20/01/2017 10:58 GMT+7

Con tàu khát vọng Trường Sa Việt Nam

VĨNH HÀ - LÊ THANH
VĨNH HÀ - LÊ THANH

TTO - Giữa biển khơi, con tàu Trường Sa Việt Nam 6.000 tấn, dài 100m rẽ sóng. Trong vòng bán kính hàng trăm kilômet, hàng trăm tàu cá nhỏ đánh bắt quanh “tàu mẹ”.

Mô hình tàu Trường Sa Việt Nam
Mô hình tàu Trường Sa Việt Nam

Hằng ngày, tàu mẹ thu mua cá, chế biến ngay trên biển và cung cấp xăng dầu, nước ngọt, dịch vụ y tế... cho các tàu con.

Đó là viễn cảnh về dự án “Tàu chế biến và hậu cần nghề cá có trọng tải 6.000 tấn” đang được hai chàng trai Hà Huy Hợp và Nguyễn Duy Tuấn trình Chính phủ phê duyệt cho vay vốn theo nghị định 67.

Một con tàu - nhà máy có thể chế biến cá luôn trên biển, cung cấp nước ngọt, xăng dầu, lương thực, y tế... cho hàng ngàn tàu cá nhỏ của ngư dân trên biển là khao khát của hai chàng trai thế hệ 8X nung nấu mấy năm nay.

Xót xa nhìn cá đổ xuống biển

Năm 2011, Hà Huy Hợp - giám đốc Công ty CP thủy sản Sông Hồng Biển (Đà Nẵng) - hỗ trợ kinh phí đưa một đoàn nghệ sĩ ra Trường Sa biểu diễn. Trong chuyến đi đó, Hợp được đi theo tàu cá xem bà con đánh bắt.

Đêm ấy, mẻ cá thứ nhất cất lên, bà con thu cá về khoang. Khi cất mẻ cá thứ hai, toàn cá to, chất lượng hơn mẻ trước.

Ngư dân phải trút bỏ mẻ cá thứ nhất, lấy chỗ chứa mẻ cá mới. Hợp ngạc nhiên lắm! Bà con giải thích: tàu nhỏ, không có chỗ chứa, đành phải như vậy. “Chuyện thường ngày trên biển” - bà con nói.

Tìm hiểu thêm, Hợp biết mỗi năm có hàng triệu tấn cá nhỏ, cá tạp, cá vụn bị đổ xuống biển như thế.

“Là người làm trong nghề thu gom hải sản, chế biến bột cá, nhìn cảnh đó tôi thấy rất xót xa. Tiếc mà không làm gì được. Không chỉ lãng phí mà còn làm ô nhiễm cho biển” - Hà Huy Hợp tâm sự.

Gia đình Hợp có hệ thống xưởng sản xuất bột cá và có đội tàu thu gom cá trên biển. Ngay khi đó, thôi thúc về một con tàu lớn làm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến bột cá, trữ cá chất lượng tiêu chuẩn từ trước càng cháy bỏng trong anh. Và Hợp chấp bút viết nên ý tưởng của mình.

Sau lần đó, Hà Huy Hợp tìm hiểu thông tin và sang Mỹ để nghiên cứu dây chuyền chế biến cá trên tàu biển. Anh cũng đi nhiều nơi để tìm hiểu thông tin về hậu cần nghề cá, thực trạng đánh bắt cá của ngư dân khu vực miền Trung, nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Trong hành trình đó, Hà Huy Hợp gặp Nguyễn Duy Tuấn - chàng thanh niên sinh năm 1985, quê ở Đà Nẵng.

Tuấn kể: “Cuộc gặp định mệnh của hai người có cùng mơ ước. Nghe anh Hợp nói về ý tưởng tàu chế biến và hậu cần nghề cá, với dây chuyền sản xuất surimi (chả cá) trực tiếp trên tàu, tôi thấy rất sung sướng”.

Là người làm trong nghề thu gom hải sản, chế biến bột cá, nhìn cảnh nhiều mẻ cá bị đổ xuống biển tôi thấy rất xót xa

HÀ HUY HỢP

Nghe anh Hợp nói về ý tưởng tàu chế biến và hậu cần nghề cá, với dây chuyền sản xuất surimi (chả cá) trực tiếp trên tàu, tôi thấy rất sung sướng

NGUYỄN DUY TUẤN

Không hẹn mà gặp, ý lớn gặp nhau

Nguyễn Duy Tuấn cũng được sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm thủy sản. Tuấn rất thấm thía những khó khăn, cực nhọc của ngư dân.

Từ lâu Tuấn đã mơ ước có một con tàu đủ sức thu mua, chế biến cá trên biển. Trên Facebook, ngoài những chia sẻ về nghề, Tuấn thổ lộ rằng “mơ ngủ cũng thấy tàu”.

Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, cũng là lúc hàng loạt tàu cá - nhà máy Trung Quốc mọc lên trên biển. Đó là những con tàu siêu trọng tải áp sát vùng biển Việt Nam.

“Tôi biết có những con tàu của họ đặt tới 14 dây chuyền sản xuất, huy động 600 công nhân sản xuất trực tiếp. Từ đó, tôi lại càng nung nấu ước mơ về con tàu có thể chế biến cá ngay trên biển. Nếu chúng ta không hiện đại hóa nghề cá Việt Nam thì sẽ không thể nào bứt lên được” - Tuấn nói.

Nguyễn Duy Tuấn phân tích: ngành bột cá Việt Nam luôn lép vế so với bột cá của Peru, Chile. Một ký bột cá của Việt Nam chỉ bán được 25.000 - 30.000 đồng, còn bột cá của Chile có giá 36.000 - 42.000 đồng.

Vì bột cá của Việt Nam có nhiều tạp chất và lượng đạm thấp hơn. Tuấn nói cái Việt Nam thua chính là công nghệ.

Theo Tuấn, hệ thống sản xuất, sơ chế hải sản trên tàu đã có từ lâu ở các nước phát triển. Còn Việt Nam chỉ dừng lại chế biến ở đất liền sau khi cá được đánh bắt cả tháng trời nên chất lượng kém.

Hà Huy Hợp - người trực tiếp chấp bút viết bản dự án tàu Trường Sa Việt Nam - tính toán: nếu chế biến khi cá vẫn còn tươi sống thì chắc chắn sản phẩm sẽ chất lượng, giá bán cao hơn.

Cả Hợp và Tuấn không hẹn mà gặp, say sưa với ý tưởng con tàu Trường Sa Việt Nam. May sao vừa gặp lúc Chính phủ ban hành nghị định 67 về hỗ trợ cho vay đóng tàu cá, ý tưởng biến thành dự án!

Và con tàu Trường Sa Việt Nam

Hơn 50 trang báo cáo khả thi dự án đầu tư tàu chế biến và hậu cần nghề cá 6.000 tấn, chiều dài 100m, dự án con tàu mang tên Trường Sa Việt Nam hoàn thành vào cuối năm 2016: đề án “Tàu chế biến và hậu cần nghề cá có trọng tải 6.000 tấn” đang trình Chính phủ phê duyệt cho vay vốn theo nghị định 67.

Theo dự án, công năng chính của tàu Trường Sa Việt Nam là thu mua cá của bà con ngư dân ngay trên Biển Đông. Cá được đưa thẳng vào hệ thống sản xuất khép kín, gồm dây chuyền sản xuất surimi và dây chuyền sản xuất bột cá làm từ đầu, vảy, vây, xương cá.

Tổng công suất dự kiến mỗi ngày đạt 100 tấn thành phẩm surimi và 50 tấn bột cá từ 240 tấn nguyên liệu cá tươi.

Hà Huy Hợp cho biết dự kiến thị trường chính của surimi sẽ là Nhật Bản, Hàn Quốc. Giá surimi hiện khoảng 50.000 đồng/kg. Còn giá bột cá khoảng 30.000 đồng/kg.

Tại Việt Nam, bột cá sản xuất trong nước chỉ cung cấp được 10% nhu cầu, còn tới 90% phải nhập khẩu để làm nguyên liệu cho nhà máy thức ăn chăn nuôi.

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, Hợp khẳng định dây chuyền sản xuất của tàu Trường Sa Việt Nam còn làm giảm ô nhiễm môi trường trên biển do cá tạp, cá vụn không còn bị xả xuống biển.

Về đầu ra cho surimi, Tuấn cho biết nhiều đối tác nước ngoài khi nghe anh trình bày cũng bày tỏ mong muốn có nguồn hàng chất lượng. Họ khẳng định sẽ cử chuyên gia ở lại tàu để cùng giám sát quá trình sản xuất sau khi tàu đi vào hoạt động.

Và khi tàu Trường Sa Việt Nam ra khơi, như con tàu mẹ, nó sẽ kéo các tàu nhỏ khác đi theo, tương thân tương trợ nhau trên biển, không còn đơn độc “mồ côi một mình”.

Hết nước, hết dầu, tai nạn... đều có các dịch vụ của “tàu mẹ” cung ứng, hoàn toàn yên tâm đánh bắt dài ngày, không phải tốn công tàu đi, tàu về tốn kém, mất thời gian, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.

Theo thiết kế, tàu Trường Sa Việt Nam ngoài dây chuyền sản xuất còn có hệ thống bể nuôi hải sản sống và hệ thống đông lạnh ở nhiệt độ âm 420C.

Tàu có đội ngũ y tế khám chữa bệnh cho ngư dân nếu bị bệnh bởi ốm đau là chuyện rất bình thường...

Ngoài ra, con tàu này còn có 100 phòng ngủ, sức chứa khoảng 500 người. Tầng trên cùng là phòng cộng đồng, rộng 500m2, là nơi phục vụ ăn uống, các hoạt động giải trí cho ngư dân.

Hợp cho biết hiện tại có hơn 100 tàu cá với khoảng 600 ngư dân Đà Nẵng, Nghệ An... cung cấp cá cho công ty của anh. Cho nên, khi tàu Trường Sa Việt Nam đi vào hoạt động, số tàu cá này sẽ là đối tác cho “tàu mẹ”.

Còn ngư dân sau giờ làm việc có thể về tàu Trường Sa Việt Nam để nghỉ ngơi. “Những ai bám biển dài ngày mới hiểu nhu cầu tinh thần là rất quý” - Hợp chia sẻ.

Mong ước về con tàu mẹ

Ông Vũ Hữu Chiến - tổng giám đốc Công ty đóng tàu Phà Rừng - cho rằng ở Việt Nam chưa có tàu cá nào có chức năng chế biến cá luôn ở trên tàu ngay sau khi đánh bắt.

Trong khi đó ở các nước có công nghệ đánh bắt cá phát triển, tàu cá có dây chuyền chế biến cá luôn ở trên biển đã có từ lâu. Nên nếu tàu Trường Sa Việt Nam ra đời thì đây sẽ là con tàu đầu tiên của Việt Nam có dây chuyền chế biến cá.

“Con tàu này được xem như tàu mẹ cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, nhiên liệu... cho tàu đánh cá khác. Còn các tàu cá lúc đó chỉ chuyên tâm khai thác thôi.

Và cá được chế biến ngay khi còn tươi sống sẽ đảm bảo chất lượng tốt nhất. Nghề chế biến, hậu cần cá rất cần những người tiên phong như hai chàng trai này” - ông Chiến nói.

Còn ông Trần Văn Lĩnh - chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng - cho rằng ý tưởng về con tàu Trường Sa Việt Nam hết sức táo bạo và nhân văn, có ích cho cộng đồng.

Việc chế biến surimi ngay trên biển tiết kiệm rất nhiều chi phí và chất lượng sản phẩm tốt hơn nhiều.

VĨNH HÀ - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên