Vậy xét về mặt khoa học, có thể dùng điện thoại ở cây xăng không?
"Chưa có bằng chứng rõ ràng"
Nhật báo Strait Times của Malaysia ghi nhận ý kiến các chuyên gia khẳng định vi sóng từ điện thoại gây ra cháy nổ chỉ là một giả thuyết được lan truyền từ những năm 1990, nhưng đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng.
Tiến sĩ Chandima Gomes chuyên ngành kỹ thuật điện của Đại học Putra Malaysia (UPM) cho biết về mặt lý thuyết, vi sóng có thể tạo ra tia lửa khi tiếp xúc với kim loại, nhưng sóng phát ra từ điện thoại quá yếu không thể gây nổ.
Tiến sĩ Gomes giải thích sóng vi sóng từ điện thoại di động có cường độ rất thấp, chỉ khoảng 2,45GHz. Để tạo ra loại tia lửa điện, bạn cần một lò vi sóng có công suất rất cao.
"Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy lượng bức xạ của điện thoại di động đủ để tạo ra một tia lửa", tiến sĩ Gomes nói.
Ngoài ra bài viết trên trang Science ABC cho biết điện thoại di động phát ra năng lượng rất thấp, thường từ 0,1 đến 2 watt, không đủ để đốt cháy hơi xăng. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với các thiết bị gia dụng thông thường, như lò vi sóng hoạt động ở mức công suất khoảng 800 đến 1.000 watt.
Chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng MythBusters của Discovery Channel đã thực hiện một thí nghiệm để kiểm chứng. Nhóm thiết kế một buồng kín chứa đầy hơi xăng và đặt một chiếc điện thoại ở giữa buồng. Nhóm nhiều lần thử gọi vào chiếc điện thoại ấy, kết quả vẫn bình thường, không có nổ hay bốc cháy.
Trong khi đó, công ty Shell ở Anh cũng đã công bố một nghiên cứu liên quan tia lửa tần số vô tuyến từ điện thoại di động, kết luận rằng điện thoại di động được sử dụng đúng cách không gây ra mối nguy hiểm đáng kể trên các cây xăng.
Thay vào đó hút thuốc và đánh diêm mới là mối nguy hiểm hàng đầu.
Những vụ cháy khi dùng điện thoại ở cây xăng là vì sao?
Viện Thiết bị dầu khí (Mỹ) cho hay chưa ghi nhận trường hợp điện thoại di động gây cháy tại cây xăng.
Tiến sĩ Robert Renkes, từng giữ chức phó chủ tịch điều hành Viện Thiết bị dầu khí, cho biết một vài trường hợp tai nạn khi bơm xăng có sự xuất hiện của điện thoại di động nhưng điện thoại không phải là nguyên nhân trực tiếp. Thay vào đó, một nguyên nhân phổ biến là do tĩnh điện từ cơ thể người.
Sau khi điều tra hàng trăm vụ cháy, Renkes mô tả diễn biến phổ biến các vụ tai nạn trong trường hợp này là khi một người đang đổ xăng và quay vào trong xe để gọi điện. Khi vào trong, người lái xe cọ xát vào ghế, tạo ra tĩnh điện và tích điện vào cơ thể. Đến lúc quay trở ra, tĩnh điện chưa hết và họ đã chạm vào vòi bơm gây bắt lửa.
Năm 2010, một nghiên cứu của Viện Thiết bị dầu khí chỉ ra tích tụ tĩnh điện gây ra gần 50% vụ cháy trạm xăng được nghiên cứu. Chính vì thế Viện Thiết bị dầu khí thường đưa ra 3 lời khuyên cho tài xế ô tô lúc đổ xăng là tắt động cơ, không hút thuốc và không trở vào xe khi đang đổ xăng.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Chandima, tình huống tĩnh điện từ cơ thể người khó xảy ra ở nước có độ ẩm cao hạn như Malaysia, bởi độ ẩm cao sẽ tự động hấp thụ điện tích dư thừa trong cơ thể.
Tiến sĩ Chandima cho biết thêm một rủi ro khác, được cho là nguyên nhân chính của vụ hỏa hoạn tại một cây xăng Malaysia, là sạc điện thoại hoặc pin điện thoại kém chất lượng dễ gây cháy nổ trong thời tiết nắng nóng.
Vừa sạc pin vừa dùng điện thoại cũng gây nguy cơ cháy nổ.
Chia sẻ với truyền thông sau tai nạn trên, chủ tịch Hiệp hội Đại lý xăng dầu Malaysia Datuk Hashim Othman cho biết phương châm của các cây xăng dầu là "thà an toàn còn hơn tiếc nuối". Do đó, nhiều cây xăng vẫn đặt biển cấm dùng điện thoại di động trong các trạm xăng.
Tương tự các cuộc kiểm tra của Hiệp hội Công nghiệp dầu khí Anh (UKPIA) không tìm thấy bằng chứng trực tiếp nào liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động với cháy ở trạm xăng.
Theo cơ quan này, khuyến cáo không dùng điện thoại khi đổ xăng nhằm cảnh báo sự mất tập trung trong không gian đông đúc và tiềm ẩn nhiều rủi ro như trạm xăng có thể gây ra các tai nạn không đáng có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận