăng cao gấp 6 lần trong vòng một tuần kể từ khi kết quả nhiễm cúm được xác nhận. Những phát hiện này rõ ràng nhất đối với người lớn tuổi và những người đã từng trải qua cơn đau tim trước đó.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác được thực hiện năm năm 2020 cũng chỉ ra rằng trong hơn 80.000 người trưởng thành nhập viện vì bệnh cúm tại Hoa Kỳ (trong 8 mùa cúm từ 2010 - 2018) thì cứ 8 bệnh nhân nhập viện lại có 1 người có các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tim (chiếm khoảng 12% người bệnh).
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng cúm mùa có thể là tác nhân thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch trước đó.
Phòng ngừa bệnh cúm mùa hiệu quả
Tiêm ngừa cúm mùa mỗi năm là biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh và tránh các nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm do cúm gây ra, trong đó có các biến cố về tim mạch.
Điều này đã được cả WHO và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo ưu tiên tiêm phòng hằng năm đối với nhóm đối tượng có bệnh lý nền mãn tính như tim mạch.
Tiêm ngừa cúm mùa mỗi năm là biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp phòng ngừa cúm
Nói tiêm phòng cúm đặc biệt quan trọng với những người bệnh tim mạch hoặc những người đã từng bị đột quỵ là vì họ là nhóm đối tượng có nguy cơ cao chịu các biến chứng do cúm gây ra. Nghiên cứu cho thấy tiêm ngừa cúm có thể làm giảm nguy cơ các cơn đau tim từ 15 - 45%.
Do khả năng miễn dịch do vắc xin cung cấp giảm dần theo thời gian và vắc xin ngừa cúm được cập nhật liên tục mỗi năm để phù hợp với sự thay đổi của virus cúm mùa nên cần phải tiêm ngừa cúm hàng năm để đảm bảo duy trì khả năng bảo vệ tốt nhất cho cơ thể chống lại virus gây bệnh cúm mùa, điều này càng đặc biệt quan trọng nếu bạn hoặc người thân của bạn là những bệnh nhân tim mạch.
Đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng để được tư vấn loại vắc-xin cúm mùa phù hợp với bản thân và những người thân trong gia đình. Ngoài ra, bạn cũng nhớ rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh và đeo khẩu trang khi đến nơi đông người để phòng tránh bệnh cúm mùa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận