29/05/2014 05:15 GMT+7

Công chứng gây thiệt hại phải bồi thường

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận lần cuối về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) sẽ được biểu quyết thông qua ngày 20-6.

Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định riêng một điều về trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định về việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng là cần thiết, nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, tránh việc đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm cũng như tranh chấp về việc bồi thường, bồi hoàn với người yêu cầu công chứng, tạo niềm tin cho người yêu cầu công chứng vào tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên mà họ lựa chọn.

Trước đó, trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến về dự luật nói trên, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên trong trường hợp công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra thiệt hại cho người yêu cầu công chứng trong quá trình hành nghề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định rõ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc và giao Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với loại bảo hiểm này.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Nghĩa (trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) còn đề nghị giao cho công chứng viên thực hiện đầy đủ các quyền về công chứng bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, góp phần giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.

Theo đại biểu Nghĩa, không nên hạn chế thẩm quyền của công chứng viên, văn phòng công chứng. “Không việc gì chúng ta cứ phải làm luật theo kiểu xã hội hóa nhỏ giọt, mỗi lần sửa luật lại xã hội hóa một ít, giữ lại một ít cho cơ quan nhà nước theo kiểu dĩ hòa vi quý” - đại biểu Nghĩa nói.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên