01/05/2024 12:00 GMT+7

Cự cãi vì nhân viên đổ xăng làm chẵn số tiền lẻ: Khách hàng làm khó nhân viên?

Có hai luồng ý kiến quanh chuyện nhân viên đổ xăng tự ý làm tròn số tiền lẻ. Nhóm ý kiến cho rằng đừng xem thường tiền lẻ, trong khi nhóm còn lại khuyên không nên vì vài trăm đồng mà chuốc lấy bực mình.

Nhân viên cây xăng đổ xăng cho một khách hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhân viên cây xăng đổ xăng cho một khách hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Một khách hàng đã cãi nhau với nhân viên cây xăng khi đổ 4 lít xăng, số tiền phải trả là 96.400 đồng nhưng nhân viên đổ xăng bắt trả 97.000 đồng.

Câu chuyện dấy lên tranh luận của rất nhiều bạn đọc, với hai luồng ý kiến khác nhau.

Đừng xem thường tiền lẻ

Là người trong cuộc, bạn đọc Long chia sẻ thêm: "Chuyện này không chỉ ở một cây xăng mà tôi thấy nhiều cây xăng khác cũng làm tròn số tiền lẻ kiểu như vậy. Thắc mắc thì nhân viên không thèm trả lời".

Theo bạn đọc Hùng: "Vài trăm đồng không lớn nhưng mỗi ngày cây xăng đổ cho hàng ngàn khách, với cả hệ thống cây xăng thì số tiền lẻ là không nhỏ". Vì vậy theo bạn đọc này, "chuyện nhỏ mà không nhỏ chút nào đâu".

Đồng tình với bạn đọc Hùng, bạn đọc Tấn Luân cũng nhận định: "Thấy vài trăm đồng nhưng vài ngàn người, vài trăm ngày cứ nhân lên là nhiều đó".

Cãi nhau vì vài trăm tiền lẻ, tốn công chữa lành

Ở chiều ngược lại, nhiều bạn đọc cho rằng không nên vì mấy trăm đồng tiền lẻ mà đặt nặng vấn đề làm khó nhau, mất thời gian và chuốc lấy bực tức không cần thiết.

"Câu chuyện này của khách đổ xăng sẽ đúng về lý nhưng về tình đáng trách quá. Không thanh toán online, thanh toán tiền mặt thì lẻ mấy trăm đồng sẽ rất khó thối, nhân viên kêu đổ thêm cho tròn tiền cũng không chịu. Tôi cạn lời với các "thượng đế" này", bạn đọc Song Toàn nhận xét.

Nhiều bạn đọc cũng góp ý rằng cần đơn giản hóa mọi chuyện bởi "tính quá hại não, stress, mất công đi chữa lành tốn nhiều tiền hơn".

Theo bạn đọc Cự Giải: "Nếu muốn chính xác thì cứ bảo đổ 50.000 - 70.000 - 100.000 là đúng y chang thôi. Thấy nhiều người kêu đổ theo lít hoặc đổ đầy bình. Như thế số tiền chắc chắn sẽ ra số lẻ vài trăm đồng. Nói ra thì đụng chạm, chứ vài trăm đồng bạc lẻ mà cũng mất thời gian cự cãi rồi tức giận, thì có đáng không?".

Trả lời câu hỏi này, bạn đọc tên Phúc, bạn đọc tên Lan đều cho rằng: Mấy trăm đồng không đáng tốn thời gian như vậy. Thời gian cũng là tiền. Vừa làm bản thân mất thời gian, vừa làm bao nhiêu người khác mất thời gian cùng. Ai mà cũng máy móc như vậy thì cả xã hội bị kéo lùi tốc độ phát triển hết.

Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Thư Đào góp thêm: "Dù rằng tiền bạc phải rõ ràng, minh bạch, nhưng đôi khi cũng không nên quá cứng nhắc và chi li. Mấy trăm đồng đó anh bạn đổ xăng kia cũng không nên cò kè, chẳng đáng bao nhiêu".

Nhiều bạn đọc cũng chia sẻ với nhân viên đổ xăng.

Bạn đọc Trong và Đào Đức Sơn cho rằng: "Kể ra sòng phẳng chính xác là tốt nhất, nhưng chênh lệch dưới 1.000 đồng thì hiện nay làm gì có tiền lẻ để trả lại? Thiệt thòi một chút có sao đâu? Thôi khách hàng thông cảm đi, miễn không bị gian lận là OK rồi".

"Sao lại cãi chỉ vì vài đồng tiền lẻ. Tôi sinh ra ở Sài Gòn và tôi luôn trả thêm cho mọi dịch vụ mà tôi sử dụng, trả taxi tôi luôn làm chẵn lên, shipper giao hàng tôi luôn làm chẵn lên hoặc cho thêm 5.000 đồng. Đổ xăng tôi luôn gọi số tiền chẵn, nếu nhân viên vô ý đổ dư tôi sẵn sàng trả thêm, không phàn nàn gì, thậm chí họ làm tràn tôi cũng không nỡ trách, nghề độc hại mà", bạn đọc tên Minh góp thêm.

Tài khoản Phạm Thiết Hùng cũng nêu suy nghĩ của mình: "Mua xăng dầu, hàng hóa dịch vụ khác ở Việt Nam, số tiền khách hàng phải thanh toán thêm dưới một ngàn đồng hãy coi như bù đắp một phần hao hụt cho nhân viên bán hàng. Trong đó có mặt hàng xăng dầu dễ bốc hơi".

Quy định rõ ràng về tiền lẻ, khuyến khích thanh toán không tiền mặt

"Người nọ bù người kia và tỉ lệ những tình huống như vậy là ít vì đa số mọi người sẽ đổ theo số tiền chẵn (30.000, 50.000...), theo tôi nó thực sự chẳng đáng là bao nhiêu và có thể không thành câu chuyện nếu có máy POS in mã QR ra cho khách quét để thanh toán", bạn đọc Cá Gỗ nhận xét.

Trong khi đó, bạn đọc Hùng có cái nhìn toàn diện về việc này: "Không biết ở các tỉnh thành khác như thế nào. Tôi đổ xăng ở TP.HCM dùng thanh toán qua thẻ hay chuyển khoản online tiện lợi cũng chẳng ảnh hưởng tới ai. Cụ thể:

+ Cây xăng Petrolimex thì có nhiều máy quẹt thẻ (mã QR) để chuyển khoản, nếu bạn có vấn đề gì có thể vào phía văn phòng phía trong.

+ Cây xăng Comeco muốn thanh toán online thì bạn vào phía trong văn phòng thanh toán và không ảnh hưởng tới người phía sau.

+ Cây xăng tư nhân thường sẽ không chấp nhận thanh toán chuyển khoản. Trường hợp chờ là do thiết bị thanh toán bên cây xăng có trục trặc nên mới chờ.

Trường hợp này thì không phải lúc nào cũng xảy ra. Và nếu có xảy ra thì cây xăng Petro hay Comeco đều có văn phòng phía trong. Vào phía trong giải quyết, tại sao lại đứng phía ngoài làm mất thời gian".

Để tránh cự cãi như câu chuyện trong bài viết, bạn đọc có địa chỉ email vict... @gmail.com đề xuất 3 giải pháp:

"Một, khách hàng nên sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử để tránh xảy ra tình trạng làm tròn số tiền lẻ.

Hai, cần có quy định rõ ràng về việc làm tròn số tiền lẻ khi đổ xăng để bảo vệ quyền lợi của cả khách hàng và doanh nghiệp.

Ba, cần nâng cao nhận thức của cả khách hàng và doanh nghiệp về vấn đề này để có thể đưa ra giải pháp phù hợp".

Dùng điện thoại để thanh toán khi đổ xăng có an toàn?Dùng điện thoại để thanh toán khi đổ xăng có an toàn?

Nhiều cây xăng hiện cho thanh toán không dùng tiền mặt qua điện thoại, tuy nhiên vẫn có nơi đặt biển cấm dùng điện thoại để đảm bảo an toàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên