20/04/2014 09:41 GMT+7

CSGT một số nơi không "mặn" với trạm cân

TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG - THÁI LỘC
TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG - THÁI LỘC

TT - Các tỉnh, TP Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, TP.HCM đã viện nhiều lý do để gây khó khăn cho việc đăng ký ôtô của trạm kiểm soát tải trọng xe.

Báo cáo sơ kết nửa tháng triển khai đồng loạt kiểm soát tải trọng xe của Bộ GTVT cho biết lực lượng thanh tra giao thông, CSGT một số địa phương đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhưng còn lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm việc kiểm soát tải trọng xe, công an một số tỉnh, đặc biệt là một số phòng CSGT, chưa vào cuộc.

cTnUcS2B.jpg
Tài xế xe tải nhận lại giấy tờ sau khi trạm cân phát hiện không vi phạm quá tải tại trạm cân TC008, Thừa Thiên - Huế. Trạm cân xe ở Thừa Thiên - Huế hiện chỉ làm việc vào ban ngày - Ảnh: Thái Lộc

Báo cáo của Bộ GTVT cho hay các tỉnh, TP Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, TP.HCM đã viện nhiều lý do để gây khó khăn cho việc đăng ký ôtô của trạm kiểm soát tải trọng xe.

Một số tỉnh thì không bố trí CSGT tham gia phối hợp như Thanh Hóa, Bình Định, Thái Nguyên, Hà Giang...

Một số phòng CSGT khác chỉ tham gia mang tính chất hình thức, đối phó, chỉ làm trong giờ hành chính, buổi trưa, tối không làm (như Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế...).

Còn 11 địa phương chưa đưa bộ cân lưu động được cấp vào sử dụng.

Báo cáo cũng cho biết một số địa phương đã triển khai nhưng chưa quyết liệt trên các quốc lộ trọng điểm, đặc biệt trên quốc lộ 1 có lưu lượng xe quá tải lớn nhưng mới 15/30 địa phương có quốc lộ này đi qua triển khai trạm cân.

CSGT chưa tham gia vì thanh tra giao thông không nhiệt tình

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc kiểm tra tải trọng của ôtô tại trạm cân lưu động trên quốc lộ 1, đoạn đường tránh TP Thanh Hóa thời gian qua chỉ có một mình lực lượng thanh tra giao thông (thuộc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa) thực hiện.

Việc phối hợp giữa lực lượng CSGT Thanh Hóa và thanh tra giao thông tỉnh này tại khu vực trạm cân lưu động có phần mờ nhạt.

Ông Trương Duy Hùng, phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Ngay từ khi thanh tra giao thông thực hiện kiểm tra tải trọng ôtô thí điểm tại trạm cân lưu động trên quốc lộ 1 (đoạn trạm thu phí Dốc Xây, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) hồi cuối năm 2013, Phòng CSGT tỉnh đã có ý kiến với ngành GTVT là nên phối hợp giữa hai ngành trong việc kiểm tra, xử lý tải trọng xe thì sẽ thuận tiện và hiệu quả hơn.

Đến khi lực lượng thanh tra giao thông Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ tại trạm cân lưu động trên tuyến đường tránh TP Thanh Hóa từ ngày 1-4 đến nay, Phòng CSGT vẫn nhiều lần có ý kiến để lực lượng CSGT cùng tham gia. Tuy nhiên, thanh tra giao thông không nhiệt tình với ý kiến này.

Ông Hùng khẳng định: “Dù chưa phối hợp với thanh tra giao thông kiểm tra tải trọng xe tại trạm cân lưu động trên đường tránh TP Thanh Hóa, nhưng lực lượng CSGT trên tuyến quốc lộ 1 vẫn tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp ôtô quá khổ, quá tải.

Cụ thể từ ngày 1-4 đến nay, CSGT Thanh Hóa đã xử lý 1.250 trường hợp ôtô quá khổ, quá tải lưu thông trên quốc lộ 1. Lực lượng CSGT đã yêu cầu các chủ xe, chủ hàng phải hạ tải; vận chuyển hàng hóa đúng quy định của pháp luật. Để việc kiểm tra tải trọng xe, xử lý các trường hợp vi phạm đạt hiệu quả cao hơn nữa, lực lượng CSGT Thanh Hóa sẵn sàng phối hợp với thanh tra giao thông của tỉnh...”.

Thiếu phương tiện, trạm cân chỉ làm ban ngày

Tại Thừa Thiên - Huế, thượng tá Phạm Văn Thái, trưởng Phòng CSGT, cho biết hai trạm cân lưu động của tỉnh hoạt động có kế hoạch đàng hoàng chứ không phải mang tính chiếu lệ.

Mỗi ngày, cả hai dù hoạt động tích cực nhưng do lượng xe ít nên chỉ dừng yêu cầu kiểm tra vài chục trường hợp. Xe quá trọng tải chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số đó.

Tuy nhiên, theo ông Thái, hai trạm cân của tỉnh chỉ hoạt động vào ban ngày, mỗi ngày chia làm hai ca, ca sáng từ 6g-11g30, ca chiều từ 13g30-18g (tức có giờ nghỉ trưa - PV).

Trong những ngày qua, các trạm này có nghỉ hoạt động vài ngày để dồn lực lượng bảo vệ festival. Cũng theo ông Thái, hai trạm cân không hoạt động vào ban đêm được do không có đèn chiếu sáng, khó quan sát và không có kho bãi để hạ tải.

“Công an (giao thông) thì vẫn tuần tra kiểm soát 24/24 giờ. Còn trạm cân chỉ làm ngày vì thiếu cơ sở kho bãi và đèn chiếu sáng. Cái này phải từng bước, nếu toàn quốc triển khai đồng bộ thì mình cũng triển khai thôi!” - ông Thái cho biết.

Chủ tịch tỉnh chủ trì mới chắc xe “vua” không còn

Nhận định về việc triển khai kiểm soát tải trọng xe có một số mặt chưa đạt, trung tướng Đỗ Đình Nghị - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - cho biết bộ trưởng Bộ Công an đã giao công an các địa phương xác định việc kiểm soát tải trọng xe là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014; chỉ đạo xử lý xe “vua”, cung đường vàng mà báo chí nêu, đơn vị trên địa bàn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra.

“Kinh nghiệm từ các địa phương là làm thường xuyên liên tục đồng bộ, lâu dài. Qua thực tiễn có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương như Hà Nam trực tiếp chủ tịch UBND tỉnh chủ trì triển khai thì chắc là xe “vua” không còn. Nếu chỉ có công an, giao thông mà không có sự chỉ đạo trực tiếp cũng khó” - ông Nghị lý giải.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tài xế: trạm cân không chính xácThi gan với trạm cânNé trạm cân, kẹt xe hàng chục kilômet trên quốc lộ 1Bình Thuận: “Chịu thua” tài xế, trạm cân trọng tải “bung trạm”Quốc lộ 1 bát nháo vì xe trốn trạm cân

TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên