10/01/2021 18:25 GMT+7

Công nhân hết hạn trực vẫn kẹt lại hải đăng Hòn Hải: sóng gió lớn nên không thể thay người?

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Lãnh đạo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung bộ nói do thời tiết khắc nghiệt, sóng gió quá lớn nên chưa có giải pháp nào để thay ca, tiếp tế công nhân trực hải đăng Hòn Hải (Phú Quý, Bình Thuận) cả trước mắt lẫn lâu dài.

Công nhân hết hạn trực vẫn kẹt lại hải đăng Hòn Hải: sóng gió lớn nên không thể thay người? - Ảnh 1.

Tàu tiếp phẩm cho công nhân hải đăng Hòn Hải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đảo Hòn Hải cách cảng Nha Trang khoảng 160 hải lý, cách đảo Phú Quý hơn 30 hải lý về phía nam, là nơi đặt trạm hải đăng thuộc quản lý của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ. Đây là một trong những trạm hải đăng khó khăn nhất khi chịu khắc nghiệt của thời tiết do ở giữa biển.

Sau ngày 18-1 mới "giải cứu" được?

Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, ngày 21-12-2020, trạm trưởng Đoàn Cao Trai và công nhân Võ Thành Nam đã bị sóng lớn cuốn mất tích. Trên đảo hiện chỉ còn 2 công nhân Lê Minh Tiến và Mai Tấn Tư (vì công nhân Trương Đại Phước đã theo tàu cá tiếp phẩm vào đất liền từ ngày 12-12-2020 để chữa bệnh).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 5 công nhân đèn biển này đến nhận nhiệm vụ tại hải đăng Hòn Hải ngày 22-6-2020 với thời gian ca trực là 4 tháng. Tuy nhiên, tính đến nay đã gần 6 tháng rưỡi mà ca trực này chưa được thay và đau xót là trong khi chờ được vào đất liền thì xảy ra tai nạn làm 2 người mất tích.

Ông Bùi Đức Thắng - giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ - cho biết từ đầu tháng 11-2020, công ty đã có kế hoạch sẵn sàng người để thay ca cho nhóm công nhân nêu trên, tuy nhiên do thời tiết quá khắc nghiệt, gió bão, sóng lớn liên tục nên đến nay chưa thể thực hiện.

"Chúng tôi cũng rất xót ruột và xem nhiệm vụ thay ca, đưa 2 anh em còn ở Hòn Hải vào đất liền hiện tại là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, với điều kiện sóng gió quá lớn như thế này, 2 tàu của đơn vị chỉ loại 50 tấn không thể nào ra được" - ông Thắng nói.

Chúng tôi đặt vấn đề về lâu dài cần phải có giải pháp căn cơ cho việc thay người cũng như tiếp tế cho công nhân hải đăng Hòn Hải, vì không thể mỗi ca trực 4 tháng mà kéo dài thêm 2 - 3 tháng nữa không thể tiếp tế hay thay người, chưa kể trong trường hợp công nhân đau ốm nặng cần cấp cứu. Ông Thắng nói: "Công ty đã báo cáo Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam có giải pháp, nhưng hiện nay các loại tàu bè không thể cập vào cầu cảng Hòn Hải được, chỉ còn giải pháp là bay trực thăng. Nhưng đây là việc vượt quá thẩm quyền của công ty…".

Trước câu hỏi vì sao tàu cá của ngư dân tại Phú Quý được trạm luồng Phú Quý thuê chở đồ tiếp phẩm cho công nhân hải đăng Hòn Hải hôm 12-12-2020 được mà tàu của công ty lại không thể ra đảo này, ông Đức trả lời rằng sóng gió ở Hòn Hải bất thường.

"Tàu của đơn vị nếu đi thì từ Nha Trang ra, quãng đường dài hơn. Có khi trong bờ đi ra thì sóng êm, nhưng ra đến Hòn Hải thì sóng gió rất dữ, không thể cập tàu được. Đã có trường hợp tàu chúng tôi đi từ Phú Quý ra nhưng đến Hòn Hải thì không cập được, phải quay về Phú Quý nằm rất lâu chờ đợi. Chúng tôi theo dõi thời tiết và thấy rằng suốt từ tháng 11-2020 đến giờ, thậm chí đến trước ngày 18-1, tàu vẫn chưa thể nào ra Hòn Hải được. Chúng tôi rất xót ruột và cả lo lắng cho 2 anh em ở ngoài đó" - ông Thắng nói.

Không có chuyện ăn cháo trắng với muối hột?

Công nhân hết hạn trực vẫn kẹt lại hải đăng Hòn Hải: sóng gió lớn nên không thể thay người? - Ảnh 2.

Hòn Hải nằm giữa biển khơi - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ông Thắng phản bác thông tin mà bạn đọc phản ánh cho Tuổi Trẻ Online nói rằng do không được tiếp phẩm, nhóm công nhân đèn biển này thiếu thốn dài ngày, phải ăn cháo với muối hột.

Ông cho biết ngoài 200kg gạo, đồ hộp, cá khô dự trữ trên đảo thì công nhân còn trồng rau xanh, tích trữ nước ngọt nên không quá khó khăn về việc ăn uống.

Chúng tôi liên lạc với ông Trương Đại Phước, công nhân đèn biển Hòn Hải, người đã theo tàu cá tiếp phẩm vào bờ ngày 12-12-2020, thì được ông này xác nhận là khi ông rời đảo, gạo, đồ hộp, rau xanh, nước ngọt còn đảm bảo.

Chúng tôi cố gắng gọi vào 2 số điện thoại của hai công nhân Tiến và Tư để hỏi thăm tình hình nhưng đều không liên lạc được. Ông Bùi Đức Thắng nói sau sự cố 2 công nhân bị sóng cuốn mất tích, 2 người còn lại ở hẳn trong đường hầm trú ẩn gần trạm hải đăng chứ không về nhà nghỉ bên dưới vì nguy hiểm.

"Máy VHF anh em cũng gói lại cất đi. Bây giờ thì khi anh em lên ngọn hải đăng mới có sóng điện thoại gọi về đất liền, còn không thì chúng tôi cũng không gọi được. Tôi đề nghị anh em gọi hàng ngày để động viên tinh thần và nắm bắt tình hình ngoài đó…" - ông Thắng cho biết.

Hòn Hải là trạm hải đăng cấp 1, theo quy định phải có 10 công nhân trực, nhưng lâu nay hải đăng này chỉ có 5 công nhân vì theo lãnh đạo đơn vị quản lý là do hạ tầng và điều kiện trên đảo hạn chế. Nay tại hải đăng này chỉ còn 2 công nhân đã làm việc ngoài đảo quá thời gian gần 2 tháng rưỡi, trong trạng thái tinh thần bất ổn vì có 2 đồng nghiệp bị nạn mất tích và khó khăn vì thiếu tiếp tế thực phẩm tươi.

Theo chúng tôi, vấn đề này các cơ quan chức năng cấp cao hơn của Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Nam Trung Bộ cần lưu tâm, sớm có giải pháp để xử lý, không thể đổ là thời tiết khắc nghiệt thì "bó tay".

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên