Ông Nén được coi là “người tù thế kỷ” khi phải chịu oan ở cả hai vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (vụ án vườn điều) và vụ giết bà Lê Thị Bông với thời gian bị giam oan vắt từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21.
Kết quả này có được là nhờ sự đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Từ ông Huỳnh Văn Truyện - cha của ông Nén, đến anh Nguyễn Phúc Thành - bạn của người bị nghi là hung thủ đích thực, đã làm đơn khai báo sự thật mà mình biết, đặc biệt là ông Nguyễn Thận - cựu chủ tịch xã Tân Minh, Bình Thuận, rồi các luật sư, nhà báo nhập cuộc rất sớm, kiên trì và quyết liệt.
Khi hồ sơ gửi đến các đại biểu Quốc hội, cùng lúc có thêm một số vụ oan sai khác bị phát hiện và đưa ra công luận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các đoàn đi giám sát. Ủy ban Tư pháp cử hai đại biểu Lê Thị Nga và Đỗ Văn Đương trực tiếp gặp ông Nén tại trại giam.
Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp đi đến nhận định và kiên trì quan điểm: đây là vụ án oan sai, kiến nghị chánh án Tòa án nhân dân và viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại.
Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, ai cũng biết phòng chống tội phạm có khi phải dùng đến vũ lực, vũ khí để khống chế những nghi can hung hãn nhưng cũng có lúc để bảo vệ chính mình trước kẻ cướp máu lạnh.
Nhưng khi ngồi trước nghi phạm bị thúc thủ trong phòng hỏi cung, vũ khí và sức mạnh hợp pháp của điều tra viên không phải là dùi cui và cơ bắp hay sự hành hạ nhục thể từ một phía, mà là những câu hỏi sắc bén, thông minh dựa trên những dấu hiệu, chứng cứ ban đầu và bản lĩnh nghề nghiệp của mình.
Nguồn gốc của oan sai chính là thói quen bạo hành thay vì đấu trí và đấu lý, não trạng “suy đoán có tội” thay vì kỹ năng nghi ngờ hợp lý và tấm lòng công tâm, chỉ biết truy tìm và công nhận sự thật khách quan, cho dù đó là chứng cứ buộc hay gỡ tội.
Công cuộc cải cách tư pháp được triển khai từ nhiều năm nay chính là để công lý được bảo đảm, cuộc sống của người dân được bảo vệ một cách “dân chủ, công bằng, văn minh”, và do đó ít oan sai nhất.
Vì vậy, để cải cách tư pháp triệt để và hiệu quả, phải đổi mới từ khâu đào tạo, giáo trình, huấn luyện, đến toàn bộ cơ chế vận hành, từ trên xuống dưới, theo tinh thần Hiến pháp 2013 và những đạo luật tố tụng mới vừa được thông qua.
Cuối cùng, trong vụ Huỳnh Văn Nén, không thể không kể đến hàng triệu công dân giàu lòng nhân hậu và ghét bất công đã theo dõi, bày tỏ về vụ án và đòi hỏi công lý phải được trả lại cho người nông dân chân đất bị kết án oan đến hai lần trong 17 năm qua.
Phương Tây có câu thành ngữ: “Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”, lại cũng có câu: “Tuy muộn còn hơn không”.
Hôm nay, trong tâm tưởng, hẳn mỗi người quan tâm đều gửi đến ông Nén một bó hoa chúc mừng người vô tội, dù đã mất đến 17 năm của tuổi trung niên và biết bao đau khổ về tinh thần và thể xác, rồi cũng “tai qua nạn khỏi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận