20/04/2018 12:06 GMT+7

Cuba bắt đầu một kỷ nguyên mới

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Gần như không ai biết đến ông Miguel Díaz-Canel trước đây. Năm 2018, ông bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông và đến tận tháng 3 vừa rồi, người dân Cuba mới biết đến ông cặn kẽ.

Cuba bắt đầu một kỷ nguyên mới - Ảnh 1.

Ông Miguel Díaz-Canel bắt tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Havana, Cuba ngày 29-3-2018 - Ảnh: Reuters

Ông Miguel Díaz-Canel là cái tên duy nhất được Quốc hội xướng lên và phê chuẩn đảm nhiệm trọng trách chủ tịch nước, thay nhà lãnh đạo Raúl Castro từ ngày 19-4.

Hiện đại - kiên định

Tân chủ tịch nước Cuba sinh ngày 20-4-1960 trong một gia đình công nhân nhà máy ở Santa Clara, miền trung Cuba. Sau khi tốt nghiệp Đại học miền Trung Las Villas năm 1982, ông tham gia Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba trong 3 năm và từng làm bộ trưởng giáo dục.

Cao to, vai rộng và điển trai như diễn viên điện ảnh, việc ông Díaz-Canel nghe nhạc rock, ủng hộ quyền cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới, bênh vực các nhà nghiên cứu, blogger và sử dụng iPad khiến ông mang dáng vẻ của một người hiện đại, cởi mở dù bên trong kiên định với tư tưởng Marx - Lenin.

Trong những lần hiếm hoi phát biểu trước công chúng trước đây, ông Díaz-Canel luôn khẳng định niềm tin mạnh mẽ của mình với tư tưởng Marx - Lenin. Ông cũng là người phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc. Trong bài phát biểu vào ngày 8-10-2017, kỷ niệm 50 năm ngày mất của người anh hùng Che Guevara, ông đã chỉ trích gay gắt việc Mỹ đòi Cuba "đa đảng" và nhắc lại: "Không bao giờ được tin tưởng chủ nghĩa đế quốc, dù là một chút nào".

Trong một đoạn video quay một cuộc họp của Đảng Cộng sản bị rò rỉ ra ngoài vào mùa hè năm 2017, ông Díaz-Canel nói về việc kiểm duyệt Internet, cấm các ứng cử viên đối lập tham gia chính quyền, cam kết đóng cửa một số cơ quan truyền thông độc lập và cho rằng một số đại sứ quán châu Âu là tiền đồn của hoạt động lật đổ chính quyền của nước ngoài.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez gần đây cho biết: Sẽ có một phần đổi mới nhưng cũng có một phần tiếp nối, bởi ông Raúl Castro sẽ tiếp tục "đồng hành với người kế nhiệm" trong vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba.

Tôi hi vọng vị chủ tịch mới sẽ tiếp nối những gì mà lãnh tụ Fidel Castro của chúng tôi đã làm

Bà Luisa Pacheco (65 tuổi, giáo viên)

Cuba bắt đầu một kỷ nguyên mới - Ảnh 3.

Nhân viên trong nhà hàng ở thủ đô Havana theo dõi thông tin về cuộc họp Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới vào ngày 18-4 - Ảnh: REUTERS

Nguyện vọng của dân

Tờ Financial Times ngày 19-4 trích lời một nhà ngoại giao châu Âu ở Havana dự đoán sẽ không có sự thay đổi nào dưới thời Díaz-Canel, nhiều khả năng ông sẽ dành năm đầu tiên củng cố vị trí của mình: "Nhưng rồi ông ấy sẽ phải làm gì để ít nhất là tạo ra một cảm giác cải thiện cuộc sống cho người dân, kể cả khi ông thiếu phương tiện để làm như vậy".

Viện Nghiên cứu chính sách Brookings, Mỹ vào đầu tuần này cho rằng mối quan hệ của Cuba với Mỹ nhiều khả năng sẽ đi từ xấu đến xấu hơn trong tương lai, do những nhân vật cốt cán trong Chính phủ Mỹ từ giám đốc CIA Mike Pompeo đến tương lai là ngoại trưởng, phó tổng thống và tổng thống đều có quan điểm rất rắn với Cuba.

Trước thềm chuyển giao quyền lực tại Cuba, ngày 9-3 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio đã kêu gọi Nhà Trắng "tố cáo người kế nhiệm Castro là bất hợp pháp trong trường hợp không có bầu cử tự do, công bằng và đa đảng, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ quyền của người Cuba quyết định tương lai của họ". Đáp lại, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã gọi Mỹ là nước đế quốc, tố cáo Mỹ lũng đoạn chính trị và mafia Miami đã che giấu những phần tử khủng bố chống Cuba.

Theo AFP từ La Habana, người dân Cuba quan tâm đến sự kiện chính trị này. Cô Melissa Mederos - giáo viên, 21 tuổi - nói: "Tôi muốn giữ vững tư tưởng của Chủ tịch Fidel Castro vì ông ấy đã làm rất nhiều cho nhân dân Cuba, nhưng chúng tôi cần trẻ hóa nền kinh tế. Ông Díaz-Canel cần nỗ lực để phát triển kinh tế, vì cuộc sống của người dân cần cải thiện hơn một chút".

Nghệ sĩ, nhà cựu ngoại giao Hector Pascual Gallo Portieres, 93 tuổi, cho biết ông hi vọng thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ trung thành với anh hùng dân tộc Jose Marti và con đường lãnh tụ Fidel Castro đã khởi xướng. Tương tự, ông Armando Ricart Batista - giáo viên, cựu võ sĩ và diễn viên, 65 tuổi - nói ông hi vọng thế hệ lãnh đạo mới sẽ tiếp bước những lý tưởng của nhà Castro.

Ông Miguel Díaz-Canel chính thức trở thành chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng bộ trưởng Cuba, kế nhiệm ông Raúl Castro sau phiên bỏ phiếu của Quốc hội khóa IX kết thúc lúc 20h ngày 19-4 (giờ Việt Nam).

Ông Díaz-Canel nhận được 603 phiếu, tương đương 99,86% số phiếu bầu.

Vị chính trị gia 57 tuổi là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba từ năm 2003, từng giữ chức bộ trưởng Bộ Đại học từ năm 2009-2012 trước khi trở thành phó chủ tịch thứ nhất Cuba từ năm 2013.

Ngoài ra, Quốc hội Cuba cũng đã bỏ phiếu nhất trí với các đề cử khác của Hội đồng nhà nước do Ủy ban đề cử quốc gia đưa ra trước đó, gồm đồng chí Salvador Valdes Mesa, 72 tuổi, giữ chức phó chủ tịch thứ nhất và 5 phó chủ tịch là Ramiro Valdes Menendez, Roberto Tomas Morales Ojeda, Gladys Maria Bejerano Portela, Ines Maria Capman và Beatriz Jhonson.

Quốc hội chính quyền nhân dân Cuba khóa IX bắt đầu nhóm họp từ ngày 18-4, cũng là phiên họp đầu tiên của 605 đại biểu Quốc hội mới được bầu chọn trước đó một tháng, vào ngày 11-3.

Trong phiên họp kéo dài hai ngày tại Cung hội nghị ở thủ đô Havana, các đại biểu Quốc hội mới đã tuyên thệ và bỏ phiếu lựa chọn 31 thành viên của Hội đồng nhà nước, chủ tịch nước và các phó chủ tịch. (TUẤN SƠN)

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên