10/07/2024 09:33 GMT+7

Công tác cán bộ: Bình thường hóa 'có lên, có xuống'

Chuyện "có lên, có xuống, có vào, có ra" trong công tác cán bộ đang "dần trở thành bình thường" cùng với quá trình đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn vừa qua.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh vấn đề này khi quán triệt quy định 144 của Bộ Chính trị.

Ông Nghĩa cũng nêu con số điều tra dư luận cho thấy 83% cán bộ, đảng viên, nhân dân bày tỏ đồng tình cao phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị, địa bàn phụ trách. Việc kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút được xác định là yêu cầu có tính nguyên tắc.

Quan sát việc xử lý cán bộ sai phạm, vi phạm, cán bộ chịu trách nhiệm chính trị trước vi phạm, sai phạm, trong thời gian qua ai cũng thấy rõ quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" đã được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là đối với những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Nhưng cũng có câu hỏi đặt ra rằng liệu việc đang "dần trở thành bình thường" ở cấp Trung ương đã thực sự lan tỏa, dần trở thành bình thường ở các cấp, các ngành, đặc biệt ở các địa phương chưa? Phải chăng vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" ở nơi này, nơi khác?

Một câu hỏi quan trọng nữa là thời gian qua các cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo, xử lý kiên quyết, khẩn trương đối với các trường hợp cán bộ có sai phạm, vi phạm hoặc chịu trách nhiệm chính trị trước sai phạm, vi phạm; còn với những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì đã được thay thế kịp thời chưa?

Trong các báo cáo chính thức của cơ quan chức năng, các phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ ra vẫn còn tình trạng "đùn đẩy, né tránh", "đá lên, đá xuống", "sợ sai, sợ trách nhiệm", "không dám làm"... khi thực hiện nhiệm vụ. Hậu quả mà những cán bộ không chịu làm việc gây ra, trong nhiều trường hợp, cũng nặng nề không kém cán bộ tham nhũng, tiêu cực gây ra.

Cán bộ không chịu làm việc khiến doanh nghiệp, người dân mất mát cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh, làm lãng phí thời gian và tăng chi phí của xã hội, kìm hãm sự phát triển của đơn vị, ngành, địa phương đó.

Cũng không khó để tìm ra "địa chỉ" của những cán bộ năng lực hạn chế, bởi hầu hết đã thể hiện qua kết quả công tác của bộ, ngành, lĩnh vực họ phụ trách, quản lý, phản ánh vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đem những kết quả ấy ra để đánh giá, loại trừ các nguyên nhân khách quan thì sẽ lộ rõ năng lực của cán bộ.

Tất nhiên để kịp thời thay thế những cán bộ năng lực yếu kém, uy tín giảm sút thì đồng thời với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, cần nâng cao vai trò của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội.

Trao cho xã hội các công cụ để đánh giá năng lực, đo lường tín nhiệm cán bộ, sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền kịp thời thay thế, không để sót lọt những cán bộ yếu kém trong bộ máy.

Cuối cùng, để khích lệ đội ngũ cán bộ "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", ngoài những giải pháp đã có, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật thực sự công khai, minh bạch, hiện đại, hiệu quả, để cán bộ thực sự yên tâm với các quyết định khi thực thi công vụ, tránh tình trạng bất an như có đại biểu từng phát biểu trước Quốc hội là có cán bộ nói "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Thường trực Ban Bí thư: Đẩy nhanh điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ án tham nhũngThường trực Ban Bí thư: Đẩy nhanh điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ án tham nhũng

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đề nghị Ban Nội chính Trung ương tập trung tham mưu, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên