18/04/2014 08:46 GMT+7

Tài xế: trạm cân không chính xác

L.GIANG - H.MI
L.GIANG - H.MI

TT - Hai tài xế xe đầu kéo là Đặng Thái Bình và Phạm Văn Điệp ở Long Hải (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số TC007 của Thanh tra giao thông tỉnh Quảng Bình đặt trên quốc lộ 1 ở cầu Gianh cân xe không chính xác.

Thi gan với trạm cânNé trạm cân, kẹt xe hàng chục kilômet trên quốc lộ 1Bình Thuận: “Chịu thua” tài xế, trạm cân trọng tải “bung trạm”

cVwzwvHl.jpg
Tài xế xe đầu kéo Đặng Thái Bình khẳng định: “Thùng xe còn nguyên niêm phong, chúng tôi không sang hàng trước khi đến trạm cân Quảng Bình thì không thể có chuyện xe vượt tải!” - Ảnh: Lam Giang

Nơi cho đi, nơi giữ lại

Ông Điệp trưng ra phiếu cân xe của mình tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số TC024 ở tỉnh Quảng Ngãi ngày 15-4 có tải trọng trừ sai số tổng cả xe là 43,37 tấn/trọng tải cho phép 48 tấn, cho rằng như vậy là không vi phạm và được trạm này “chúc thượng lộ bình an”. Nhưng tới trạm cân Quảng Bình thì lần cân thứ nhất lúc 2g ngày 16-4 lại có tải trọng trừ sai số tổng cả xe là 51,1 tấn, vượt tải 8,4%. Ông Điệp yêu cầu cân lại lần hai thì có số cân là 50 tấn, vượt tải 5,5%. Khi cân lại lần ba lúc 6g cùng ngày lại có tải trọng trừ sai số tổng cả xe là 51,17 tấn, vượt tải 8,9%. Ông Điệp bị CSGT Quảng Bình xử phạt 900.000 đồng và thu giữ bằng lái một tháng.

Vì quá ức nên 10g ngày 16-4, tài xế Điệp và Bình đã lái xe vào trạm cân điện tử 180 tấn trên đường tránh TP Đồng Hới để cân đối chứng. Kết quả ở trạm cân này cho thấy xe có tải trọng là 47,3 tấn. “Như vậy thì gần đúng với kết quả của trạm cân xe ở Quảng Ngãi. Và như thế thì cân của trạm cân xe Quảng Bình không chính xác, điều đó khiến chúng tôi bị xử phạt oan” - ông Bình nói.

Tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số TC007 Quảng Bình, ông Trần Hồng Phong, tổ phó tổ cân xe sáng 16-4, cho biết: “Chúng tôi chỉ là người cân xe, còn cân thì do cấp trên trang bị và đã được kiểm định rồi, nên chúng tôi không biết cân có sai hay không”.

Đồng Nai: cân trục trặc, camera hư

Hơn một tuần thực hiện trạm cân lưu động ở quốc lộ 51, ông Dương Mạnh Hưng - chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - cho biết trạm đã tổ chức cân 721 lượt xe nghi quá tải, phát hiện 57 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải nên buộc hạ tải. Thanh tra cũng đã chọn thêm bảy vị trí khác ở quốc lộ 51, quốc lộ 20 và quốc lộ 56 để đặt trạm kiểm tra tải trọng xe.

Tuy nhiên theo ông Hưng, đã có nhiều khó khăn nảy sinh khi vừa đưa trạm cân vào hoạt động. Đó là đường truyền dẫn kết nối với Tổng cục đường bộ VN liên tục bị trục trặc, ảnh hưởng đến quá trình cân xe làm tài xế than phiền do ảnh hưởng đến việc giao hàng. “Ngay cả camera để ghi hình xe quá tải nhằm có cơ sở xử lý vi phạm nhưng vừa đưa vào sử dụng đã bị hư một cái. Chúng tôi đã gửi cho nhà cung cấp thiết bị nhiều ngày rồi nhưng đến nay vẫn chưa sửa xong”.

Làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, đại tá Huỳnh Tiến Mạnh - phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai - đánh giá ngoài các trục trặc về kỹ thuật, hiện trạm cân lưu động đã phát sinh một số vấn đề khiến tài xế và doanh nghiệp vận tải phản ứng. Chẳng hạn, tài xế đưa xe tải vào cân bị phát hiện quá tải trọng trục nhưng không quá tổng trọng tải của xe. Khi biết lỗi này, phần lớn tài xế đều phản ứng vì cho rằng nhiều loại hàng hóa đặc thù không thể xé nhỏ ra để rải đều trên xe nhằm đảm bảo đúng tải trọng trục. Do đó, ông Mạnh đề nghị tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh đối với cách tính trọng tải trục xe.

Đã xử lý hơn 2.000 xe quá tải

Ông Khuất Việt Hùng - vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) - cho biết đến nay đã có 52/63 địa phương kiểm soát tải trọng xe bằng bộ cân lưu động và cân xách tay. Từ ngày 1 đến 15-4 đã kiểm tra 10.979 xe, trong đó có 2.132 xe quá tải. Tuy nhiên lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm việc kiểm soát tải trọng xe, phòng CSGT một số tỉnh chưa vào cuộc, viện lý do gây khó khăn cho việc đăng ký ôtô của trạm kiểm soát tải trọng xe như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, TP.HCM; không bố trí CSGT tham gia như Thanh Hóa, Bình Định, Thái Nguyên, Hà Giang; CSGT chỉ làm trong giờ hành chính, buổi trưa, tối không làm như Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế...

Ông Nguyễn Văn Khoái - giám đốc Sở GTVT Hà Nam - cho biết đến nay Hà Nam đã triển khai cân xe 24/24 giờ trên tất cả tuyến đường chứ không phải chỉ quốc lộ với bảy trạm cân. Qua 15 ngày đầu tháng 4-2014, các doanh nghiệp đã tự cắt thùng 90% xe quá khổ.

T.P.

____________________

Trị xe quá tải giúp giá cước hợp lý

Ngày 17-4, hội nghị sơ kết nửa tháng ra quân kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ được Bộ GTVT tổ chức tại Hà Nội.

Các ý kiến đều ủng hộ việc xe chở đúng tải trọng và bàn cách duy trì việc kiểm soát tải trọng xe, chống tiêu cực trên đường để có giá cước vận tải hợp lý.

Nên kiểm soát từ nguồn

"Cục Đăng kiểm phải làm nghiêm không để có xe quá khổ quá tải. Bộ đã thống nhất với Cục Đăng kiểm nếu năm nay cục không quyết tâm đổi mới, chống tiêu cực trong đăng kiểm thì toàn bộ cán bộ Cục Đăng kiểm chuyển đi làm việc khác"

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Ông Nguyễn Hữu Anh - phó giám đốc Sở GTVT Quảng Trị - cho biết ở Quảng Trị có hai cửa khẩu, xe chở gỗ quá khổ quá tải từ Lào hay qua đây. Nếu đặt trạm cân ở cửa khẩu sẽ rất khó khăn nhưng không kiểm soát từ cửa khẩu thì xe quá tải sẽ vào sâu trong nội địa.

Vì vậy, Quảng Trị đã đề xuất kiểm soát tải trọng với các địa phương giáp ranh của Lào. Đồng thời in tờ rơi khổ lớn dán ở cửa khẩu, phát cho tài xế, khuyến cáo: hoặc là hạ tải hoặc chịu phạt nếu chở quá tải. Kết quả từ ngày 29-3 đến 6-4, hạ tải ngay từ đầu cửa khẩu được 675 xe nên giảm tải rất nhiều áp lực cho trạm cân. Nhờ đó, trạm cân chỉ còn hơn 130 trường hợp phải cân, thay vì 800 xe chở gỗ ùn về chờ cân như trước đó.

Ông Nguyễn Thành Trí - giám đốc Sở GTVT Phú Yên - cho biết có tình trạng tài xế phản ảnh phải chung tiền mới qua được trạm là do các “cò” làm, lừa cánh lái xe, cho nên Sở GTVT đã đề nghị tỉnh chỉ đạo công an điều tra, xử lý.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề nghị trung tướng Đỗ Đình Nghị - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - trả lời câu hỏi của dư luận được báo chí nêu ra tại hội nghị là: Nếu không chở quá tải thì lấy đâu tiền chi cho CSGT, thanh tra giao thông?

Ông Nghị đáp: “Nếu nói chở quá tải để chung chi cho công an, tôi cho rằng không đúng. Còn một vế cần nói thêm là đưa tiền hối lộ cho cảnh sát thì có phải hay không? Hiện nay nói nhiều về người nhận mà chưa phê phán nhiều người đưa. Bộ Công an đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra gắn với trách nhiệm, đề nghị có sự tham gia của nhân dân với báo chí”.

Chở đúng tải trọng là lành mạnh

Về phần phản ảnh tiêu cực ở các trạm cân, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Bộ GTVT chống tiêu cực trong tất cả lĩnh vực chứ không chỉ ở kiểm soát tải trọng xe. Đề nghị báo chí khi có thông tin thì cung cấp, Bộ GTVT hứa xử lý rất nghiêm nếu thông tin đưa ra là có căn cứ. Ông Thăng cũng khẳng định nguyên nhân để tình trạng xe quá tải như hiện nay là do sự buông lỏng của các cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ GTVT.

Ông Thăng nói việc kiểm soát tải trọng xe không có lộ trình gây sốc, khó khăn cho giới vận tải là không đúng. Bởi vì Chính phủ có công điện về việc này từ tháng 11-2013, Bộ GTVT và Bộ Công an triển khai từ tháng 12-2013. Sau bốn tháng mới triển khai đồng loạt. Trước đó đã triển khai thí điểm tại Hải Phòng và Lâm Đồng, sau đó mới tổng kết rút kinh nghiệm tiếp tục triển khai nên không có gì sốc cả. Việc kiểm soát tải trọng xe sẽ làm thường xuyên, bền bỉ. Thực hiện chủ trương này sẽ góp phần tái cơ cấu các loại hình vận tải và giá cước vận tải chắc chắn sẽ hợp lý.

“Nhiều người nói chở quá tải phải nộp tiền cho CSGT, vậy không quá tải thì việc gì phải nộp? Không phải 100% xe tải đều vi phạm chở quá tải nhưng xe chở đúng tải không thể cạnh tranh giá cước với xe quá tải. Nhiều doanh nghiệp vận tải ủng hộ kiểm soát xe quá tải để tạo sự cạnh tranh kinh doanh bình đẳng. Và khi giá cước thật thì những chi phí ngoài vận tải không còn hoặc hạn chế tối đa” - ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, một số ý kiến nói hàng hóa ở cảng ùn ứ nhưng có thời điểm không kiểm soát tải trọng xe cũng ùn tắc như dưa hấu ùn tắc ở Lạng Sơn do quá năng lực thông quan. “Tuy nhiên Bộ GTVT tiếp thu các vấn đề này. Với xe chở nông sản của người dân nếu quá tải chỉ yêu cầu phạt và cho đi, không dỡ tải trong thời gian này để tiêu thụ hàng cho nông dân. Sau này sẽ xử lý tiếp, phạt từ gốc, cân xe tại cảng, nơi bốc hàng. Sẽ cố gắng cân tại cảng để kiểm soát ngay từ đầu để xe quá tải không ra ngoài đường” - ông Thăng cho biết.

TUẤN PHÙNG

L.GIANG - H.MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên