Việc này đang xảy ra ở xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) - nơi giáp ranh giữa ba tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Nhiều cống "đắp chiếu"
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đã xuất hiện tình trạng đồng khô cỏ cháy, ruộng đồng nứt nẻ vì nắng gay gắt.
Một đoạn đường hơn 12km ở xã Vĩnh Phong nói trên đã có 6 cống ngăn mặn không đóng cống, mặc dù đã bước vào thời điểm nước mặn xâm nhập.
Hàng chục cống ngăn mặn chưa một lần sử dụng đã xuống cấp ở Kiên Giang
Nhiều người dân xung quanh cho biết các cống ngăn mặn này từ khi xây dựng đến nay chưa một lần đóng cống. Một số cửa đóng cống có nơi bị gỉ sét hay thủng lỗ, bong tróc...
"Cống Thầy Hôm được thi công nâng cấp gần 5 năm nay chưa một lần đóng cống bao giờ. Bây giờ nhìn gỉ sét ở các dây xích như vậy không biết có còn sử dụng được không" - anh Đ., ngụ xã Vĩnh Phong, nói.
Ông Võ Hoàng Nguyên - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận - cho biết từ năm 2016 huyện đã đầu tư 54 cống ngăn mặn, mỗi năm khoảng 10 cống, với số tiền thực hiện 700 - 800 triệu đồng/cống.
Việc làm cống ngăn mặn để bảo vệ sản xuất lúa vì năm 2015 Vĩnh Thuận đã từng bị thiệt hại trên 15.000ha lúa nhưng "năm nay, hạn mặn chưa xâm nhập mạnh nên mình đâu có đóng cống chi, vì lúa đã thu hoạch rồi" - ông Nguyên nói.
Sửa chữa các cống ngăn mặn
Trả lời câu hỏi về việc có nên đầu tư các cống rồi bỏ hoang gây lãng phí như hiện nay không, ông Nguyên cho hay các cống này chưa sử dụng bao giờ nhưng đầu tư cống ngăn mặn không phải lãng phí vì phải đầu tư trước để khi có hạn mặn kịp thời xử lý.
Với các cống xuống cấp, hư hỏng thì đơn vị đã thông báo cho các địa phương rà soát kiểm tra lại các cống nào cần duy tu, sửa chữa phải báo cáo về cho huyện trước ngày 20-3 để xử lý.
Còn ông Trang Minh Tú - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên - cho hay huyện An Biên 11 cống ven biển do tỉnh quản lý vận hành có điện hoạt động ngăn mặn hiệu quả.
Riêng có 8 cống ngăn mặn đã đưa vào hoạt động nhưng hiện nay chưa có đường điện đấu vào để vận hành nên các cống ngăn mặn này chưa đóng được.
"Khi nào hạn mặn khốc liệt mới họp dân rồi quyết định đóng cống. Hiện UBND tỉnh Kiên Giang đã cho ghi vốn để kéo đóng điện phục vụ vận hành đóng mở cống. Còn hiện tại muốn đóng cống phải thuê máy phát điện lại để đóng cống", ông Tú nói thêm.
Ông Lê Văn Đủ - phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận - cho biết Vĩnh Thuận thực hiện mô hình một vụ tôm - một vụ lúa. Tuy nhiên, có những năm nước mặn xâm nhập sớm đã làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa của bà con rất nặng nề nên cần phải có cống ngăn mặn này.
Đối với các cống ngăn mặn xuống cấp thì sắp tới sẽ cho lực lượng khảo sát, tính toán và sửa chữa lại. "Huyện làm các cống này phải chủ động sẵn sàng cho ứng phó với tình hình hạn mặn. Còn các miệng ngăn cống bị hư hao sẽ được chúng tôi sửa chữa sớm", ông Đủ nói thêm.
Ghi vốn hơn 40 tỉ đồng kéo điện cho 17 cống ngăn mặn
Ông Nguyễn Văn Tư - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết đến nay 17 cống ngăn mặn chưa có điện nên chưa thể vận hành.
Trước thực tế này, đơn vị đã trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để bổ sung vốn kéo điện cho các cống ngăn mặn và UBND tỉnh Kiên Giang đã cho ghi vốn hơn 44 tỉ đồng trong năm 2024.
"Hiện đã có vốn nên đơn vị đang khẩn trương bắt tay vào kéo điện cho các cống, để không phiền phức mỗi khi đóng hoặc mở phải thuê máy phát điện nữa" - ông Tư nói.
Nói về hiệu quả các cống ngăn mặn ven biển, ông Lê Hữu Toàn - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết ngành và lãnh đạo tỉnh đã thấy bất cập nên đã đề xuất và UBND tỉnh Kiên Giang đã cho ghi vốn và thực hiện các bước kỹ thuật để thi công kéo điện cho cống hoạt động.
Với các cống ở huyện Vĩnh Thuận, ông Toàn nói đây là các cống cấp huyện đầu tư, tuy nhiên sẽ chú ý và trao đổi với địa phương về các cống này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận