07/09/2015 09:09 GMT+7

​Của ăn và cục nợ

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Người dân và doanh nghiệp vừa nhận một tin không vui khi ba tập đoàn Than - khoáng sản, Dầu khí và Điện lực cùng kêu phát sinh khoản chênh lệch tỉ giá lên đến cả chục ngàn tỉ đồng.

Doanh nghiệp đã kêu, để không bị lỗ thì sớm hay muộn khoản này cũng được tính vào giá điện để mọi người cùng chi trả.

Đã thành lệ, cứ tăng tỉ giá là có sức ép phải tăng giá điện. Sòng phẳng ra với mọi doanh nghiệp, khi tăng tỉ giá, thêm khoản phải trả thì việc tính vào giá để không bị lỗ là bình thường.

Thế nhưng với ngành điện thì lại khác, có vẻ như mọi thứ dồn lại, lâu lâu các đơn vị sản xuất điện công bố có khoản lớn phải trả do chênh lệch tỉ giá, phải đưa vào chi phí và tăng giá bán để không bị lỗ.

Làm thế này khác gì đẩy quả núi xuống ao nước, tạo ra sóng khủng lên giá cả, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Tình trạng này đã tạo trong người dân cách nhìn không hay về các tập đoàn nhà nước mỗi khi họ đề xuất tăng giá điện để làm lành mạnh tình hình tài chính của tập đoàn.

Có cách nào để giảm thiểu sự tác động của tỉ giá lên giá điện? Có, đó là phải giải quyết hài hòa bài toán sử dụng vốn ngoại tệ, biết phòng ngừa bất trắc về tỉ giá, tạo ra của để dành phòng khi khó khăn.

Bởi lẽ chuyện vay nợ bằng ngoại tệ có lúc như miếng ngon nhưng lắm khi cũng là cục nợ. Khi nào là miếng ngon?

Đó là khi doanh nghiệp xây nhà máy điện vay vốn bằng ngoại tệ có lãi suất rẻ hơn nhiều so với vay bằng VND nên chi phí thấp, lợi nhuận cao, lương thưởng rủng rỉnh, giá điện cũng không quá cao. Nhưng vay ngoại tệ cũng có mặt trái, nếu tỉ giá tăng thì khoản phải trả cũng tăng lên.

Thay vì tìm cách làm dịu lại hoặc phân tán những khoản phát sinh do tỉ giá tăng thì doanh nghiệp ôm đó, dồn lại, cho đến khi khoản nợ quá lớn phải đưa vào giá thành, việc vay vốn ngoại tệ lãi suất rẻ khi đó trở thành cục nợ.

Để tránh tình trạng này, cần chấm dứt cảnh no dồn, đói góp. Ở những thời điểm vốn ngoại tệ là miếng ngon, thay vì ăn hết, có thể ngắt ra một khoản làm của để dành, thậm chí có cơ chế để “của để dành” dồi dào hơn nhằm trang trải ở thời điểm vốn ngoại tệ trở thành cục nợ.

Khi ngắt ra một khoản để dự phòng, lợi nhuận sẽ ít đi, lương thưởng cũng giảm... nhưng doanh nghiệp không bị động khi tỉ giá tăng, Nhà nước cũng không quá vất vả điều hành giá điện sao cho ít tác động đến kinh tế - xã hội.

Nói khác đi, là trong quy trình vay và sử dụng vốn ngoại, cần bổ sung thêm một vế cho đầy đủ là “của ăn” - “của để dành” - nhằm xử lý “cục nợ”.

Cũng nên có cơ chế buộc doanh nghiệp tự phòng ngừa rủi ro tỉ giá chứ không thể có chuyện là tăng giá, đổ hết cho người tiêu dùng và Nhà nước.

Thiếu cơ chế này, chẳng khác nào doanh nghiệp sản xuất điện đang được bao cấp rủi ro tỉ giá trong khi xu hướng chung là kinh doanh điện phải theo thị trường.

Giá điện sẽ theo thị trường nhưng vẫn chịu sự điều tiết của Nhà nước. Tỉ giá VND với một số ngoại tệ có thể xuống nhưng với USD thì xu hướng là tăng.

Nhưng thời điểm này khác với giai đoạn lạm phát cao trước đây, vì vậy không thể điều hành giá điện tăng giật cục theo tỉ giá. Khi doanh nghiệp sản xuất điện tự phòng ngừa rủi ro tỉ giá, sức ép lên giá điện mới giảm đi.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên