Các diễn giả nói về việc lan tỏa lòng tốt từ đại dịch COVID-19 - Ảnh: T.ĐIỂU
Ngày 28-1, tại Hà Nội, UNICEF phối hợp với Bộ Y tế và Nhã Nam tổ chức tổng kết chiến dịch truyền thông Lòng tốt dễ lây.
Tại buổi tổng kết này, nhà báo Đinh Đức Hoàng, tác giả nhân vật "Lê Bích" - Đinh Trần Tuấn Linh và nhà hoạt động môi trường Trang Nguyễn cùng có một cuộc trò chuyện nhìn lại những biến đổi mà dịch COVID-19 đã tác động tới từng con người và tới tổng thể xã hội trong năm 2020 đặc biệt vừa qua.
Không kể bóng đen chết chóc và nỗi lo sợ, chia ly, ở mặt tích cực, đại dịch COVID-19 giúp con người, sau cơn khủng hoảng ban đầu, biết sống tốt đẹp hơn.
Một bức tranh về COVID-19 của Nguyễn Đới Chung Anh tham gia chiến dịch Lòng tốt dễ lây - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhà hoạt động môi trường Trang Nguyễn nêu con số đáng giật mình cho những người quan tâm đến môi trường đó là chỉ trong năm 2020, có đến 1,56 tỉ khẩu trang dùng một lần được thải ra môi trường, trong khi vấn nạn ô nhiễm nhựa đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nó đang giết hại rất nhiều sinh vật biển và các loài động vật hoang dã.
Nhưng may mắn thay, giữa đại dịch COVID-19, trên khắp đất nước, nhiều nhóm trẻ kịp tụ lại với nhau để đi nhặt rác, dọn sạch bãi biển cho các em nhỏ vui chơi. Việc làm của các bạn đã truyền cảm hứng mạnh mẽ về bảo về môi trường cho nhiều người.
Với nhà báo Đinh Đức Hoàng, năm 2020 tạo ra rất nhiều hành động, cử chỉ tốt đẹp không thể kể ra hết. Trong đó, điều tốt đẹp nhất theo anh là "cộng đồng và ngành y tế đã tha thứ cho nhau".
Theo nhà báo Đinh Đức Hoàng, chưa bao giờ xã hội chúng ta yêu quý những bác sĩ, những người ở tuyến đầu chống dịch như lúc này, nhưng bức tranh trong sách Lòng tốt dễ lây cũng thể hiện điều đó - Ảnh: T.ĐIỂU
"Trước đây cộng đồng xã hội đã ném vào ngành y tế rất nhiều những lời không hay, giờ thì chúng ta trân trọng các bác sĩ tuyến đầu. Chúng ta đoàn kết hơn.
Trước đây chúng ta dành nhiều không gian và thời gian hơn cho những lời phê bình, chỉ trích, giờ chúng ta hiểu điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể dành cho nhau lúc này, đấy là sự động viên, lòng trắc ẩn. Chưa bao giờ xã hội chúng ta yêu quý những bác sĩ như lúc này", nhà báo Đinh Đức Hoàng nói.
Giữa đại dịch đầy bất trắc và lo toan, anh còn nhìn thấy nhiều người mà họ không biết ngày mai bức tranh kinh tế nào chào đón họ nhưng họ vẫn dành một phần tài sản tích lũy của mình để giúp đỡ những người nghèo.
Và anh cũng nhìn thấy "một cộng đồng mạng bỗng nhiên bớt hằn học hơn, dành nhiều thời gian để chia sẻ những điều tốt đẹp". Đại dịch COVID-19 tạo ra nhiều câu chuyện nhân văn và xúc động.
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh cũng nhìn thấy từ đại dịch COVID-19 năm 2020 câu chuyện "nước rút thì lộ đá": sau cơn cuồng loạn tập thể với những hành động kỳ dị như toàn thế giới đi gom giấy vệ sinh, sau đó là giành nhau khẩu trang, thì lòng tốt bắt đầu lộ dần ra như những bài hát bên cửa sổ động viên tinh thần nhau cố gắng vượt qua dịch bệnh.
Tác phẩm Tình nguyện nhặt rác Của Nguyễn Vũ Xuân Lan trong sách Lòng tốt dễ lây - Ảnh: T.ĐIỂU
"COVID-19 làm lộ hết những mặt tốt nhất và xấu nhất của nhân loại, cũng có những bóng tối, nhưng nhiều người đã bắt đầu lọ mọ thắp lên những ngọn nến, cùng nhau làm một vài điều tốt thay vì ngồi chửi bới nhau" - tác giả Đinh Trần Tuấn Linh nói.
Tại lễ tổng kết chiến dịch truyền thông Lòng tốt dễ lây tổ chức từ tháng 5-2020, đại diện UNICEF cho biết chiến dịch đã tiếp cận được hơn 65 triệu người dùng mạng xã hội trên cả nước, trong đó 2 triệu lượt người đã tương tác, chia sẻ, đóng góp tranh cho chiến dịch.
Một cuốn sách ghi lại thành quả của chiến dịch, với tên gọi Lòng tốt dễ lây, in 106 bức tranh được lựa chọn từ hơn 500 sáng tác của thanh thiếu niên cả nước cũng đã được xuất bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận