14/02/2022 06:27 GMT+7

COVID-19 thế giới 14-2: Sau Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron có thể sẽ là gì nữa?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Trong 2 năm qua, thế giới đã chứng kiến 5 biến thể là Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng. Có thể virus sẽ phát triển theo 4 cách.

COVID-19 thế giới 14-2: Sau Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron có thể sẽ là gì nữa? - Ảnh 1.

Người dân tham gia các trò chơi giải trí tại hội chợ bang Florida ở Tampa, bang Florida, Mỹ ngày 11-2 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan - Ảnh: REUTERS

Khi thế giới bước vào năm thứ 3 của đại dịch COVID-19, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã phát triển theo thời gian và nhiều biến thể mới xuất hiện. Trong 2 năm qua, thế giới đã chứng kiến 5 biến thể đáng lo ngại (VOC) gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta, và Omicron.

4 biến thể đáng lo ngại đầu tiên được phát hiện vào năm 2020 từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, còn biến thể Omicron được tìm thấy ở phía nam châu Phi vào tháng 11-2021. Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng.

Một bài báo gần đây của tạp chí khoa học Nature đã chỉ ra 4 kịch bản có thể xảy ra liên quan cách virus SARS-CoV-2 có thể phát triển trong tương lai.

Biến thể mới: 4 kịch bản

Kịch bản 1: Người ta hy vọng nhiều nhất, nhưng có lẽ có ít khả năng xảy ra nhất, đó là virus SARS-CoV-2 đi theo con đường của bệnh sởi. Việc nhiễm bệnh hoặc tiêm phòng giúp bảo vệ con người suốt đời, và virus lây nhiễm phần lớn ở những trẻ mới sinh.

Kịch bản 2: Đó là virus SARS-CoV-2 sẽ đi theo con đường của virus hợp bào hô hấp (RSV). Hầu hết mọi người bị nhiễm bệnh trong hai năm đầu đời của họ. RSV là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ sơ sinh phải nhập viện, nhưng hầu hết các ca nhiễm ở trẻ nhỏ đều nhẹ.

Kịch bản 3: Virus SARS-CoV-2 hoạt động giống như virus cúm A, gây ra các đợt dịch cúm mùa trên toàn cầu mỗi năm. Do sự tiến hóa nhanh chóng, các biến thể mới có thể trốn tránh miễn dịch được tạo ra do các biến thể trong quá khứ. Kết quả là dịch bệnh theo mùa, phần lớn lây lan ở người trưởng thành, những người vẫn có thể phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Tiêm vắc xin phòng cúm làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Kịch bản 4: Nếu virus SARS-CoV-2 biến đổi đến mức né tránh miễn dịch chậm chạp hơn, nó có thể giống với virus cúm B. Tốc độ biến đổi chậm hơn của virus đồng nghĩa sự lây truyền của virus chủ yếu do các ca nhiễm ở trẻ em, nhóm tuổi có khả năng miễn dịch kém hơn người lớn.

WHO nói gì về biến thể mới?

WHO chỉ ra biến thể đáng lo ngại tiếp theo sẽ mạnh hơn, tức biến thể này dễ lây lan hơn vì nó sẽ phải vượt mặt các biến thể đang lưu hành. Tuy nhiên, câu hỏi lớn là "liệu các biến thể trong tương lai có nghiêm trọng hơn hay không". Không gì có thể đảm bảo rằng biến thể tiếp theo sẽ gây ra triệu chứng nhẹ hơn so với biến thể trước đó. 

Tuy nhiên, WHO cho biết virus có thể né tránh vắc xin tốt hơn và các vắc xin hiện tại có thể trở nên ít hiệu quả hơn.

Theo một mô hình rủi ro do công ty phân tích sức khỏe Airfinity phát triển, biến thể đáng lo ngại tiếp theo có thể đến từ vùng Hồ Lớn (Great Lakes) ở trung tâm châu Phi - nơi có các quốc gia là Burundi, Tanzania và Cộng hòa dân chủ Congo. 

Theo WHO, Burundi đã ghi nhận tổng cộng hơn 37.000 ca bệnh COVID-19, với 60 ca mới trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm của Burundi tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác. 

Tuy nhiên, điều khiến Burundi gặp rủi ro cao nhất trở thành "nơi sinh sản" biến thể đáng lo ngại tiếp theo là chỉ số nghiêm ngặt thấp (tuân thủ các quy trình chống COVID-19) và mức độ bao phủ vắc xin thấp - 2 trong 4 chỉ số mà nhóm nghiên cứu đã tính đến khi họ đưa ra mô hình rủi ro. Hai chỉ số còn lại là dân số và quy mô dân số suy giảm miễn dịch.

Trang Down To Earth đã truy cập dữ liệu do công ty trên soạn. Nigeria và Yemen là những điểm đến gặp rủi ro cao tiếp theo sau vùng Hồ Lớn.

Một số tin tức đáng chú ý liên quan COVID-19 trên thế giới:

+ Kinh tế Israel tiếp tục tăng trưởng bất chấp đại dịch: Thủ tướng Israel Naftali Bennett khẳng định nền kinh tế Israel "mạnh mẽ". "Ngay cả trong năm có 2 đợt dịch COVID-19 vừa qua, chúng tôi vẫn đạt mức tăng trưởng phi thường gần 7% nhờ sự kiên định trong việc duy trì một nền kinh tế mở" - ông Bennett phát biểu tại buổi tiếp tổng thư ký‎ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann hôm 13-2.

+ Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Anh đã tăng trưởng kỷ lục 7,5% vào năm ngoái nhờ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng ngừa COVID-19.

+ Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc quyết định triển khai tiêm vắc xin hãng Sinovac cho trẻ từ 3 tuổi từ ngày 15-2.

+ Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cảnh báo số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Singapore có thể lên tới 15.000 - 20.000 ca do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron.

COVID-19 thế giới ngày 13-2: Trung Quốc tiếp tục cấm dân đi du lịch nước ngoài COVID-19 thế giới ngày 13-2: Trung Quốc tiếp tục cấm dân đi du lịch nước ngoài

TTO - Chính quyền Bắc Kinh thông báo sẽ không gia hạn hộ chiếu cho việc đi lại không thiết yếu vì nhận định tình hình dịch COVID-19 trên thế giới còn nghiêm trọng và lo ngại về vấn đề an ninh.


BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên