Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trả lời kiến nghị của cử tri về đề nghị quy định chế tài nghiêm khắc về việc chó thả rông ở nơi công cộng, không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó và không có người dắt gây ảnh hưởng đối với người và môi trường xung quanh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện các quy định pháp luật về thú y, trong đó có quy định về phòng chống bệnh dại theo Luật thú y, thông tư số 7-2016 ngày 31-5-2016 của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.
Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo.
Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã quy định rất rõ chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã.
Chủ nuôi phải cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người.
Nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định. Từng bước áp dụng việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin dại.
Chính quyền các cấp thực hiện căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại và cưỡng chế tiêm vắc xin dại cho chó, mèo.
Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vắc xin dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật.
Những hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết sẽ thường xuyên thành lập các đoàn công tác đến các địa phương để đôn đốc công tác phòng chống bệnh dại, phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận