19/11/2021 15:53 GMT+7

Công nghiệp văn hóa: Sự thành bại của các quốc gia

TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG
TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG

TTO - Ngày 24-11 sẽ diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc. Tuổi Trẻ Online sẽ đăng tải nhiều bài viết về các vấn đề, nhân vật, sự kiện của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong dòng phát triển của công nghiệp văn hóa thế giới qua góc nhìn đa diện.

Công nghiệp văn hóa: Sự thành bại của các quốc gia - Ảnh 1.

Tầm nhìn chiến lược về công nghiệp văn hóa từ Hội nghị Trung ương 9 khóa XI - Ảnh: TTXVN

Công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8-9-2016 (Quyết định 1755) gồm các ngành sáng tạo, sản xuất, dịch vụ và trải nghiệm, bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Peter Drucker - một trong 22 think tank của thế giới hiện đại, cha đẻ của khoa học quản trị - đã nói: "Thế kỷ 21, công nghiệp văn hóa sẽ là thứ tối thượng quyết định thành bại của mỗi quốc gia". 

Từ chiến lược toàn cầu của Harry Truman năm 1945 đến Cool Japan của Nhật Bản, Hallyu của Hàn Quốc và Chollywood của Trung Quốc, hay từ trước đây hơn 250 năm, Bách khoa toàn thư của Diderot với Thế kỷ Ánh sáng tạo nên sự thống trị của văn hóa Pháp mở ra thời đại mới với các cuộc cách mạng tư sản; các cường quốc đã chuẩn bị những chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa một cách bài bản để thể hiện những giá trị văn hóa của quốc gia dân tộc dẫn dắt đời sống tinh thần của hàng triệu, hàng tỉ người trên thế giới, khuếch trương tầm ảnh hưởng toàn cầu và mở rộng những đường biên giới mềm thành không giới hạn.

Tầm nhìn chiến lược

Hiểu rõ tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 được Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thông qua đã xác định 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng một Việt Nam hùng cường là: Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới song song với việc nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. 

Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ trung ương đến địa phương.

Hiện thực hóa nghị quyết, ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 1755 phê duyệt CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030, đặt mục tiêu quy mô doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 4,6 tỉ USD năm 2020 và 12 tỉ USD năm 2030 với các nhiệm vụ cụ thể giao Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với các bộ ngành khác. 

Dù vậy, mục tiêu đó còn khá khiêm tốn nếu so với tiềm năng to lớn của công nghiệp văn hóa.

Nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ thấy văn hóa - nghệ thuật đóng góp hơn 800 tỉ USD mỗi năm cho GDP Hoa Kỳ, chiếm tỉ trọng lớn hơn các ngành xây dựng, giao thông vận tải và nông nghiệp (theo Bloomberg). 

Năm 2016, Hoa Kỳ xuất siêu 25 tỉ USD các hàng hóa và dịch vụ nghệ thuật - văn hóa, xuất khẩu bản quyền phim ảnh, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử. Hiện nay, hơn 5 triệu người Mỹ làm việc trong các ngành văn hóa nghệ thuật với gần 400 tỉ USD tiền lương mỗi năm.

Tại châu Âu, năm 2018, hơn 1,2 triệu doanh nghiệp công nghiệp văn hóa tạo nên 155 tỉ euro lợi nhuận. 

Nhìn sang châu Á, chỉ riêng các sản phẩm của làn sóng Hallyu đã đóng góp 9,5 tỉ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc vào năm 2018; 10,8 tỉ USD vào năm 2019. Năm 2019, Hàn Quốc thu về 21,5 tỉ USD từ du lịch, thu hút tổng cộng 17,5 triệu lượt khách quốc tế và Chính phủ Hàn Quốc đang có kế hoạch tăng doanh thu du lịch lên 35 tỉ USD một năm vào năm 2030. 

Riêng trong năm 2017, xuất khẩu K-pop đã đưa bản quyền âm nhạc thành "mặt hàng phi vật chất" đặc biệt có giá trị xuất siêu khoảng 5 tỉ USD.

Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với Mỹ để trở thành nền công nghiệp văn hóa lớn nhất hành tinh. 

Theo số liệu của UNESCO, ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo (không tính viễn thông) của Trung Quốc đã làm ra 2,25 nghìn tỉ đô doanh thu trên toàn cầu, tạo 29,5 triệu việc làm và sử dụng lực lượng lao động chiếm 1% tổng dân số thế giới.

Thái Lan - một quốc gia coi ẩm thực là một trong những trọng tâm của công nghiệp văn hóa từ 20 năm nay - đã đầu tư bài bản, không mệt mỏi vào việc quảng bá văn hóa ẩm thực Thái Lan với các sáng kiến để phát huy sức mạnh của ẩm thực Thái trên toàn cầu. 

Đến nay, doanh thu từ ngành chế biến thực phẩm chiếm hơn 20% GDP của Thái Lan và năm 2020 giá trị xuất khẩu thực phẩm đạt 33 tỉ USD.

Kinh nghiệm từ các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh cho thấy sự hội tụ của các điều kiện chính trị - pháp luật - kinh tế - xã hội cũng như sự thống nhất trong chiến lược, mục tiêu và giải pháp phát triển văn hóa cùng sự vào cuộc chung tay của toàn xã hội là "công thức" của thành công.

Với tầm nhìn chiến lược, lại một lần nữa, Bộ Chính trị đưa ra định hướng, quyết liệt chỉ đạo Chính phủ chú trọng xây dựng chính sách pháp luật hoàn thiện về quyền sở hữu trí tuệ sao cho năng lực bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ là cơ sở vững chắc cho các cá nhân, tổ chức lao động sáng tạo và sản xuất, kinh doanh công nghiệp văn hóa tự tin sải cánh làm chủ thị trường trong nước cũng như quốc tế. 

Bởi tài nguyên cốt lõi của công nghiệp văn hóa là sở hữu trí tuệ. 

Công nghiệp văn hóa: Sự thành bại của các quốc gia - Ảnh 2.

Báo cáo Kinh tế sáng tạo toàn cầu 2002-2015 của Liên Hiệp Quốc chưa có tên Việt Nam. Nền công nghiệp văn hóa thức dậy của Việt Nam từ sau Hội nghị Trung ương XI có đủ làm nên dấu ấn Việt Nam?

Vị thế ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Ngày 9-6-2020, kết luận của Bộ Chính trị đánh giá hiệu quả triển khai nghị quyết 33 đã xác định một trong các giải pháp trọng tâm để phát triển công nghiệp văn hóa là "Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; đồng thời nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường". 

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan; cùng 2 bộ luật Kiến trúc, Luật thư viện, 2 nghị định về triển lãm và hoạt động nghệ thuật biểu diễn được đề xuất chỉnh sửa cập nhật và ban hành hướng dẫn thực thi chính là những hành động thiết thực của Chính phủ nhằm cụ thể hóa tầm nhìn trên.

7 năm thực hiện nghị quyết 33, 5 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đến nay vị thế ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế có chuyển biến tích cực như thế nào? 

Tại sao bản Báo cáo kinh tế sáng tạo toàn cầu của Liên Hiệp Quốc phát hành năm 2018 có báo cáo về sự phát triển của công nghiệp văn hóa - sáng tạo trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng lại không có tên Việt Nam?

Câu trả lời nằm ở khoảng cách tồn tại giữa những chủ thể hoạt động văn hóa do nhà nước quản lý, tổ chức với những chủ thể hoạt động văn hóa tư nhân và các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa sáng tạo mới thành hình.

162398831_10218749681037789_367718995305385282_n

Lời tòa soạn: Tác giả bài báo là TS Nguyễn Thị Quý Phương (luận án tiến sĩ bảo vệ tại Viện Báo chí quốc gia Pháp, Đại học Tổng hợp Panthéon - Assas PARIS 2, Cộng hòa Pháp) - nguyên ủy viên BCH Đảng bộ khối các cơ quan trung ương, nguyên ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu báo chí và truyền thông, Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Hội nghị Văn hóa 2021: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh Hội nghị Văn hóa 2021: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

TTO - Ngày 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước.

TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên