Ngày 12-5, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri công nhân lao động tại thành phố. Tại buổi tiếp xúc, câu chuyện chỗ ở cho người lao động trở nên thiết tha với nhiều kiến nghị nhức nhối hơn cả vấn đề bảo hiểm, thiết chế văn hóa.
Tháo rào cản thuế thu nhập cá nhân
Người lao động cho rằng bên cạnh nguồn cung ít, còn nhiều rào cản ngăn họ tiếp cận nhà ở xã hội. Theo cử tri Lê Văn Hùng, Liên đoàn Lao động quận Hải Châu, Luật Nhà ở quy định điều kiện được mua nhà ở xã hội là không đóng thuế thu nhập cá nhân. Hiện quy định này đang làm khó người lao động vì thực tế mức thu nhập tính thuế từ 11 triệu đồng/tháng hiện quá thấp.
Vật giá leo thang, người lao động để đảm bảo cuộc sống phải nỗ lực làm tăng ca, tăng giờ, mức thu nhập nhiều khi sẽ chạm đến con số bị đánh thuế và không được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, với mức thu nhập hơn 11 triệu đồng/tháng nếu vay mua nhà thương mại chi phí trả góp đã gần hết tiền lương hàng tháng, số tiền còn lại không đủ trang trải cuộc sống.
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại quy định này, nâng mức tính thuế để phù hợp với thực tiễn, giúp người lao động có thể tiếp cận nhà ở xã hội.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Đức Thuận, Liên đoàn Lao động quận Thanh Khê, nói hiện nhiều dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội chỉ áp dụng cho đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên lực lượng lao động bên ngoài khu công nghiệp cũng rất lớn, do đó cử tri này đề nghị cần bổ sung đối tượng này vào chính sách nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Công nhân hỏi cách vay gói 120.000 tỉ
Bộc bạch khó khăn chỗ ở của người lao động, cử tri Hồ Phi Bình, Liên đoàn Lao động quận Liên Chiểu, nói hiện phần đông người lao động trong các khu công nghiệp ở nhà trọ. Thời gian qua giá thuê tăng cao, nhiều khu phòng trọ tại dân cư hầu hết xuống cấp, nhếch nhác.
Cử tri Bình nói TP đã có chủ trương cho hộ gia đình vay vốn đầu tư, cải tạo phòng trọ cho người lao động thuê. Tuy nhiên, số vốn vay là khá nhỏ nên rất ít chủ phòng trọ tiếp cận gói vay vốn này.
Để đảm bảo chỗ ở cho công nhân, cử tri này đề nghị TP có chính sách trợ giá cho chủ nhà trọ để giảm giá thuê phòng cho công nhân. Đồng thời, có gói cho vay ưu đãi để hộ gia đình vay vốn cải tạo phòng trọ công nhân.
Cử tri Phùng Thị Thảo Yên, Công đoàn ngành y tế, nói rất phấn khởi khi nghe thông tin vừa qua Chính phủ có gói vay 120.000 tỉ để cho doanh nghiệp vay đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cho người lao động vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cử tri đề nghị thông tin về việc triển khai gói vay này và thủ tục để người lao động tiếp cận vốn vay.
Theo ông Trần Chí Cường, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng, thực tế đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Nhiều vấn đề cần quan tâm như việc làm, thu nhập và chất lượng cuộc sống, nhà ở và các thiết chế xã hội đáp ứng nhu cầu cơ bản người lao động.
Buổi tiếp xúc là diễn đàn để công nhân trực tiếp trao đổi, phản ánh thẳng thắn các trăn trở, tâm tư về những vấn đề quan tâm. Qua đó, đóng góp ý kiến xây dựng các dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi.
Những ý kiến của cử tri hôm nay là thông tin thiết thực để đoàn nghiên cứu các kiến nghị, giải pháp, đề xuất chính sách để giải quyết, hỗ trợ đời sống bà con.
Công nhân tố chủ đầu tư chậm giao nhà
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Thị Tường Vi, công nhân Công ty Mabuchi Motor, phản ánh tới đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng việc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh trễ hạn bàn giao nhà cho công nhân. Theo đó, hàng trăm công nhân mua nhà tại dự án này bị chủ đầu tư nhiều lần chậm trễ, kéo dài hạn giao nhà. Các công nhân bức xúc vì việc này khiến họ gặp nhiều khó khăn về kinh tế và chỗ ở, vừa phải trả tiền vay ngân hàng, vừa phải trả tiền thuê nhà trọ trong mấy năm nay. Do đó, kiến nghị chính quyền TP can thiệp để chủ đầu tư sớm giao nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận