17/07/2017 09:48 GMT+7

Cục níu chân hãng, hành khách mòn mỏi đợi đường bay thẳng tới Mỹ

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Hãng Vietnam Airlines đã đủ chuẩn, nhưng vì Cục Hàng không Việt Nam chưa đạt chuẩn theo yêu cầu nên đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn chưa thể mở dù đã chuẩn bị chục năm nay.

Nhiều hành khách mệt mỏi khi phải chờ đợi ở sân bay nước ngoài để được nối chuyến bay sang Mỹ - Ảnh: Châu Anh
Nhiều hành khách mệt mỏi khi phải chờ đợi ở sân bay nước ngoài để được nối chuyến bay sang Mỹ - Ảnh: Châu Anh

Trong suốt hàng chục năm qua, việc mở đường bay thẳng đi Mỹ chưa thể thực hiện, khiến hãng bay Việt Nam vẫn phải chuyển khách cho hãng khác tại sân bay quá cảnh.

Cục níu chân hãng, hành khách mòn mỏi đợi bay

Năm 2003, Hiệp định hàng không Việt Nam - Mỹ ký kết cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa hai nước.

Khi đó, nhiều người dân phấn khởi vì có đường bay thẳng sẽ bay nhanh hơn, bay hãng bay Việt cũng được phục vụ phù hợp với thói quen người Việt Nam.

Việc thiết lập đường bay thẳng đi Mỹ được Chính phủ Việt Nam giao Bộ Giao thông - Vận tải xúc tiến nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện thực hóa.

Để được bay đến Mỹ, hiện tại còn vướng một khâu: Cục Hàng không Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn giám sát của FAA, cụ thể là phải được phê chuẩn mức 1 (CAT1).

Do Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa đạt được điều này nên đã “níu chân” việc mở đường bay hàng chục năm nay.

Đáng lưu ý, trong một ký kết với Boeing vào năm 2015 thì quý 4-2015, Cục Hàng không Việt Nam sẽ đạt CAT1 song việc này đã được lùi đến quý 3-2016.

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đồng ý cấp 40.000 USD để Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với FAA tiến hành đợt rà soát kỹ thuật, theo tính toán, kết thúc vào tháng 5-2017, nhằm đánh giá tổng thể năng lực giám sát an toàn của Cục Hàng không Việt Nam theo các quy định của ICAO.

Sắp “vượt vũ môn”?

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, việc mở đường bay trực tiếp đến Mỹ là công việc hết sức khó khăn, không đơn giản như nhiều người nghĩ...

Muốn nhận giấy phép mở đường bay thẳng đến Mỹ, các hãng hàng không phải là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn khai thác bay (IOSA), phải có chứng chỉ mở rộng tầm khai thác khi bay qua biển đối với máy bay hai động cơ...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết ICAO vừa tiến hành đợt thanh tra về an toàn và đánh giá Cục Hàng không Việt Nam đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của ICAO.

Chứng chỉ đã được chủ tịch ICAO trao tại Bộ Giao thông - Vận tải ngày 6-7.

“Hiện VNA đã gửi hồ sơ đến FAA và chờ thông tin chính thức, dự kiến sớm nhất đến quý 3-2017” - ông Thắng nói và khẳng định đợt này đã chuẩn bị rất kỹ, chắc chắn sẽ đạt CAT1.

Để chuẩn bị cho đợt rà soát của FAA, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã chuẩn bị khá công phu, kéo dài nhiều năm để nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không.

Trong đó, việc quan trọng đầu tiên phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu hướng dẫn liên quan đến an toàn và giám sát an toàn...

Tuy nhiên, một chuyên gia hàng không cho rằng hàng không Việt Nam cần lưu ý nhiều vấn đề về an ninh hàng không như tình trạng chiếu tia laser, nhân viên không lưu ngủ quên...

“Phải chỉnh sửa thật tốt nếu muốn mở đường bay thẳng từ Việt Nam qua Mỹ” - vị chuyên gia này nói.

Phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn

Theo Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), cơ quan quản lý hàng không dân sự các nước (CAA) sẽ bị xếp vào hạng hai (đồng nghĩa hãng bay của nước đó nếu chưa hoạt động ở Mỹ, sẽ không được bay thẳng đến Mỹ) nếu được xác định thiếu một hoặc nhiều hơn các tiêu chuẩn sau:

1- Thiếu luật hoặc quy định cần thiết để hỗ trợ việc cấp chứng nhận hoặc giám sát các hãng hàng không theo các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu.

2- CAA thiếu chuyên môn kỹ thuật, nguồn lực và tổ chức để cấp phép hoặc giám sát các hoạt động của hãng hàng không.

3- CAA không có nhân sự kỹ thuật đạt yêu cầu hoặc được đào tạo phù hợp.

4- CAA không cung cấp chỉ dẫn thanh tra phù hợp để đảm bảo việc thực thi và tuân thủ các quy định hàng không quốc tế tối thiểu.

5- CAA có hồ sơ và lý lịch không đạt yêu cầu về việc cấp chứng nhận và liên tục thiếu theo dõi và giám sát các hoạt động của hãng hàng không.

TRẦN PHƯƠNG

Hành khách sẽ bớt phải chờ đợi

Nếu đường bay thẳng Việt - Mỹ thành hiện thực, hành khách sẽ bớt phải chờ đợi mệt mỏi. Hiện Vietnam Airlines đã khai thác các đường bay đi/đến Mỹ với tần suất 7 chuyến/tuần dưới hình thức bay liên danh.

Thời gian chờ để chuyển máy bay nếu chặng bay có một điểm dừng khoảng 3-5 giờ, tổng thời gian bay khoảng 17h. Nếu có 2 điểm dừng và chuyển đổi sân bay, tổng thời gian có thể kéo dài 25-38 giờ.

Theo kế hoạch của VNA, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ mở đường bay thẳng đến bờ tây nước Mỹ với hai địa điểm đang được “đong đếm” là San Francisco hoặc Los Angeles.

Hành trình bay sẽ có một điểm dừng kỹ thuật là Tokyo hoặc Osaka (Nhật Bản).

Tại đây, máy bay sẽ được tiếp nhiên liệu, cung cấp suất ăn, thời gian tối đa khoảng một giờ và hành khách không phải xuống máy bay.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết hãng đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ Giao thông Hoa Kỳ.

Trên cơ sở đánh giá CAT1 của FAA, Vietnam Airlines sẽ nghiên cứu, lập kế hoạch bay đến Hoa Kỳ vào thời điểm thích hợp, mục tiêu là năm 2019.

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên