Đột phá thi công để tôn nền Tổ quốc thêm cao
Sau khi luồng vào lòng hồ Đá Lớn được mở vào tháng 5-1990 sang năm 1991, công binh hải quân E83 anh hùng tiếp tục ra đảo nổ mìn, cải tạo lòng hồ. Đến năm 1992 luồng và lòng hồ Đá Lớn được cắm cọc tiêu, biển báo để tàu bè ra vào an toàn. Từ đây giữa vùng biển phên giậu Tổ quốc đã có luồng hàng hải, âu tàu để đón tàu bè vào tránh trú bão an toàn.
Đầu năm 1991, trung tá Hoàng Kiền được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng E83. Từng đi Trường Sa khảo sát, mở luồng, xây dựng đảo, ông biết rõ những gì cần khắc phục để vượt khó khăn.
"Tôi tìm các phương án để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ bốc hàng và những giải pháp tiết kiệm nguyên vật liệu. Trước mắt phải cơ giới hóa công việc thay vì làm bằng tay, thủ công", tướng Kiền nhớ lại.
Trước đây, bộ đội dùng dây thừng to như cổ tay, dài 500-700m để kéo xuồng chuyển tải vật liệu từ tàu vào đảo. Công đoạn này mất thời gian, xi măng, cát có thể bị ướt vì dính nước biển.
Tướng Hoàng Kiền nghĩ ra cách dùng xuồng máy công suất lớn kéo hai xuồng chở vật liệu, mỗi xuồng chở được 10 tấn. "Nhờ chuyển tải bằng phương tiện nên 1.000 tấn hàng bộ đội chỉ bốc trong một tuần thay vì mất cả tháng như trước", ông kể.
Giải quyết được chuyển tải, ông lại suy nghĩ làm sao để thi công dựng nhà, xây đảo bằng máy móc trong khi đảo lại nhỏ không để được máy móc cỡ lớn. Ông lóe lên ý tưởng nhờ người anh đi tàu viễn dương khi ra nước ngoài xem họ có bán các loại máy móc, thiết bị nhỏ cầm tay xây dựng dân dụng.
Khi được biết ở Nhật Bản có các loại máy trộn, đầm bê tông, cắt, uốn sắt cầm tay, máy bơm nhỏ và cần cẩu mini, vậy là từ năm 1992 ông nhờ đưa máy về.
Để tiết kiệm chi phí, các bao đựng vật liệu khi ra đảo trước đây thường được xé toạc, ông ra lệnh anh em không được xé mà phải mở theo đường kim khâu. Số bao này được đưa lại về bờ để đóng vật liệu, tiết kiệm một khoản tiền.
"Nhờ đó tất cả công trình ở Trường Sa do cấp trên giao phó đều hoàn thành vượt tiến độ, khối lượng giao bao nhiêu cũng hoàn thành", ông nói.
Một trong những thành tích quan trọng của hải quân công binh là ngọt hóa, xanh hóa được Trường Sa. Tháng 5-2024, tướng Hoàng Kiền quay trở lại Trường Sa. "Năm 1986 lần đầu tiên ra Trường Sa chỉ là trắng xóa một màu san hô. Dần dần có cây, có rau. Bây giờ thì Trường Sa như rừng", ông thốt lên.
Ông lý giải nguyên nhân chính để ngọt hóa, xanh hóa Trường Sa chính là nhờ vành đai bê tông bảo vệ quanh đảo cao từ 3-4m. Trường Sa trước đây là đảo san hô, lâu ngày phong hóa. Bên trong rỗng, khi mưa nước chảy ra biển hết. Nhưng nhờ có vành đai bê tông quanh đảo nên đảo thành một cái giếng hứng nước mưa. Và năm này sang năm khác, nước mưa có đẩy chất mặn ra biển như thau rửa. Và dần dần đất dưới đảo thành giếng chứa nước ngọt.
Năm 2015, thiếu tướng Hoàng Kiền được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông cũng là đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
Nhớ và làm theo lời dạy của Tư lệnh Giáp Văn Cương
Chúng tôi gặp lại cựu chiến binh công binh hải quân Nguyễn Văn Khải (quê Nghi Sơn, Thanh Hóa) khi ông đã gần 70 tuổi. Tháng 7-1977, ông nhập ngũ, quãng đời lính công binh hải quân ông kinh qua các nhiệm vụ từ nổ đá lấy vật liệu trong bờ đến áp tải hàng ra đảo, từ đi cắm, thả mốc chủ quyền đến làm nhà cao chân trên nền san hô.
Ông vinh dự khi được Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương hỏi han, tâm sự và dấu ấn về vị tư lệnh vẫn còn in đậm đến hôm nay.
Ông Khải kể khoảng năm 1978, 1979, khi ra thăm đảo, thị sát và chỉ đạo cắm mốc chủ quyền ở Trường Sa, giữa những người lính, Tư lệnh Giáp Văn Cương tâm sự: "Tớ biết các cậu rất muốn nghỉ phép vì một năm đi đảo được nghỉ phép một tháng. Nhưng đất nước còn nghèo, năm nay tớ gần 60 tuổi còn lặn lội ra đây cùng với các cậu để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Biển của mình là cửa ngõ của nhà mình, là sân của mình, phải giữ lấy nó".
Một lần khác có lính trẻ hỏi Tư lệnh Giáp Văn Cương: "Thủ trưởng ơi, giữ mấy cái bãi cạn, mỏm đá này làm gì?". Tư lệnh trả lời ngay: "Này các cậu ơi, các đảo đá, bãi chìm này là cửa ngõ của Tổ quốc đấy. Nó cũng như nhà của các cậu, các cậu phải giữ lấy cửa, lấy cái ngõ nhà của mình. Nếu có chết thì chết trên thềm san hô".
"Lệnh của tư lệnh ngày ấy khẩn trương cắm mốc chủ quyền ở đảo. Kịp thời đổ quân thả mốc, làm nhà sàn cao chân ở trên mặt nước, để đóng quân giữ chủ quyền", ông Khải xúc động nhớ lại.
Và lời nói của Tư lệnh Giáp Văn Cương đã thấm vào máu thịt, trở thành hành động thường trực trong mỗi người lính công binh hải quân.
Tháng 5-1978, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khải lần đầu ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Ông nhớ chiều 14-5-1978 ông cùng các đồng đội nhận lệnh khẩn trương bốc hàng lên tàu ra Trường Sa. Mọi người làm quên ăn đến 0h ngày 15-5-1978 hàng bốc xong thì lên tàu ra biển luôn. Ông ở đảo hơn một năm rưỡi, đến ngày 22-12-1979 mới vào bờ.
Tháng 9-1980 ông nghỉ phép, nhưng chưa hết ngày phép, được lệnh quay vào đơn vị để tăng cường đi tiếp tế Trường Sa, xây đảo Song Tử Tây. Ông tức tốc quay vào Nam nhận nhiệm vụ.
Còn trung úy công binh hải quân Vũ Đình Khảo (sinh 1957, quê Nam Định) ra đảo Trường Sa từ 1977, chia sẻ rằng lính công binh hải quân ngày ấy gian khổ vô cùng. Nhưng ông không kể, không than vãn với ai. Bởi ông biết rằng lúc đó cả đất nước mình đều khổ vì vừa đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ.
Nhiều cựu chiến binh E83 tâm sự với chúng tôi lúc có lệnh là họ sẵn sàng lên đường dù bất cứ đó là nhiệm vụ gì. Không có ý nghĩ thoái thác hay nại ra lý do để hoãn trong đầu họ. "Mình mà nản, mình thoái thác thì ai làm. Quân đội mình là bảo vệ Tổ quốc, luôn đứng đầu ngọn sóng, ngọn gió", cựu chiến binh E83 Trương Viết Lý tâm sự.
Những kỷ niệm không thể nào quên
45 năm đã trôi qua nhưng ông Vũ Đình Khảo không thể nào quên hình ảnh đồng đội mình hy sinh ở Trường Sa. Đó là năm 1979 khi ông Khảo từ đảo An Bang lên tàu để về bờ sau hai năm xây đảo. Sau khi đón ông cùng nhiều người, tàu ghé qua đảo Sơn Ca để tiếp tục thay quân, đổi người.
Vốn là người quen với sóng gió Trường Sa, ông được chỉ định xuống xuồng kéo dây để đưa đón người. Trên xuồng có hơn 10 người. Lúc này biển động, sóng to.
Khi xuồng cách đảo chừng 500m, ở vực thềm san hô, bất ngờ một con "sóng thác" cao hàng mét đổ ập xuống. Dây kéo bung, xuồng xoay ngang mũi, lật úp, mọi người rơi xuống biển.
Vốn quen sóng gió và biết cách đối phó, cứ mỗi lần sóng rút ra ông lặn xuống, tìm ôm lấy một hòn đá, sóng đánh vào đảo ông lại nhoài người theo sóng. "Đang vật lộn với sóng, thấy có anh Nguyễn Văn Tân bên cạnh, tôi mở thắt lưng vút ra cho anh cầm để kéo vào và mở cổ áo cho anh ấy dễ thở", ông bồi hồi kể. Trung úy Khảo cũng nói kinh nghiệm thoát sóng của mình cho ông Tân. Và hai người bơi được vào đảo.
Những người còn lại đều nằm lại biển khơi mênh mông. "Nhìn anh em cứ từ từ chìm xuống, bị sóng vùi dập mà không thể cứu được, tôi rớt nước mắt", trung úy Khảo bùi ngùi chia sẻ.
Trong những người hy sinh có đồng đội ông tên Ba, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An. Hai ông đã làm việc với nhau một thời gian dài, gắn bó "xương máu với nhau".
Đơn vị tiền thân của E83 là Trung đoàn 83 công binh cầu đường được thành lập ngày 19-8-1958. Từ năm 2013, E83 được nâng cấp thành lữ đoàn.
Với những thành tích từ năm 1976 đến 1994, tháng 12-1994, lần thứ hai E83 vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trước đó vào tháng 9-1975, trung đoàn đã được phong tặng danh hiệu này. Ngoài ra, trung đoàn còn được tặng thưởng nhiều huân chương khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận