Video: Mẹ lượm ve chai, cha phụ hồ tích góp cho con vào đại học
Những tưởng với tất cả nỗ lực ấy sẽ giúp hành trình trở thành tân sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM của Đạt bớt gian truân, nhưng cậu đã thoáng nghĩ đến chuyện từ bỏ khi thời hạn nhập học sắp hết mà gom góp mọi đầu vẫn không đủ để nhập học.
Ngược xuôi mưu sinh
Cơn mưa sớm trong chiều khiến trời tối sầm lại. Dãy nhà trọ trên đường Lô Tư, quận Bình Tân (TP.HCM) ẩm ướt, vắng lặng. Đạt khoác vội lên mình chiếc áo mưa rách lỗ chỗ để kịp đến chỗ làm trước 16h. Công việc của Đạt gần ba tháng qua là sắp xếp bàn ghế, lau rửa các vỉ nướng, đĩa chảo... rồi soạn ra bàn, khi nào quán hết khách thì về.
Bà Trang (50 tuổi), mẹ Đạt, dắt chiếc xe đạp chất đầy ve chai, chậm rãi đi về phía nhà trọ. Đôi môi run vì lạnh, bà Trang kể đường tối nên bị sụp vào ổ gà, cả xe và người ngã sóng soài trong bùn. Thanh sắt vụn cột sau xe vô tình xé toạc tấm áo mưa duy nhất, nhưng vì trong túi chỉ còn vài chục ngàn nên bà dầm mưa về luôn.
Thời trẻ, bà Trang làm công nhân may ở Đồng Nai. Lấy chồng rồi sinh Đạt, bệnh xương khớp không cho phép ngồi một chỗ quá lâu nên bà bỏ nghề may đi nhặt ve chai để tiện chăm sóc chồng con. Ngặt nỗi ngày càng nhiều người nhặt ve chai, giá phế liệu "rẻ bèo" nên cuộc sống mỗi lúc một khó.
"Mấy chú trong công trình cho thanh sắt, lại mua được ít vỏ lon, tưởng đâu bữa cơm chiều có thêm con cá, nào ngờ rách bộ áo mưa, xem như lỗ công rồi", bà Trang chép miệng.
Nguyễn Tiến Đạt (phải) kèm câp cậu em trai Tấn Thành học - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Nỗi lo cơm áo gạo tiền chưa bao giờ thôi hiện diện trong căn trọ nghèo. Mùa mưa là nỗi ám ảnh của những ai theo nghề phụ hồ như ông Hòa (cha Đạt). Sáng chạy xe từ Bình Tân đến công trình ở Thủ Đức, vừa sàng cát chuẩn bị trộn hồ thì trời ập mưa, chủ thầu cho nghỉ. Vậy là cả ngày hôm đó ông Hòa thất nghiệp, lỗ luôn tiền xăng đi lại.
Là trụ cột gia đình, ông Hòa không cho phép mình nghỉ ngơi. Khi không có công trình nào, ông lân la tới mấy khu chợ làm "thợ đụng", vừa đi vừa "khấn" có người thuê mình mới bù được tiền xăng của hôm đó.
Con muốn được học
Căn phòng trọ hơn chục mét vuông là nơi trú ngụ của bốn người gia đình Đạt. Cũ và chật hẹp nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ. Cái tủ lạnh, bếp gas, ti vi... đều là đồ ve chai bà Trang mua hoặc xin được từ người dân rồi tân trang lại dùng đỡ.
Toàn đồ cũ nên cũng phải có cách dùng đặc biệt, có lần vì mở sai cách mà Đạt bị cánh cửa tủ quần áo rơi ra đập vào chân.
Ngày Đạt nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, cả nhà đều buồn lặng, mỗi người một góc. Cảm xúc trong cậu lúc ấy hỗn độn, vui vì chạm tay vào giấc mơ giảng đường nhưng bức tường nghèo khó lại chắn ngay phía trước khiến cậu bất lực.
"Con muốn được học lên, chỉ có học mới giúp con lo được cho mình, cho cha mẹ về sau" - nỗi niềm của con trai như đường dao sắc cứa lòng ba mẹ.
Ba tháng làm thêm, Đạt kiếm được hơn 10 triệu đồng (20.000 đồng/giờ). Sát ngày nhập học, vơ vét hết gia sản trong nhà vẫn thiếu vài triệu nữa. Bà Trang chạy vạy khắp nơi nhưng ai cũng biết bà nhặt ve chai, chồng phụ hồ, ở trọ, không tài sản nên chẳng vay được ai.
"Mừng rớt nước mắt khi mấy người trong hội ve chai quanh nhà gom góp cho mượn mới đủ để thằng Đạt đăng ký nhập học" - bà Trang nói, đôi gò má gầy gò ướt đẫm nước mắt.
Cô Bùi Minh Nhật Uyên - bí thư Đoàn thanh niên Trung tâm giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) - nói Đạt thuộc nhóm học sinh dẫn đầu của trung tâm về học lực. "Tôi cảm nhận rằng nghèo khó chưa bao giờ làm Đạt nhụt chí. Ngoài ham học, bạn còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, được mệnh danh là cây hài hay pha trò cho các bạn vui", cô Uyên chia sẻ.
Xét tuyển bằng điểm học bạ khối A, Đạt đỗ vào ngành công nghệ thông tin với điểm chuẩn trên 26 điểm. Biết trước hành trình để thành một kỹ sư công nghệ thông tin còn đó nhiều gian truân, nhưng với Đạt, có thể nhập học được lúc này đã như một giấc mơ.
Học ké... máy tính
Niềm đam mê công nghệ thông tin của Đạt đến từ những buổi đạp xe đi học ké máy tính của một người bạn thân cách nhà trọ vài cây số. Bà Trang từng dẫn con trai đến trung tâm điện máy với ý định mua một chiếc laptop trả góp.
Nhưng tham khảo bốn trung tâm điện máy khác nhau, cuối cùng hai mẹ con lại đi về, phần vì giá cao quá, phần vì không có chính sách trả góp lãi suất thấp, rồi khoản phải trả trước vượt quá khả năng... "Thương con đứt ruột, học về máy móc mà không có máy, dấm dúi định đi mua góp rồi lại ra về trong nước mắt", bà Trang nghèn nghẹn.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường
Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.
Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.
Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...
Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.
Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin tại link này.
Video: 20 mùa vượt khó cùng tân sinh viên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận