
Tại Việt Nam, tiền điện tử chưa được công nhận hợp pháp - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG
Tiền điện tử từ lâu đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, thay đổi cách con người nhìn nhận về tài chính, đầu tư và giá trị kinh tế.
Ngày 20-2, khi Pi Network chính thức bước vào giai đoạn Open Network của Mainnet, cộng đồng người dùng lại một lần nữa dấy lên những tranh luận sôi nổi về tiềm năng của đồng Pi cũng như vai trò của tiền điện tử trong tương lai.
Vậy, góc nhìn nào là hợp lý khi đánh giá niềm tin và triển vọng của Pi Network nói riêng và tiền điện tử nói chung?
Pi Network: Niềm tin từ sự đơn giản và khả năng tiếp cận
Điều làm nên sức hút của Pi Network nằm ở sự đơn giản và tính đại chúng. Không như Bitcoin hay Ethereum, vốn đòi hỏi thiết bị phần cứng mạnh mẽ và tiêu tốn năng lượng lớn, Pi Network cho phép người dùng "đào" đồng Pi chỉ bằng cách điểm danh hằng ngày trên ứng dụng di động.
Với hơn 60 triệu người dùng trên toàn cầu và 12 triệu người đã hoàn tất xác thực danh tính (KYC) tính đến giữa năm 2024, Pi Network đã xây dựng được một cộng đồng đông đảo, đặc biệt ở các quốc gia như Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Sự dễ dàng này đã khơi dậy niềm tin rằng tiền điện tử không còn là "sân chơi" dành riêng cho giới công nghệ, mà có thể trở thành công cụ tài chính cho mọi người.
Với tiền điện tử nói chung, tương lai vẫn là một dấu hỏi lớn

Nguyễn Hà Minh Thông, một chuyên gia đầu tư - tư vấn Crypto - Ảnh do nhân vật cung cấp
Công nghệ blockchain đang ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính đến chuỗi cung ứng, nhưng sự chấp nhận toàn cầu còn phụ thuộc vào quy định pháp lý và niềm tin của công chúng.
Tại Việt Nam, nơi tiền điện tử chưa được công nhận hợp pháp, việc tham gia vào Pi Network hay bất kỳ dự án nào khác đòi hỏi sự tỉnh táo và hiểu biết để tránh rủi ro pháp lý lẫn tài chính.
Pi Network và tiền điện tử là hai mặt của một xu hướng lớn: sự chuyển dịch sang nền kinh tế số. Niềm tin vào Pi Network xuất phát từ sự dễ tiếp cận và tầm nhìn đầy tham vọng, trong khi tiềm năng của tiền điện tử nằm ở khả năng thay đổi cách chúng ta giao dịch và lưu trữ giá trị.
Tuy nhiên, cần có sự cân bằng giữa hy vọng và thực tế.
Với người tham gia, thay vì đặt cược mù quáng vào giấc mơ "đổi đời", hãy coi đây là cơ hội tìm hiểu về blockchain và thị trường tài chính mới. Trong thế giới tiền điện tử, kiến thức và sự thận trọng luôn là chìa khóa để biến niềm tin thành giá trị thực sự.
Tiếp đó là sự nhạy bén. Đối với một số nhà đầu tư thông thạo và nhạy bén, sự FOMO tâm lý lạc quan là cơ hội đổi đời cũng là miếng mồi béo bở đối với họ.
Họ có thể lướt sóng Pi thông qua sàn giao dịch hoặc mua OTC chợ đen để kiếm lời ăn chênh lệch.
Tuy nhiên mua OTC mua bán giá nào cho hợp lý phải dựa trên kiến thức chung về tài chính, crypto, biết xem xét tiềm năng từ cộng đồng, xem xét tổng cung dự án, tiềm năng niêm yết giá, ứng dụng công nghệ và tiện ích đối với đồng coin mới có thể đưa ra quyết định mua bán hợp lý, chứ không đơn thuần chỉ là "niềm tin mãnh liệt để đổi đời".
Chuyên gia đầu tư - tư vấn Crypto NGUYỄN HÀ MINH THÔNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận