Xe
21/02/2023 19:00 GMT+7

Công nghệ hỗ trợ người lái thường ‘chập mạch’ sau khi sửa chữa

Mặc dù các công nghệ hỗ trợ người lái và tránh va chạm đã được chứng minh là giúp lái xe an toàn hơn, nhưng những tính năng này cũng khiến chủ xe đau đầu nếu cần sửa chữa.

Công nghệ hỗ trợ người lái thường ‘chập mạch’ sau khi sửa chữa - Ảnh 1.

Công nghệ hỗ trợ người lái có thể trở nên vô dụng sau khi được sửa - Ảnh: Volvo

Theo nghiên cứu của Viện Bảo hiểm an toàn đường bộ Mỹ (IIHS), rất nhiều chủ xe cho biết họ gặp rắc rối với công nghệ sau khi tiến hành sửa chữa.

“Hầu hết trong số 3.000 chủ xe mà chúng tôi đã liên hệ cho biết họ chưa bao giờ cần phải sửa liên quan đến những tính năng hỗ trợ tránh va chạm, nhưng đối với những người đã trải qua, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để”, nhà nghiên cứu cấp cao của IIHS Alexandra Mueller cho biết.

IIHS đã nói chuyện với khoảng 500 tài xế về việc sửa chữa hệ thống tránh va chạm, khoảng 40% số xe này thuộc đời xe 2019 hoặc mới hơn.

Kết quả là, 2/3 chủ xe gặp sự cố với công nghệ an toàn sau những sửa chữa liên quan đến thay thế kính chắn gió, 3/4 gặp trục trặc sau khi sửa xe sau va chạm. Nếu không liên quan đến hư hỏng do tai nạn hoặc thay thế kính chắn gió, gần một nửa chủ sở hữu gặp vấn đề với công nghệ hậu sửa chữa.

“Nhiều người gặp vấn đề với công nghệ sau khi sửa chữa, một số nói rằng họ phải sửa cùng một tính năng nhiều lần”, Mueller nói.

Sửa kính chắn gió có thể buộc phải hiệu chỉnh các cảm biến và camera tránh va chạm khác nhau. Khoảng 2/3 cho biết xe đã được tinh chỉnh chuẩn, nhưng họ cũng nói rằng tỉ lệ “tái mắc bệnh” sau đó cao hơn.

Công nghệ hỗ trợ người lái thường ‘chập mạch’ sau khi sửa chữa - Ảnh 2.

Sửa chữa đã rắc rối, chi phí lại còn cao - Ảnh: Mercedes-Benz

Chi phí sửa chữa các mẫu xe đời mới, được trang bị nhiều công nghệ cũng là một vấn đề. Thay thế kính chắn gió thông thường tốn từ 250 USD (gần 6 triệu đồng), nhưng sẽ tăng lên 1.000 USD (23,7 triệu đồng) khi liên quan đến các công nghệ ngăn ngừa va chạm phía trước. Hay nói cách khác, những sửa chữa đơn giản trước kia giờ trở nên phức tạp hơn nhiều.

Nghiên cứu khác của Công ty We Predict còn chỉ ra rằng chi phí sửa chữa và bảo dưỡng xe điện - loại xe thường đi đầu trong công nghệ ngăn ngừa va chạm - cao hơn đáng kể so với các loại xe thông thường.

Do phần mềm hiệu chỉnh yêu cầu cập nhật thường xuyên, cũng như thiết bị đắt tiền và kỹ thuật viên cần được đào tạo chuyên sâu nên việc sửa chữa này khá phức tạp. Một số công nghệ tiên tiến trên những chiếc xe "tối tân" như Volvo EX90 và Mercedes-Benz S-Class còn yêu cầu các quy trình sửa chữa riêng trong trường hợp hư hỏng.

Nhưng hơn cả việc đắt đỏ, nhiều xưởng sửa chữa không có đủ năng lực hiệu chỉnh những tính năng này nhưng vẫn nhận sửa xe như thường.

Dù rắc rối như vậy, chỉ 5% chủ xe cho biết không mua “xe công nghệ” nữa. Song IIHS vẫn tỏ ra hết sức quan ngại. Bởi những người vẫn mua xe nhiều công nghệ này sẵn sàng tắt bớt những tính năng an toàn "chập mạch" đi thay vì tiếp tục tìm cách sửa chữa tốn kém.

'Công nghệ tân tiến lắp lên xe chỉ để tắt đi vì quá phiền toái'

Nghiên cứu chỉ ra rằng các phiền toái tạo ra từ công nghệ phòng chống va chạm khiến người dùng thường tắt hệ thống này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên