14/06/2021 21:22 GMT+7

‘Cú đêm’ Bách khoa và tấm bằng xuất sắc

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - 'Sinh viên vẫn truyền tai nhau không trượt một môn không phải sinh viên Bách khoa. Mình thì nghĩ mất công học 5 năm thì phải cố lấy bằng giỏi', Trần Minh Duy Đạt vừa tốt nghiệp bằng xuất sắc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

‘Cú đêm’ Bách khoa và tấm bằng xuất sắc - Ảnh 1.

Trần Minh Duy Đạt sinh năm 1998, học K61, bộ môn kỹ thuật hàng không vũ trụ K61, Viện Cơ khí động lực, tốt nghiệp bằng xuất sắc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ra trường trước thời hạn một học kỳ - Ảnh: NVCC

Thời cấp ba, Trần Minh Duy Đạt học chuyên toán THPT Bắc Kạn, tự nhận mình "không có duyên với các cuộc thi học sinh giỏi", nên vừa đủ điểm vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Học tập theo múi giờ nước ngoài

Vào trường, Đạt nghe "huyền thoại" sinh viên Bách khoa ai cũng phải trượt một môn, mỗi năm Bách khoa cho 700 - 800 sinh viên thôi học, Đạt đã nghĩ "căng thế thì mình phấn đấu bằng khá là cùng".

Đạt tưởng tượng cảnh hàng dài cử nhân xếp hàng chờ xin việc, rồi lại được mấy cuốn sách self-help (tự giúp bản thân) cổ vũ nghĩ lớn, nên quyết tâm ra trường trước thời hạn với tấm bằng xuất sắc.

Bạn bè nói sở dĩ Duy Đạt lấy được bằng xuất sắc là nhờ hoạt động theo múi giờ của… Mỹ. Khi bạn bè đi ngủ thì Đạt thức đêm học tới 2-3h sáng. 

Duy Đạt giải thích: "Ký túc xá buổi tối ồn ào lắm, nên mình chuyển sang học đêm, mãi rồi thành quen. Sắp tới đi làm rồi, mình đang cố gắng điều chỉnh lại giờ giấc".

Sinh viên Đạt là một sinh viên gương mẫu, rất chăm chỉ và năng động. Ngoài việc học trên lớp, Đạt rất tích cực tham gia các hoạt động ở CLB và lab nghiên cứu từ năm thứ 2. Trong công việc và học tập Đạt luôn có kế hoạch và luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất mọi công việc từ việc nhỏ nhất. Đặc biệt, Đạt luôn có ý thức nỗ lực học hỏi và trau dồi bản thân.

PGS.TS Vũ Đình Quý, trưởng bộ môn kỹ thuật hàng không

Cái giá phải trả: Không nghỉ hè

Đạt nói cấp ba mình học không quá xuất sắc nên vào đại học phải cần cù bù lại. Đạt lên kế hoạch vào kỳ nghỉ hè sẽ giải quyết hết các đại cương, môn phụ, để dồn thời gian chính khóa cho những môn khó. Bài tập hôm nào Đạt làm luôn hôm đó, đến cuối kỳ anh chàng ra thư viện mua đề về luyện.

‘Cú đêm’ Bách khoa và tấm bằng xuất sắc - Ảnh 3.

Duy Đạt thí nghiệm hệ thống cứu hộ thiết bị bay không người lái UAV - Ảnh: NVCC

Khi học chuyên ngành có bài tập lớn, Đạt dành thời gian tìm tài liệu, tìm hướng nghiên cứu, cân nhắc khả năng mình sẽ làm được tới đâu. Đây là kinh nghiệm sau lần đầu tiên làm bài tập lớn không đạt hiệu quả như mong đợi.

"Mình không nghỉ hè vì thấy về quê chơi một, hai tháng khó bắt lại nhịp học tập. Mùa hè mình ở lại Hà Nội học tiếng Anh và một số môn", Đạt chia sẻ.

"Ngay từ đầu mình đã biết con đường mình đi và lập kế hoạch thực hiện. Nếu thấy môn nào điểm thấp, mình lập kế hoạch để nâng điểm những môn tiếp theo ngay", Đạt chia sẻ bí quyết duy trì nhịp độ học hành căng thẳng này.

Giấc mơ bay và những suy nghĩ thực tế

Khi còn học phổ thông, sau khi xem chương trình về vụ tai nạn thảm khốc tàu con thoi Columbia của Mỹ, Đạt bắt đầu nuôi ước mơ trở thành phi công. Nhưng vì chi phí học quá đắt đỏ nên Đạt chuyển hướng sang nghiên cứu các thiết bị bay. 

Đạt đã chọn bộ môn kỹ thuật hàng không vũ trụ, Viện Cơ khí động lực, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho thỏa đam mê máy móc.

‘Cú đêm’ Bách khoa và tấm bằng xuất sắc - Ảnh 4.

Duy Đạt (trái) và bạn trong phòng thí nghiệm - Ảnh: NVCC

"Gia đình mình không quá khá giả nên khi chọn ngành, chọn trường mình phải suy nghĩ rất kỹ. Mình thấy mỗi kỳ tuyển sinh nhiều thí sinh nói: Cứ đỗ vào Bách khoa đã, còn vào ngành nào cũng được.

Bách khoa là môi trường tốt, nhưng học hành rất vất vả. Nếu từ đầu thí sinh chọn ngành không phù hợp với khả năng, học với tâm thế kết quả thế nào cũng được thì dễ bị thi lại hoặc dần chán nản", Đạt tự nhận mình là người rất thực tế và cẩn trọng với ước mơ.

Trong trường, Đạt cùng các bạn đồng môn làm nghiên cứu hệ thống dù cứu hộ cho thiết bị bay không người lái UAV. Hệ thống dù cứu hộ giúp UAV hạ cánh an toàn trong trường hợp trục trặc kỹ thuật.

Để thiết bị UAV tầm 5kg tiếp đất an toàn thì cần phải nghiên cứu được lực cản của dù, nên trong đồ án tốt nghiệp Đạt tiếp tục nghiên cứu các yếu tố liên quan ảnh hưởng đến lực cản của dù.

Ra trường sớm và không muốn phụ thuộc vào bố mẹ, Trần Minh Duy Đạt quyết định sẽ đi làm trước kết hợp học thạc sĩ. Sau 3-4 năm, Đạt sẽ quyết định chọn hướng nghiên cứu để học tiến sĩ.

Trần Minh Duy Đạt nhận được học bổng tài năng của Bách khoa đều đặn trong các năm học, ngoài ra Đạt từng nhận học bổng Toyota, học bổng Posco Asia Fellowship. Đạt là Sinh viên 5 tốt cấp thành phố năm 2020.

'Chuyên gia săn học bổng' nhận học bổng danh giá của Pháp

TTO - Thái Ngọc Anh xứng danh "chuyên gia săn học bổng". Chỉ trong vòng 5 năm đại học, cô nhận được 4 học bổng để trang trải học phí. Trước khi ra trường, cô giành được học bổng danh giá tới Pháp làm thạc sĩ.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên