15/06/2024 19:59 GMT+7

Công ty chứng khoán được bà Trương Mỹ Lan ‘bơm’ vốn: Kẹt nghìn tỉ ở SCB

Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt là một trong những pháp nhân liên quan tới vụ án trái phiếu nhóm bà Trương Mỹ Lan. Công ty này bên cạnh kẹt ngàn tỉ ở SCB gần đây cũng hết lãi khủng.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2).

Theo đó, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu khống.

TVSI có vai trò thế nào trong "ma trận" trái phiếu nhóm bà Trương Mỹ Lan?

Một trong những pháp nhân có liên quan vụ án nêu trên là Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (viết tắt TVSI).

Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn 2018 - 2020, TVSI có vốn 1.089 tỉ đồng, bà Trương Mỹ Lan nắm phần lớn cổ phần thông qua 11 cá nhân và 1 công ty.

Từ năm 2021, bà Lan tăng vốn TVSI lên 2.639 tỉ đồng. Trong 92 cổ đông có 6 cá nhân và 4 công ty đứng tên hộ bà Lan sở hữu 91,54% vốn công ty chứng khoán.

Từ 2018 - 2020, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Tiến Thành - nguyên chủ tịch, tổng giám đốc TVSI, công ty này đã cung cấp dịch vụ tư vấn, phát hành 25 gói trái phiếu không có tài sản đảm bảo cho 4 tổ chức phát hành đều thuộc hệ sinh thái bà Lan gồm An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra.

Kết luận điều tra cho thấy SCB và TVSI đã ký kết các hợp đồng hợp tác về việc ngân hàng tìm kiếm, tư vấn, giới thiệu để khách hàng ký hợp đồng mua bán trái phiếu với TVSI.

Sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với TVSI, dòng tiền huy động được từ hàng nghìn trái chủ như sau: 

Trái chủ chuyển tiền cho TVSI, TVSI chuyển tiền cho công ty trái chủ sơ cấp hoặc công ty mua lại trái phiếu từ trái chủ sơ cấp. Sau đó các công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức trả tiền cho vay, mua cổ phần. Cuối cùng, các cá nhân rút tiền để sử dụng.

Vẫn kẹt tiền giao dịch chứng khoán tại SCB

Nhìn lại dữ liệu kinh doanh của TVSI, giai đoạn "hoàng kim" nhất là thời kỳ hoạt động dưới sự ảnh hưởng của bà Trương Mỹ Lan, nhưng sau đó lao dốc.

Những năm 2015 - 2016, công ty chứng khoán này chỉ lãi ròng loanh quanh hơn 20 tỉ đồng/năm. Sang 2017 - 2018, lợi nhuận sau thuế nhỉnh hơn với lần lượt 81 tỉ đồng và 60 tỉ đồng.

Nhưng từ 2019 đến 2022, TVSI đều đặn báo lãi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Trong đó, đỉnh cao lợi nhuận vào năm 2021 khi đạt 587 tỉ đồng.

Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt thời điểm cuối năm 2022, TVSI lập tức báo lỗ sau thuế gần 400 tỉ đồng năm 2023.

Tại báo cáo tài chính năm 2023, kiểm toán cũng nhấn mạnh vấn đề trái phiếu của TVSI. Theo kiểm toán, TVSI có thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư, sau đó mua đi bán lại nhiều lần với các nhà đầu tư.

Đồng thời, công ty chứng khoán này đã ký hợp đồng mua lại một số trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai.

Tổng mệnh giá các trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại đến ngày cuối cùng năm 2023 trên 16.491 tỉ đồng. Trong đó, giá trị đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được 16.062 tỉ đồng.

Đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 (tháng 3-2024), kiểm toán cho biết tổng mệnh giá trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại còn trên 16.491 tỉ đồng, trong đó số đã đến hạn nhưng chưa thanh toán hơn 16.477 tỉ đồng.

"Tuy nhiên, TVSI không thực hiện được việc thanh toán cho bên chuyển nhượng và gửi thông báo đến các nhà đầu tư là sẽ không thực hiện giao dịch này", kiểm toán nhấn mạnh. 

Đồng thời TVSI cho biết đang thực hiện đàm phán lại với nhà đầu tư về việc hủy hợp đồng mua lại hoặc gia hạn nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Đơn vị kiểm toán độc lập cũng nhấn mạnh từ ngày 2-11-2022, TVSI có 1.609 tỉ đồng số dư tiền gửi tại SCB. 

Số tiền này gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ giao dịch chứng khoán (879 tỉ đồng) và 730 tỉ đồng tiền gửi để thực hiện nghĩa vụ thanh khoản khác cho khách hàng… Đến cuối năm 2023, số dư tiền gửi này tại SCB lên 1.625 tỉ đồng.

"Công ty đã gửi các công văn đến cơ quan chức năng liên quan, đề nghị phê duyệt các lệnh chuyển tiền từ các tài khoản của công ty mở tại SCB sang các tài khoản khác để giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên công ty chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng", kiểm toán nhấn mạnh. Tại báo cáo tài chính năm 2022, đơn vị kiểm toán cũng từng nhấn mạnh vấn đề này.

Kết quả kinh doanh TVSI đã cải thiện, dòng tiền kinh doanh không còn âm

Cơ cấu lãnh đạo TVSI biến động sau vụ bà Trương Mỹ Lan. Sau thời ông Nguyễn Tiến Thành (đã chết), ông Nguyễn Việt Cường làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc từ tháng 10-2022 đến 28-2-2024.

Còn hiện nay, vị trí chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc do bà Trần Thị Cẩm Hạnh đảm nhiệm. Theo báo cáo tài chính quý 1-2024, doanh thu hoạt động trong kỳ này của TVSI đạt gần 32 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn lợi nhuận sau thuế hơn 14,8 tỉ đồng, tăng gần 17%. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã dương trở lại với hơn 11 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn còn âm 242 tỉ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỉ USD qua biên giớiBà Trương Mỹ Lan chỉ đạo vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỉ USD qua biên giới

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng đồng phạm thông qua các hợp đồng khống để chuyển ra nước ngoài 1,5 tỉ USD và chuyển 3 tỉ USD từ nước ngoài về Việt Nam trái pháp luật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên