Vicem sẽ bán trụ sở khi chưa xây dựng xong để thu hồi vốn - Ảnh: L.B.
Hiện Vicem đang thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ và các công ty con, trong khi tình hình tài chính công ty mẹ ổn định thì các công ty con của Vicem đang thua lỗ nghìn tỉ, gặp nhiều khó khăn và mất an toàn về tài chính.
Trước đó, vào năm 2010 Hội đồng thành viên Vicem đã quyết định đầu tư trung tâm điều hành hoạt động của Vicem kết hợp với kinh doanh cho thuê văn phòng thương mại cao 31 tầng nổi, 4 tầng hầm tại khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội.
Vốn đầu tư xây trụ sở ban đầu được duyệt 1.951 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 2.743 tỉ đồng.
Trụ sở được quyết định đầu tư từ năm 2011-2018 Vicem mới hoàn thành phần ngầm và phần thân công trình, và đã rót 1.430 tỉ đồng vào dự án.
Vicem cho rằng việc bán trụ sở dở dang nghìn tỉ là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về thoái vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành, tập trung nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Vicem.
Đến nay cơ bản các bộ, ngành liên quan đã đồng ý cho Vicem bán trụ sở, Vicem đã báo cáo Bộ Xây dựng việc tìm nhà đầu tư mua lại trụ sở.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu Vicem rà soát, cập nhật phương án xử lý nhà đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo nghị định 167 của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét bán trụ sở.
Trước đó, Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng việc bán trụ sở của Vicem phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và thu lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.
Là một tổng công ty nhà nước, Vicem đang sở hữu hàng loạt tài sản đất đai tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, TP.HCM.
Về tình hình sản xuất của Vicem, báo cáo tài chính năm 2018 ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.691 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.052 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 703 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Vicem đang ôm nợ hàng nghìn tỉ đồng từ các công ty con. Cụ thể, Công ty ximăng Vicem Tam Điệp lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 khoảng 1.103 tỉ đồng, thuộc diện mất an toàn về tài chính.
Tương tự, hai công ty con khác là Ximăng Hạ Long và Ximăng Sông Thao cũng có hệ số nợ phải trả lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, thuộc diện mất an toàn về tài chính.
Trong đó, Ximăng Hạ Long lỗ lũy kế đến hết 2018 khoảng 3.580 tỉ đồng, Ximăng Sông Thao lỗ lũy kế 410 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận